Vai trò của phát triển khu công nghiệp bền vững

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh Ninh Bình (Trang 34 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.1. Lý luận chung về phát triển khu công nghiệp bền vững

1.1.4. Vai trò của phát triển khu công nghiệp bền vững

1.1.4.1. Góp phần quan trọng trong thu hút vốn đầu tư.

KCN là một trong những khu vực kinh tế quan trọng chủ yếu nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. KCN có các lợi thế như: CSHT hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách ưu đãi,… điều này giúp các nước có KCN có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến cũng như cách quản lý hiện đại của các nước phát triển. Việc phát triển bền vững các KCN cũng tạo điều kiện cho các công ty xuyên quốc gia trong việc mở rộng phạm vi hoạt động trên cơ sở tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tranh thủ thuế quan ưu đãi từ phía nước chủ nhà, khai thác thị trường rộng lớn ở các nước đang phát triển. Vì thế nguồn vốn đầu tư vào các KCN không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, các dự án thực hiện trong KCN hầu hết do các nhà đầu tư nước ngoài hoặc do liên doanh với nước ngoài thực hiện. KCN đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ví dụ, ở

Malaysia và Đài Loan trong những năm đầu phát triển, KCN đã thu hút khoảng 60% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước.

KCN phát triển bền vững còn thu hút được các nhà đầu tư trong nước bởi có những thuận lợi về vị trí và ưu đãi về chính sách, cơ chế. Vốn đầu tư trong nước là nguồn vốn tiềm tàng rất lớn trong nhân dân chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. KCN là nơi tạo môi trường và cơ hội phát huy năng lực về vốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước sẽ liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp thu kinh nghiệm quản lý, điều hành, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại của nước ngoài, bồi dưỡng nhân tài, thử các phương án cải cách để tiến dần đến trình độ thế giới.

1.1.4.2. KCN phát triển bền vững tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Việc phát triển các KCN bền vững sẽ ngày càng tạo ra nhiều việc làm với thu nhập ngày càng cao cho lao động trong KCN cũng như ngoài KCN, đây là một trong những mục tiêu của các nước đang phát triển. Các KCN tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện giải quyết vấn đề thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho lao động ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Các KCN được xây dựng và phát triển bền vững sẽ kéo theo hình thành các khu dân cư, các khu đô thị mới, và từ đó các dịch vụ đời sống cũng được hình thành như chợ, siêu thị, các dịch vụ vận tải, bưu điện,… đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nên cũng tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động.

Như vậy, việc hình thành và phát triển bền vững các KCN không chỉ tạo việc làm cho riêng các lao động trong KCN mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho rất nhiều doanh nghiệp khác, người lao động khác hoạt động ngoài KCN.

1.1.4.3. KCN phát triển bền vững góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước

Việc phát triển KCN bền vững là một trong những giải pháp nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia, rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các nước phát

triển và tận dụng lợi thế của các nước đi sau để rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới. Các KCN thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa vào KCN những thiết bị kỹ thuật tiên tiến, quy trình công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, khi được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, công nghệ kỹ thuật tiên tiến thì các cán bộ quản lý, các công nhân kỹ thuật và nhân viên làm việc tại các KCN sẽ được đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho thích hợp và trực tiếp tiếp thu tác phong công nghiệp, kinh nghiệm quản lý hiện đại thích ứng với cơ chế thị trường và đạt hiệu quả cao. Kết quả là chất lượng lao động tăng lên thích ứng với môi trường làm việc mới.

1.1.4.4. KCN phát triển bền vững góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phát triển bền vững các KCN là điều kiện dẫn dắt các ngành công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, lao động, tư vấn lao động. KCN phát triển bền vững còn là điều kiện để đẩy nhanh tốc độ và kim ngạch xuất khẩu…. Do đó, KCN góp phần quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế.

Các KCN phát triển bền vững làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế, đẩy mạnh tốc độ, kim ngạch xuất nhập khẩu. Các KCN là một trong những nơi đi đầu trong xuất khẩu hàng hóa trong nước ra thị trường thế giới, giúp cân bằng cán cân thương mại, tăng nguồn thu ngoại tệ cho doanh nghiệp, từ đó đổi mới trang thiết bị, công nghệ, …. Nhờ đó mà giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng cao, ngày càng trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn

1.1.4.5. Phát triển KCN bền vững tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm môi trường, BVMT sinh thái cho phát triển bền vững của đất nước

Việc các doanh nghiệp tập trung trong các KCN sẽ cho phép xây dựng các trung tâm xử lý chất thải với chi phí ít tốn kém hơn, đồng bộ hơn, đồng thời tạo

điều kiện thuận lợi hơn cho việc quản lý môi trường của các cơ quan chức năng. KCN chính là nơi tập trung các cơ sở sản xuất nên có điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát, xử lý chất thải và BVMT. Do đó, nó là địa điểm tốt để tiếp nhận các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành, từ các vùng dân cư, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện mục tiêu phát triển các KCN bền vững, trong thiết kế cũng như trong quá trình triển khai xây dựng và quá trình hoạt động của các KCN luôn có sự chú ý đặc biệt đến việc xử lý nước thải, khí thải, rác thải công nghiệp, xây dựng cơ sở xử lý, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống cho dân cư.

1.1.4.6. KCN phát triển bền vững là cầu nối nền kinh tế trong nước hội nhập với nền kinh tế quốc tế

KCN được coi là nơi thử nghiệm chính sách kinh tế mới tốt nhất, đặc biệt là các chính sách kinh tế đối ngoại, và là nơi tiên phong cho sự phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Việc hình thành và phát triển các KCN bền vững có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, là “sân chơi” quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy quá trình hội nhập giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, KCN phát triển bền vững còn là nơi sản xuất hàng hóa, xuất khẩu hướng ra thị trường thế giới, là cửa ngõ khai thông nền kinh tế trong nước với thế giới bên ngoài, góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh Ninh Bình (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)