2.2. Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực tại Chi nhánh Ngân
2.2.3. Hình thức đào tạo
Nếu xét theo địa điểm đào tạo, Chi nhánh có hình thức đào tạo tại nơi làm việc và đào tạo xa nơi làm việc:
Đào tạo tại nơi làm việc:
- Kèm cặp tại chỗ: Trong quá trình thực hiện công việc, cán bộ nghiệp vụ được hướng dẫn bởi người lãnh đạo trực tiếp, người đã được đi tập huấn tập trung hoặc người có chuyên môn tốt hơn. Việc đào tạo này ít tốn kém, sát với thực tế của Chi nhánh, người học có thể phản hồi nhanh chóng về kết quả đào tạo, thường được thực hiện ở các phòng nghiệp vụ.
- Luân chuyển công tác: Chi nhánh thực hiện luân chuyển công việc giữa các cán bộ trong phòng, giữa các phòng với nhau (phòng Tín dụng với phòng Kế toán, phòng Tổng hợp với phòng Kiểm tra, phòng Tổng hợp với phòng Hành chính - Quản lý nhân sự,…), giúp cho cán bộ hiểu được cách thức phối hợp thực hiện công việc của các bộ phận khác nhau, làm gia tăng sự hiểu biết và xây dựng văn hoá tổ chức. Nhờ phương pháp này, cán bộ của Chi nhánh được đào tạo đa kỹ năng, thích nghi với các công việc khác nhau, giúp họ phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của mình và có kế hoạch đầu tư phát triển nghề nghiệp phù hợp.
Đào tạo xa nơi làm việc:
- Tham gia lớp tập huấn do Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức: Đây là hình thức đào tạo chủ yếu của Chi nhánh. Tuỳ theo nội dung đào tạo, tập huấn của từng đợt và yêu cầu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, giám đốc sẽ cử cán bộ chuyên môn tham dự, thường là lãnh đạo cấp phòng sau đó
tập huấn lại tại Chi nhánh nếu thấy cần thiết.
- Tổ chức các buổi tự học nghiệp vụ tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương trên cơ sở sự hướng dẫn của những người đã được tập huấn tập trung tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức khác; Thảo luận những tình huống cụ thể tại Chi nhánh để tìm ra hướng giải quyết phù hợp dưới sự chủ trì của các phòng nghiệp vụ.
- Tham gia lớp đào tạo tại các trường như trường Chính trị tỉnh Hải Dương (học quản lý nhà nước, trung cấp chính trị và cao cấp chính trị), trường đại học chuyên nghiệp như Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà nội,… (học tổng quan nghiệp vụ ngân hàng, đại học, thạc sĩ,…).
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh đã áp dụng kết hợp nhiều hình thức đào tạo nhằm đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, chi phí và tương đối phù hợp với nhu cầu, khả năng (về điều kiện, thời gian tham gia…) của học viên. Tuy nhiên đào tạo theo loại hình giao lưu học hỏi nghiệp vụ chưa được quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ nghiệp vụ giữa các đơn vị có dịp giao lưu trao đổi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và tạo không khí giao kết thi đua giữa các đơn vị nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các loại hình đào tạo khác trong hệ thống như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến chưa được tổ chức thực hiện nên hiệu quả công tác đào tạo và tự đào tạo của ngành chưa cao, chưa tận dụng được việc tự đào tạo mọi lúc, mọi nơi cho cán bộ, viên chức của ngành.