Doanh số cho vay và tỷ lệ NQH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tái cơ cấu hoạt động tín dụng xuất khẩu tại ngân hàng phát triển việt nam (Trang 79)

3.3 .Tình hình thực hiện cho vay thu nợ TDXK Nhà nước

3.3.1. Doanh số cho vay và tỷ lệ NQH

Năm 2006 là năm Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập, cũng là năm hoạt động TDXK gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2001 đến 2005 mặt hàng gạo là mặt hàng được thuộc đối tượng vay vốn TDXK, tuy nhiên do xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối tốt nên Bộ Tài chính đã loại mặt hàng gạo ra khỏi danh mục được vay vốn ưu đãi TDXK từ tháng 3/2006. Một nguyên nhân khác gây khó khăn cho hoạt động TDXK là một số Chi nhánh có nợ quá hạn kéo dài chưa xử lý dứt điểm nên không thể mở rộng hoạt động cho vay, do đó tỷ lệ nợ quá hạn năm 2006 chiếm tỷ lệ không nhỏ (3,4% tổng dư nợ). Bước sang năm 2007, cũng là năm Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi mô hình từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển sang Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hoạt động TDXK đã có sự tăng trưởng khá mạnh, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp (0,8% dư nợ), dư nợ tăng 66% so với năm 2006. Chất lượng TDXK năm 2007 đã có sự thay đổi, chuyển biến cả về lượng và

chất.

Bảng 3.1. Doanh số cho vay và tỷ lệ NQH giai đoạn 2006-2014

(Đơn vị: Tỷ đồng)

(Nguồn Báo cáo tổng kết hàng năm của NHPT Việt Nam từ 2006-2014)

Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014

Doanh số cho vay 9.024 9.544 27.275 32.446 20.211 20.163 7.533 7.652 5.381

Thu gốc 8.425 6.900 19.539 28.495 21.057 20.537 12.952 7.610 6.844 Thu lãi 180 173 764 883 1.153 922 670 528 470 Dư nợ cuối kỳ 3.400 5.640 13.376 17.317 16.498 16.227 10.248 10.295 8.838 Nợ quá hạn 115,6 45,12 66,8 294,3 2.738,6 2.304,2 2.428,7 2.368 2.475 Tỷ lệ NQH/Dư nợ (%) 3.4 0,8 0,5 1,7 16,6 14,2 23,7 23,0 28,0 Lãi treo 7 6 24 160 430 807 1.526 1.092 1.402

Trong 2 năm 2008-2009, nghiệp vụ TDXK được đẩy mạnh, được thể hiện rõ qua số liệu tình hình thực hiện nghiệp vụ năm 2008 so với năm 2007: Dư nợ tăng 2,37 lần, doanh số cho vay tăng 2,9 lần, thu gốc tăng 2,8 lần…Năm 2009, thực hiện nhiệm vụ kích cầu đối với nền kinh tế của Chính phủ, NHPT tiếp tục đẩy mạnh nghiệp vụ TDXK. So với năm 2007, doanh số cho vay tăng 3,4%, thu gốc tăng 4,13%, thu lãi tăng 5,1%, dư nợ tăng 3,08%. Tuy nhiên, cùng với việc tăng trưởng mạnh về doanh số cho vay và dư nợ thì nợ quá hạn và lãi treo bắt đầu tăng (nợ quá hạn gốc 294 tỷ đồng, lãi treo 160 tỷ đồng), nợ quá hạn tăng 2,1 lần so với năm 2007 và 3,4 lần so với năm 2008, lãi treo tăng 26,7 lần so với năm 2007 và 6,7 lần so với năm 2008. Nguyên nhân khách quan do cuộc khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu không xuất được hàng, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật đều bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng. Trong khi đó NHPT còn thiếu công cụ quản lý hiệu quả hoạt động TDXK như chưa có hoạt động thanh toán quốc tế để theo dõi nguồn tiền từ nhà nhập khẩu, đồng thời cơ chế gia hạn nợ chưa đồng bộ (thời gian này Chính phủ chỉ cho phép NHPT áp dụng cơ chế gia hạn nợ tối đa 1/3 thời hạn cho vay của hợp đồng tín dụng đầu tiên).

Hai năm tiếp theo từ 2010 cho đến 2011, nền kinh tế thế giới suy thoái trong mọi lĩnh vực, nền kinh tế Mỹ vẫn vật lộn với khủng hoảng, nền kinh tế EU thì lâm vào khủng hoảng nợ công, trong nước nền kinh tế từ năm 2010 bắt đầu lạm phát tăng cao, tăng trưởng giảm, các tập đoàn kinh tế nhà nước có vay vốn của NHPT như Vinashin, Vinalines làm ăn thua lỗ. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với việc tái cấu trúc lại ngành ngân hàng. Những nguyên nhân nói trên đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường đầu ra bị thu hẹp, thị trường đầu vào thì chi phí tăng cao do lạm phát trong nước. Những khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung cũng đã ảnh hưởng đến NHPT và hoạt động TDXK từ năm 2010, so với năm 2009, năm 2010 dư nợ giảm 1,07 lần, doanh số cho vay giảm 1,6 lần, nợ quá hạn tăng 9,8 lần ở mức 16,7% so với dư

nợ. Bước sang năm 2011 tình hình hoạt động TDXK cũng không có tiến triển theo hướng tích cực, các chỉ số về doanh số cho vay, dư nợ, thu lãi, tỷ lệ NQH không thay đổi nhiều so với năm 2010, tuy nhiên lãi treo thì đã tăng 1,87 lần, tương đương 307 tỷ đồng.

Giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2013, các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp có NQH đã dừng hoạt động không có nguồn thu để trả nợ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chủ yếu làm gia công, không đủ trang trải chi phí tối thiểu nên rất khó thu nợ. Các doanh nghiệp phải giảm công suất chế biến hoặc dừng hoạt động; nhiều trường hợp khách hàng không xuất khẩu được như kế hoạch do nhà nhập khẩu chậm thanh toán. Một số khách hàng lớn của NHPT vay vốn TDXK đã lâm vào tình trạng rất khó khăn như: Công ty CP Thủy sản Bình An, Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam, Công ty Thủy sản Thiên Mã (thủy sản), Tập đoàn Thái Hòa, Công ty CP ĐT&XNK Cà phê Tây Nguyên (cà phê), Tập đoàn Vinashin (tàu biển), Tập đoàn Gỗ Trường Thành (gỗ) và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng vốn vay để kinh doanh, sử dụng vốn không đúng mục đích (đầu tư bất động sản, vàng), có hệ số nợ cao. Do đó, khi các NHTM thu hẹp quy mô tín dụng thì các doanh nghiệp đã chiếm dụng vốn với giá rẻ hơn từ NHPT, gây khó khăn cho hoạt động thu nợ của NHPT. Ngoài ra, cơ chế xử lý rủi ro của NHPT hiện nay đang áp dụng chưa phù hợp với thực tế và không tương đồng với hệ thống NHTM, dẫn đến NHPT gặp khó khăn trong xử lý rủi ro đối với các doanh nghiệp đã đóng cửa, phá sản…

Năm 2014, do ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế trong và ngoài nước, hoạt động TDXK Nhà nước vẫn tiếp tục suy giảm về cả số lượng và chất lượng. Doanh số cho vay giảm 29,6%, thu lãi giảm 11%, tỷ lệ nợ quá hạn tăng 5% và lãi treo tăng 28,4% so với năm 2013. Từ đầu năm 2014, NHPT gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng TDXK Nhà nước, chủ yếu tập trung vào sửa đổi cơ chế chính

sách và xử lý nợ xấu. Cơ chế, chính sách được sửa đổi như: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu TDĐT và TDXK Nhà nước; Kiến nghị các Bộ ngành sửa đổi Nghị định số 75/NĐ-CP một số nội dung cho phù hợp với tình hình xuất khẩu hiện nay. Về xử lý nợ xấu, trong năm 2014 đã thu hồi được 715 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thu từ xử lý tài sản đảm bảo được 280 tỷ đồng.

3.3.2. Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu

Nghiệp vụ TDXK mới được hình thành tại NHPT Việt Nam từ năm 2001, qua 14 năm hình thành và phát triển hoạt động TDXK của NHPT Việt Nam đã có những đóng góp nhất định vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm từ 0,46% đến 4,7%). Mặc dù có tỷ trọng tài trợ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng hoạt động TDXK của NHPT là cần thiết với nền kinh tế quốc dân và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ năm 2006 với nhiều mặt hàng bị loại ra khỏi danh mục được hỗ trợ từ nguồn vốn TDXK như gạo, dệt may, thì chất lượng hỗ trợ của nghiệp vụ TDXK đi vào cụ thể từng mặt hàng mà được hỗ trợ từ nguồn vốn TDXK. Đối với các mặt hàng được hỗ trợ thì nguồn vốn TDXK đã góp phần giúp các doanh nghiệp duy trì và đẩy mạnh kim nghạch xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như thủy sản là Nhật Bản, Mỹ, EU, rau quả là Nga, Đông Âu, Cà phê là EU, Châu Á, Nga và đồ gỗ là EU, Trung Đông, Nhật Bản. Qua việc tiếp nhận được nguồn vốn giá rẻ từ NHPT các doanh nghiệp đã tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Bảng 3.2. Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2007-2014

(Đơn vị: Tỷ đồng) Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 KNXK tài trợ bằng vốn TDXK 10.011 11.917 34.081 46.338 28.860 33.592 12.543 12.754 13.402 KNXK cả nước 673.285 822.579 1.069.402 990.220 1.360.951 1.992.520 2.372.861 2.749.240 3.190.937 Tỷ trọng tài trợ 1,49% 1,43% 3,19% 4,68% 2,12% 1,69% 0,53% 0.46% 0.42%

(Nguồn Báo cáo tổng kết năm 2014 của Ban TDXK - NHPT Việt Nam)

Biểu đồ 3.2: Tỷ trọng tài trợ bằng vốn TDXK Nhà nước giai đoạn 2006-2014

(Đơn vị: %)

Nghiệp vụ TDXK Nhà nước được đẩy mạnh từ năm 2006 với tỷ trọng tài trợ đạt 1,49% trong tổng KNXK của cả nước, từ năm 2006 đến năm 2009 với việc đẩy mạnh cho vay các mặt hàng được hỗ trợ nên đến năm 2009 tỷ trọng tài trợ bằng vốn TDXK Nhà nước đạt được tỷ trọng cao nhất 4,68%. Từ năm 2010 đến nay do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trên thế giới và trong nước, một số mặt hàng bị cắt giảm, do nợ xấu tăng cao nên NHPT cũng đã giảm hạn mức tín dụng nên KNXK được tài trợ bằng vốn TDXK Nhà nước qua các năm từ 2010 đến nay. Tính đến năm 2014 tỷ trọng tài trợ TDXK Nhà nước trong tổng KNXK chỉ đạt 0,42%.

3.3.3. Phân loại nợ và nợ xấu TDXK

Bảng 3.3. Phân loại nợ và nợ xấu TDXK giai đoạn 2010-2014

Chỉ tiêu 2010 2011 2012 2013 2014 Tổng dư nợ (TDĐT, ODA, TDXK, BL) 180.301 219.784 247.337 232.144 252.778 - Trong đó nợ xấu nhóm 3-5 35.886 34.357 28.077 18.150 19.245 Dư nợ TDXK 16.473 16.226 10.248 10.295 8.838 - Trong đó nợ xấu nhóm 3-5 2.554 2303,5 1975,5 1.826 1.839 - Tỷ lệ nợ xấu TDXK 15.5% 14.2% 19.3% 17.7% 20.8% Dư nợ TDXK bình quân 16.145 16.796 12.822 10.962 9.981 - Trích lập dự phòng RRo (0.5% dư nợ bình quân) 80,7 83,9 64,1 54,8 49,9

(Nguồn Báo cáo tổng kết hàng năm của NHPT Việt Nam từ 2010-2014)

Biểu đồ 3.3: Dư nợ và nợ xấu TDXK giai đoạn 2010-2014

Dư nợ TDXK từ năm 2010 đến nay chỉ chiếm không tới 10% trong tổng dư nợ các nghiệp vụ của NHPT, tương ứng nợ xấu của TDXK cũng chiếm khoảng 10% trong tổng nợ xấu của NHPT. Từ năm 2010 đến năm 2014, NHPT gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm nợ xấu, về số tuyệt đối NHPT chỉ giảm được 715 tỷ nợ xấu trong vòng 5 năm, nhưng về tỷ lệ so với dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu lại tăng 5,3%. Nguyên nhân nợ xấu TDXK tăng qua các năm là do một số nguyên nhân sau:

- NHPT chưa có cơ chế xử lý nợ xấu đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp. NHPT cũng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ như các NHTM, mới chỉ trích lập dự phòng rủi ro chung là 0,5% trên dư nợ bình quân.

- Năng lực quản trị rủi ro của NHPT còn kém: NHPT là ngân hàng mới thành lập được 7 năm, kinh nghiệm về quản trị rủi ro ít. Bên cạnh đó, việc xếp hạng tín dụng Khách hàng mới chỉ được thực hiện ở giai đoạn đầu và mang tính chủ quan. Điều này ảnh hưởng đến tính an toàn của khoản vay. Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp vay vốn ở quy mô nhỏ, không ít doanh nghiệp có báo cáo tài chính không chính xác, và không được kiểm toán. Tình trạng báo cáo tài chính chưa được kiểm toán chỉ được khắc phục khi ban hành Nghị định số 75/NĐ-CP năm 2011.

- Do NHPT là ngân hàng chính sách nên có một số đặc thù riêng như đối tượng cho vay theo danh mục nhất định, không được lựa chọn đối tượng cho vay như NHTM; tỷ lệ tài sản đảm bảo thấp ( giá trị tài sản đảm bảo tối thiểu 15% vốn vay); một số khoản cho vay theo chỉ định của Chính phủ có tính rủi ro cao (xuất khẩu Gạo, linh kiện máy tính sang Cu Ba). Đối tượng cho vay chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Với những đặc thù nêu trên thì việc cho vay của NHPT tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với NHTM.

- Các mặt hàng TDXK cho vay có tính chất mùa vụ (như mặt hàng cà phê, điều), giá nguyên liệu trong nước và giá xuất khẩu không ổn định do phụ thuộc vào giá chung của thế giới, các doanh nghiệp trong nước gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Đối với mặt hàng thủy sản là mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao, tuy nhiên ngành này hiện nay cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng như: thiếu vốn lưu động, thiếu nguyên liệu, sản xuất đình đốn, nguồn cung cấp nguyên liệu thiếu bền vững. Mặt hàng đồ gỗ có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và EU thì những năm qua kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu và các thị trường này cũng lập nên những rào cản kỹ thuật khắt khe với sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam như cần phải chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ.

- NHPT chưa được NHNN cấp phép thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế nên thiếu công cụ quản lý dòng tiền thanh toán của các Nhà nhập khẩu nước ngoài chuyển trả cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nghiệp vụ thanh toán quốc tế hiện nay NHPT phải thực hiện thông qua các NHTM nên bị động trong công tác thu hồi nợ. Nguyên nhân do NHPT chưa xây dựng và đáp ứng được các điều kiện của NHNN về công nghệ, con người để thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Do đó, theo NHNN việc cấp phép cho NHPT thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế sẽ có rủi ro và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của NHPT. Ngoài ra, NHPT cũng gặp vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác TDXK.

- Tài sản bảo đảm vay vốn TDXK thường ở mức thấp (theo Nghị định 151/NĐ- CP quy định giá trị của tài sản bảo đảm tối thiểu bằng 15% tổng mức vay vốn và bảo lãnh), rất ít doanh nghiệp có giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn mức vốn vay. Do đó, khi xử lý nợ xấu giá trị tài sản bảo đảm thường không đủ để trả nợ quá hạn gốc và lãi.

3.4. Đánh giá cơ cấu hoạt động TDXK Nhà nước tại NHPT Việt Nam

3.4.1. Thực trạng hoạt động tái cơ cấu hoạt động TDXK Nhà nước tại NHPT

Ngay từ năm 2010 khi nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Lãnh đạo NHPT đã đặt ra vấn đề cần phải tái cơ cấu hoạt các hoạt động nghiệp vụ của NHPT, trong đó có nghiệp vụ TDXK Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu các nghiệp vụ đã gặp rất nhiều khó khăn như:

- Thiếu cán bộ quản lý chiến lược có trình độ.

- Thiếu nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thiếu cán bộ có trình độ về quản trị rủi ro, công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn lạc hậu, chưa áp dụng được các phần mền quản lý tín dụng hiệu quả.

- Từ năm 2011 đến nay, NHPT chịu tác động mạnh từ ảnh hưởng của nền kinh tế, mà hậu quả trực tiếp là nhiều doanh nghiệp vay vốn NHPT phải đóng của, phá sản, không trả được nợ vay dẫn đến nợ xấu tăng cao. Do đó, các điều hành, chỉ đạo của NHPT giai đoạn này cũng phụ thuộc nhiều vào tình hình nợ xấu, vào yêu cầu bảo toàn

vốn của Nhà nước, nên vấn đề tái cơ cấu hoạt động TDXK Nhà nước chưa được thực thi một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để đưa ra các giải pháp tái cơ cấu phù hợp thì cần phải đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân của hoạt động TDXK Nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tái cơ cấu hoạt động tín dụng xuất khẩu tại ngân hàng phát triển việt nam (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)