Là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là VDB), quá trình hình thành và phát triển của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương gắn liền với lịch sử phát triển của VDB.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ Phát triển (được thành lập theo Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ) để thực hiện chính sách Tín dụng Đầu tư và Tín dụng Xuất khẩu của Nhà nước.
Kế thừa hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Phát triển, Ngân hàng Phát triển Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2006 với tổng tài sản 105.000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu gần 6.300 tỷ đồng. Hệ thống Ngân hàng Phát triển được tổ chức rộng khắp với mạng lưới Hội sở chính, 62 Chi nhánh và Sở giao dịch trong cả nước, tập trung tài trợ cho các Dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghiệp trọng điểm; nông nghiệp, nông thôn và vùng miền khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Là một Ngân hàng của Chính phủ, có quy mô vốn lớn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn, VDB được Chính phủ cấp bù lãi suất và bảo đảm khả năng thanh toán, không phải dự trữ bắt buộc và tham gia bảo hiểm tiền gửi, được
miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Pháp luật. Vốn điều lệ của VDB là 10.000 tỷ đồng (theo Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013, vốn điều lệ năm 2015 là 20.000 tỷ đồng, năm 2030 là 30.000 tỷ đồng), thời hạn hoạt động 99 năm, kể từ khi thành lập. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được đẩy mạnh hoạt động huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ Tín dụng đầu tư và Tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Từ đó, có thể thấy đặc trưng của VDB như sau:
- Là một tổ chức tài chính, tín dụng của Nhà nước thực hiện chính sách Tín dụng đầu tư và Tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;
- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải bảo toàn, phát triển vốn, bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động tín dụng;
- Hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng đầu tư và dịch vụ ngân hàng. Cùng với sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 03/QĐ- NHPT ngày 01/7/2006 của Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trên cơ sở tổ chức lại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ Phát triển Hải Dương. Chi nhánh là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có bảng cân đối, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn, trụ sở đặt tại số 07, đường Hồng Quang, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Với chức năng, nhiệm vụ huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách Tín dụng đầu tư và Tín dụng xuất khẩu của Nhà nước trên địa bàn, Chi nhánh hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy định.
Địa bàn tỉnh Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang,
Hưng Yên và Thái Bình. Quy mô dân số trên 1,7 triệu người (mật độ dân số 1.048 người/km2), trong đó có 63% đang trong độ tuổi lao động; Với hệ thống các cơ sở giáo dục và dạy nghề hiện có trên địa bàn và các tỉnh lân cận, Hải Dương có thế mạnh trong việc đáp ứng nguồn nhân lực cho các cơ quan, đơn vị.
Là một tỉnh ngay sát thủ đô Hà Nội, gần các cảng biển của Hải Phòng, Quảng Ninh, gần các cảng hàng không của Hải Phòng, Hà Nội. Hải Dương có mạng lưới giao thông phát triển, trên địa bàn có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, có các quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 183 và quốc lộ 10. Sắp tới, sẽ có tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua. Ngoài ra, Hải Dương có tuyến giao thông đường thuỷ thuận lợi phù hợp với các phương tiện pha sông biển. Hệ thống lưới điện, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc rất phát triển và ngày càng được tăng cường đầu tư, nâng cấp. Tỉnh không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn đã có 10 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp đi vào khai thác, thu hút các dự án đầu tư. Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về kinh tế và các loại hình dịch vụ.
Trên địa bàn tỉnh đã có hơn 15 đầu mối các tổ chức tín dụng hoạt động, trong đó, có đầy đủ các ngân hàng thương mại quốc doanh và một số ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam. Do vậy, sẽ đem lại các dịch vụ đáp ứng cho các chủ đầu tư dự án trên địa bàn, nhất là đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự án và vốn cho các hoạt động kinh doanh của dự án. Đồng thời, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt về chất lượng phục vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.