Hoạt động lễ hội ở trường mầm non

Một phần của tài liệu Hình thành một số kĩ năng sống cho trẻ 5 6 tuổi qua tổ chức hoạt động lễ hội ở trường mầm non (Trang 27 - 35)

1.1.4.1. Khái niệm “ Lễ hội”

Lễ hội: (Danh từ) là cuộc vui chung có tổ chức, có các hoạt động lễ nghi mang tính văn hoá truyền thống. Theo từ điển tiếng Việt “Lễ hội là loại hình văn hóa tiêu biểu nhất trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam, lễ hội mang tính tổng hợp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Lễ hội bao gồm 2 phần: Lễ (tế rước mang màu sắc tâm linh) và Hội (các trò chơi dân gian, vừa thể hiện tính khéo léo vừa nêu cao tinh thần thượng võ, tính đoàn kết của cộng đồng).[5]

Như vậy, lễ hội là một loại hình văn hóa tiêu biểu trong sinh hoạt cộng đồng có nhiều người tham gia bao gồm hai phần: phần nghi lễ và phần hội. Cùng với sự phát triển của xã hội và xu thế chung của quá trình hội nhập mà phần lễ và phần hội được tổ chức sao cho phù hợp với hoàn cảnh và nội dung

văn hóa của lễ hội đó.

1.1.4.2. Ý nghĩa của hoạt động lễ hội trong sự phát triển của trẻ 5 - 6 tuổi

Việc tổ chức lễ hội cho trẻ ở trường Mầm non có một ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục toàn diện nhân cách cho trẻ. Ngày hội chính là hình thức giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống xã hội trong những thời điểm có ý nghĩa nhất, từ đó giáo dục truyền thống và mang lại niềm vui, niềm tự hào cho trẻ. Mở rộng cho trẻ vốn hiểu biết về ý nghĩa của những ngày hội, ngày lễ được tổ chức. Góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục chung là đào tạo con người phát triển hài hòa cả về trí lực lẫn tinh thần. Cho nên có thể coi việc tổ chức ngày hội, ngày lễ như là một phương tiện giáo dục cho trẻ mẫu giáo.

Các ngày hội, ngày lễ góp phần quan trọng trong việc giáo dục cho trẻ thơ những tình cảm đẹp đẽ, biết yêu thương con người, yêu quê hương đất nước của mình. Không khí vui vẻ, tưng bừng của ngày hội, ngày lễ tạo cho trẻ cảm xúc mới mẻ, thêm yêu và gắn bó với trường, với lớp, với cô giáo và bạn bè của mình. Quá trình tham gia vào các công việc chuẩn bị cho ngày lễ, ngày hội mang đến cho trẻ niềm vui thích, tâm trạng hứng thú mong chờ ngày vui sắp đến. Khi cùng cô giáo và các bạn chuẩn bị cho lễ hội sẽ giúp trẻ phát triển tính độc lập, sáng tạo, tự tìm tòi và đưa ra các sáng kiến để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Từ đó trẻ thêm tự tin vào bản thân mình, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết quan tâm chia sẻ và hợp tác với các bạn trong lớp.

Bầu không khí vui tươi sôi động của ngày lễ sẽ đi vào đời sống của trẻ như một sự kiện trọng đại và để lại trong ký ức của trẻ những ấn tượng đậm nét và trở thành một phần không thể thiếu trong hành trang tri thức của tuổi thơ.

Đối với trường giáo dục mầm non, việc tổ chức ngày hội chính là một trong những con đường thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ. Giúp trẻ tăng cường mở rộng mối quan hệ, hợp tác giao lưu ra ngoài khuôn khổ lớp học. Đó là các mối quan hệ chơi với các bạn ở các nhóm lớp và các cô giáo khác nhau trong trường. Đặc biệt tổ chức hoạt động lễ hội là cơ hội cho việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của trường mầm non, tạo điều kiện thắt chặt mối quan hệ

giữa gia đình - nhà trường với các lực lượng xã hội, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục Mầm non.

1.1.4.3. Nội dung giáo dục kĩ năng sống cho trẻ 5 - 6 tuổi qua tổ chức lễ hội ở trường mầm non

Những ngày hội được tổ chức ở trường Mầm Non trong chương trình chăm sóc giáo dục

Ngày hội đến trường của bé (ngày mồng 5 tháng 9 hàng năm):

Ngày mồng 5 tháng 9 hàng năm là ngày khai giảng năm học mới đối với học sinh ở trường phổ thông. Tuy nhiên với trẻ lứa tuổi mầm non, ngày mồng 5 tháng 9 hàng năm được gọi là ngày hội đến trường của bé, bởi nó mang ý nghĩa đặc biệt. Trẻ đến trường mầm non nhiệm vụ chính không phải là học tập mà thay vào đó là các hoạt động vui chơi và khám phá khoa học.Với trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi, ngày hội đến trường của bé đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự phát triển của trẻ, là năm học có tính bản lề trong việc chuẩn bị tâm thế và hành trang tri thức trước khi trẻ bước vào trường phổ thông.

Ngày Tết trung thu (15 tháng 8 âm lịch): Tết trung thu là một trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Tết trung thu được tổ chức vào trung tuần tháng 8 âm lịch hàng năm, thời điểm trăng rằm sáng nhất. Vì vậy Tết trung thu còn gắn với những tên gọi lễ hội khác như “Vui hội trăng rằm”,

“Tết trông trăng”, “ Đêm hội trăng rằm”…hay để giáo dục cho thiếu nhi tình yêu với Bác Hồ, Tết trung thu còn được lấy chủ đề là “Trung thu nhớ Bác”.

Tết trung thu gắn liền với những tích truyện cổ được lưu truyền trong dân gian với hình ảnh của chú Cuội và chị Hằng,…Bên cạnh đó là các vật dụng quen thuộc như: đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cầy,…và các nghi lễ phá cỗ, rước đèn vô cùng vui tươi mà tất cả các trẻ thơ đều muốn tham gia.

Ngày mồng 8 tháng 3: Đây là ngày Quốc tế phụ nữ, “ngày hội của bà, của mẹ”. Tổ chức ngày 8/3 giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của ngày hội giành cho những người phụ nữ, là dịp để dạy trẻ lòng biết ơn với những người đã sinh thành, chăm sóc và dìu dắt trẻ từ những bước đi đầu tiên của cuộc đời. Ngày 8/3 được tổ chức tạo cho trẻ cơ hội để bày tỏ những lời tâm sự, những lời

chúc gửi đến bà, đến mẹ của mình.

Ngày sinh nhật Bác Hồ 19 tháng 5: Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và là danh nhân văn hóa của thế giới. Người là niềm tự hào, là hình tượng của sự vĩ đại của cả dân tộc. Với thiếu niên nhi đồng, Bác luôn giành trọn tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ măng non của đất nước. Vì vậy ngày sinh nhật Bác là dịp để giáo dục trẻ tình yêu thương, kính trọng với Bác Hồ. Qua những câu truyện kể, những bài hát về Bác, khắc sâu trong tâm trí trẻ hình ảnh của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và giáo dục cho trẻ tình yêu với quê hương, đất nước.

Ngày quốc tế thiếu nhi mồng 1 tháng 6: Đây là ngày hội của thiếu nhi trên toàn thế giới, là ngày mà người lớn giành cho trẻ những món quà tặng, những sự quan tâm đặc biệt, cùng với đó là những chiến lược hành động vì trẻ thơ. Ngày Tết thiếu nhi 1/6 cũng là ngày tổng kết năm học ở trường MN và chia tay trẻ lớp MGL ra trường.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11: Là ngày hội của các thầy cô giáo, đó là ngày cả xã hội tôn vinh những người làm công tác giáo dục. Với trẻ MN, ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để trẻ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn với những người “mẹ hiền thứ hai” hàng ngày chăm sóc dạy dỗ trẻ. Đây cũng là dịp để các bậc phụ huynh tri ân những người thầy, người cô - những người đang ươm trồng những thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 – 12: Là ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ngày hội của các chú bộ đội - mẫu hình tượng được trẻ thơ rất yêu quý. Nhà trường có thể tổ chức cho trẻ thăm quan doanh trại quân đội hoặc tham dự lễ mitting kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…để trẻ bước đầu hiểu được truyền thống anh hùng và hình tượng cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Giáo dục cho trẻ niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước.

Tóm lại, những ngày hội này cần được tổ chức đúng với chủ đề của nó để tạo cho trẻ những ấn tượng tốt đẹp nhất về ngày hội. Ngoài ra, cùng với sự phát triển phong phú của đời sống xã hội, những ngày hội ở được tổ chức ở

trường Mầm Non cũng nhiều hơn và mang đậm dấu ấn của sự giao thoa giữa các nền văn hóa. (lễ giáng sinh, lễ hội haloween, ngày của mẹ (mother’s day),…Tùy vào nội dung và các sự kiện quan trọng trong năm, nhà trường có thể tổ chức ngày hội cho trẻ tham gia nhằm giáo dục cho trẻ những tình cảm xã hội, lòng biết ơn(ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20 – 10) và tinh thần tương thân tương ái như: Ngày hội quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, ngày hội quyên góp ủng hộ người nghèo…

1.1.4.4. Tổ chức ngày hội cho trẻ mầm non

a. Tiến trình tổ chức ngày hội cho trẻ ở trường Mầm non

- Chuẩn bị cho ngày hội

Công tác chuẩn bị là một trong những hoạt động xuyên suốt quá trình tổ chức một ngày lễ, ngày hội. Hoạt động chuẩn bị cho ngày hội càng được đầu tư, quan tâm thì ngày hội diễn ra càng được chủ động và thành công. Để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức ngày hội ở trường mầm non, trước hết nhà trường phải lên kế hoạch tổng thể việc tổ chức các ngày hội trong năm. Sau đó lên kế hoạch nội dung chi tiết cho từng ngày hội được tổ chức. Bao gồm các công tác chuẩn bị:

Chuẩn bị về nội dung: lên kế hoạch nội dung chương trình được tổ chức (ngày hội bao gồm các hoạt động gì? Nội dung chính cần truyền đạt cho trẻ là gì, ý nghĩa của các hoạt động…)

Chuẩn bị cơ sở vật chất: Tùy thuộc vào quy mô của ngày hội mà việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất: sân bãi, bàn ghế, nước, sân khấu, loa đài,…..

Chuẩn bị về con người: các giáo viên phụ trách việc tập văn nghệ cho trẻ, giáo viên tham gia các tiết mục văn nghệ. Chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi tham gia vào quá trình tổ chức hoạt động lễ hội, trẻ hứng thú và mong đợi được tham gia vào ngày hội được tổ chức. Để chuẩn bị cho ngày hội, giáo viên cho trẻ luyện tập một số tiết mục văn nghệ (Múa, hát, đọc thơ, kể chuyện, trò chơi giải trí, múa rối, đóng kịch,…), trao đổi cùng trẻ về ngày hội, tạo cho trẻ tâm thế chờ đợi ngày hội sắp đến.

Việc chuẩn bị tổ chức ngày hội phải tùy theo thời tiết, tùy theo nội dung của ngày hội, mà có thể tổ chức toàn trường hay theo nhóm lớp, tổ chức ngoài sân hay trong hội trường hoặc trong lớp học. Nếu tổ chức nhóm tại lớp thì cần chuẩn bị khung cảnh phù hợp với ngày hội, và phù hợp với yêu cầu vận động của trẻ.

- Lập kế hoạch tổ chức ngày hội cho trẻ ở trường Mầm non

Việc lập kế hoạch sẽ tạo cho giáo viên và trẻ sự chủ động cần thiết trong các hoạt động. Lập kế hoạch tổ chức ngày hội cho trẻ ở trường mầm non trước hết dựa trên cơ sở chủ đề nội dung của ngày hội. Sau đó đến các nội dung và mục đích giáo dục cần hướng đến cho trẻ khi tham gia vào các hoạt động lễ hội. Kế hoạch bao gồm: kế hoạch về công tác tổ chức và kế hoạch về nội dung chương trình lễ hội. Trong bản kế hoạch phải xác định được rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và các phương tiện phù hợp để tổ chức ngày hội cho trẻ ở trường mầm non.

Kế hoạch tổ chức ngày hội được xây dựng chi tiết và khoa học sẽ góp phần tạo cho trẻ có nhiều cơ hội hoạt động, qua đó hình thành và phát triển các kĩ năng cần thiết trong quá trình tham gia vào lễ hội. Việc lập kế hoạch tổ chức ngày hội còn giúp cho tiến trình tổ chức ngày hội diễn ra chủ động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở trường Mầm non.

- Tuyên truyền và quảng bá

Công tác tuyên truyền giữ một vai trò quan trọng góp phần vào thành công của ngày lễ ngày hội ở trường mầm non. Việc tuyên truyền rộng rãi có tác dụng làm tăng không khí vui tươi của lễ hội, thu hút sự chú ý của đông đảo các bậc phụ huynh và các em nhỏ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn vận động cha mẹ của trẻ cùng quan tâm và tham gia vào ngày hội ngày lễ sắp tới. Qua đó tranh thủ mọi sự giúp đỡ (cả về vật chất và tinh thần) cho ngày hội.

Bên cạnh việc tuyên truyền các nội dung và ý nghĩa của lễ hội, công tác quảng bá cho ngày hội cũng cần được quan tâm nhằm tạo nên sự thành công khi tổ chức. Công tác quảng bá được thực hiện qua các băng rôn, khẩu hiệu,

cờ hoa,…ngoài ra ngày hội có thể được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh của xã, phường hay thông tin quảng bá trên mạng Internet. Để làm tốt công tác quảng bá cho lễ hội cần chuẩn bị vật liệu trang trí trường, lớp phù hợp với nội dung của ngày hội (Tranh ảnh, cờ hoa, hay những sản phẩm tạo hình (Nặn, cắt, vẽ) của trẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của lớp học, của địa phương, vùng miền). Việc quảng bá tốt cho ngày hội được tổ chức sẽ góp phần làm tăng sự hứng thú và mong muốn được tham gia vào các hoạt động lễ hội của trẻ,…phát triển hình ảnh của lễ hội và hình ảnh của trường mầm non.

- Tiến hành tổ chức ngày hội

Bước tiếp theo là tổ chức thực hiện kế hoạch đã đề ra. Việc tổ chức lễ hội dựa trên sự phối hợp, lồng ghép, đan xen các hoạt động của trẻ một cách tự nhiên, linh hoạt, theo nội dung và tính chất của ngày hội. Khi tổ chức ngày hội, cần quan tâm tạo cho trẻ có nhiều cơ hội để trải nghiệm, để quan sát và khám phá thế giới xung quanh theo cách tiếp cận mở và chủ động mà không cần gò ép trẻ phải ghi nhớ, phải công nhận. Sắp xếp thời gian đủ để cho trẻ được tham dự ngày hội theo nhu cầu, ý thích và phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ.

* Ngày hội ở trường mầm non thường được tiến hành theo 2 phần

Phần lễ (Phần nghi thức)

Trẻ được đứng trong đội hình vừa đi, vừa hát tiến vào hội trường (Hoặc ra sân) theo nhạc để tạo không khí vui chung cho toàn trường. Sau đó cho trẻ ngồi vào chỗ của mình theo lớp, tổ. Người điều khiển chương trình sẽ trò chuyện ngắn gọn với trẻ, có thể cho trẻ hát hoặc chơi 1 vài trò chơi đơn giản để tạo cho trẻ tâm thế vui tươi và sẵn sàng. Mở đầu buổi lễ người dẫn chương trình sẽ (Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu),…sau đó các đại biểu phát biểu ý kiến, đọc diễn văn, quyết định và các thủ tục khen thưởng.

Ở trường mầm non, phần lễ thường được tổ chức ngắn gọn hoặc đan xen giữa các tiết mục văn nghệ, tùy theo nội dung và đặc điểm hứng thủ của trẻ.

Phần hội:

hội diễn ra với chương trình tổng hợp bao gồm: biểu diễn các tiết mục văn nghệ trên sân khấu và các hoạt động vui chơi ở các địa điểm được tổ chức trên sân trường. Trẻ có thể tham gia vào các hoạt động biểu diễn như đọc thơ, kể chuyện, múa hát, vui chơi, đóng kịch,… Tất cả các tiết mục trên có nội dung nói về ngày hội và được xây dựng phù hợp với khả năng và nhận thức của trẻ. Tùy thuộc vào quy mô của ngày lễ mà phần hội có các nội dung kèm theo như trò chơi, tiệc…được tổ chức song song hoặc sau khi những nghi thức và các tiết mục trên sân khấu diễn ra.

Cần chú ý sắp xếp các tiết mục cho phù hợp, xen kẽ các tiết mục cá nhân và tập thể, giữa tiết mục vui nhộn và tiết mục tĩnh, giữa tiết mục của trẻ và của người lớn. Kết thúc buổi lễ nhẹ nhàng, để lại âm hưởng và dư vị của ngày hội cho trẻ.

Một phần của tài liệu Hình thành một số kĩ năng sống cho trẻ 5 6 tuổi qua tổ chức hoạt động lễ hội ở trường mầm non (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)