3.4. Một số kiến nghị
3.4.1. Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan
Để công tác đào tạo nhân lực tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam ngày càng chất lượng và hiệu quả, học viên xin đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan một số kiến nghị như sau:
3.4.1.1. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Chính phủ ban hành chính sách và chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu
tư cơ sở vật chất, hỗ trợ các hoạt động của cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn để hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề ngoài công lập; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống giáo dục - đào tạo nghề trong các công ty, doanh nghiệp; Phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề với các cá nhân, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Bảo đảm sự công bằng về mọi chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và dạy nghề; trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các Bộ, ngành, địa phương và trách nhiệm của các Hội, Hiệp hội. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực, tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Rà soát việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển một số trường và ngành đào tạo chất lượng cao.
3.4.1.2. Về chế độ tiền lương
Theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển được thực hiện chế độ tiền lương như đối với Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt, 3 năm cán bộ, viên chức được thi lên lương một lần, nếu đạt, sẽ được nâng bậc lương. Việc này chưa khuyến khích được cán bộ viên chức tích cực tự học tập cũng như phát huy tính sáng tạo trong công việc. Để đảm bảo thang, bảng lương vừa mang tính kích thích, khuyến khích tài năng sáng tạo, có tác dụng lôi cuốn mọi người
phấn đấu vươn lên, vừa có tác dụng ngăn chặn, răn đe những hành vi sai trái, tiêu cực của cán bộ, viên chức, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xây dựng thang bảng lương riêng với hệ thống ngạch bậc, lương bổng hợp lý, đảm bảo điều kiện không làm tăng thêm chi phí quản lý quy định nhưng mang tính dân chủ, công bằng và khuyến khích phát triển tài năng.
3.4.1.3. Về hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tạo điều kiện, cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam được tham gia và tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, được tiếp nhận các Dự án tài trợ với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực,… từ đó lĩnh hội được những nội dung mới, kiến thức cơ bản và kinh nghiệm của các tổ chức trên toàn thế giới trong hoạt động quản lý, đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoạt động tín dụng, bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng…