Nội dung phối hợp thu ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện cơ chế phối hợp thu ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước Việt Nam (Trang 33 - 37)

1.2. Cơ sở lý luận chung về cơ chế phối hợp thu ngân sách nhà nƣớc

1.2.3. Nội dung phối hợp thu ngân sách nhà nước

1.2.3.1. Xây dựng cơ chế chính sách phối hợp thu ngân sách nhà nước

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp thu ngân sách nhà nước; xây dựng và ban hành quy trình nghiệp vụ, xây dựng Thỏa thuận khung về phối hợp thu ngân sách nhà nước.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp thu ngân sách nhà nước ở mức thông tư để giải thích phối hợp thu NSNN là gì, trong đó quy định phạm vi, đối tượng, các điều kiện để thực hiện phối hợp NSNN, nội dung của việc phối hợp thu NSNN, trách nhiệm của từng cơ quan KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và NHTM trong việc phối hợp thu NSNN.

Xây dựng quy trình nghiệp vụ phối hợp thu NSNN trong đó quy định cụ thể các bước công việc theo trình tự trước sau phải thực hiện gắn liền với trách nhiệm của từng cán bộ làm công tác thu NSNN ở các cơ quan KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và NHTM, cũng như gắn liền với trách nhiệm của từng cơ quan phối hợp thu KBNN, Thuế, Hải quan và NHTM.

Xây dựng thỏa thuận khung: Các bên KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Hội sở chính các NHTM cùng nhau ký kết thỏa thuận trong đó quy định chi tiết việc triển khai Phối hợp thu NSNN theo các giai đoạn, các đối tượng, phạm vi triển khai theo giai đoạn, các công việc cụ thể mà cơ quan KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và NHTM phải làm để thực hiện được việc phối hợp thu, cũng như cam kết về việc thực hiện các quy định về phối hợp thu.

1.2.3.2. Tổ chức thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước

- Tại KBNN trung ương, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Hội sở chính NHTM:

Hoạt động phối hợp thu NSNN được thực hiện thông qua cơ cấu tổ chức của hệ thống KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và NHTM. Việc tổ chức thực hiện phối hợp thu NSNN dựa trên các nguồn lực của các cơ quan này, cụ thể là: (1) Con người - chính là bộ máy lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm thu NSNN; (2) cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin về trao đổi thông tin thu ngân sách.

Trước khi triển khai, các cơ quan phối hợp thu (bao gồm các cán bộ nghiệp vụ, cán bộ kỹ thuật) phải tiến hành khảo sát, phân tích; trao đổi, thống nhất để xây dựng đề án, đề xuất bài toán nghiệp vụ và giải pháp kỹ thuật tương ứng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và NHTM. Trên cơ sở đề án được cơ quan quản lý phê duyệt, cơ quan quản lý giao cho đơn vị nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về phối hợp thu NSNN ban hành dưới dạng thông tư, quy trình nghiệp vụ phối hợp thu NSNN được KBNN ban hành dưới dạng quyết định và Thỏa thuận khung được các cơ quan KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và NHTM ký kết. Cơ quan quản lý giao cho đơn vị kỹ thuật xây dựng ứng dụng phối hợp thu NSNN, kết nối, chia sẻ thông tin thu NSNN, xây dựng các ứng dụng phần mềm cung cấp các dịch vụ thu NSNN mới, hiện đại.

Để thực hiện triển khai dự án phối hợp thu NSNN, thì Bộ Tài chính thành lập Ban chỉ đạo triển khai, đứng đầu Ban chỉ đạo triển khai là 01 thứ trưởng Bộ Tài chính, các thành viên là Tổng giám đốc KBNN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Giám đốc các NHTM ; thành lập Ban triển khai, đứng đầu Ban triển khai là 01 Phó Tổng giám đốc KBNN; đại diện Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật, tổ chức các cơ quan KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Phó Tổng giám đốc NHTM; thành lập các nhóm nghiệp vụ, kỹ thuật, triển khai là cán bộ thuộc các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật, cán bộ tổ chức của các đơn vị kỹ thuật, nghiệp vụ, tổ chức cán bộ thuộc KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và NHTM.

Hoạt động kiểm thử và triển khai thí điểm được tiến hành ngay khi quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ về phối hợp thu được hoàn thành; để triển khai rộng, các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện đánh giá kết quả triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện quy trình và ứng dụng đạt được yêu cầu hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn.

Tổ chức triển khai thực hiện bằng việc đào tạo, chuyển giao và xây dựng chương trình công tác cho cấp dưới.

- Tại KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan ở địa phương và chi nhánh NHTM:

Áp dụng thông tư và quy trình phối hợp thu NSNN; trên cơ sở thỏa thuận khung về phối hợp thu NSNN, tiến hành ký kết thỏa thuận chi tiết giữa các đơn vị KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan ở địa phương và chi nhánh NHTM.

Thực hiện hướng dẫn người nộp thu NSNN các thủ tục thu, nộp NSNN và sử dụng các ứng dụng phần mềm thu, nộp NSNN, xử lý, giải đáp các vướng mắc.

Phối hợp trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thu NSNN: Tổ chức hội nghị khách hàng giới thiệu quy trình thu nộp NSNN, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin về các sản phẩm dịch vụ thu NSNN mới, …

1.2.3.3. Kiểm tra giám sát cơ chế phối hợp thu ngân sách nhà nước

Việc kiểm tra giám sát hoạt động phối hợp thu NSNN của KBNN, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và NHTM phải được thực hiện ngay trong quá trình thực hiện quản lý đối tượng thu NSNN, quá trình thực hiện tiếp nhận tiền thu NSNN từ các ngân hàng, thông tin thu NSNN từ NHTM và KBNN sao cho đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định tránh gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.

Để kiểm soát việc thực hiện phối hợp thu NSNN phù hợp với các yêu cầu quản lý thu NSNN. Ban triển khai cần nhận dạng các rủi ro và đánh giá khả năng ảnh hưởng của các rủi ro đến hoạt động thu NSNN. Từ đó, xây dựng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro đối với việc quản lý thu NSNN.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện cơ chế phối hợp thu ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước Việt Nam (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)