Trong cuốn “Chiến lược giáo dục mầm non từ năm 1998-2020” của bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ mục tiêu chung của giáo dục mầm non đến năm 2020 là: “…Thực hiện chăm sóc, giáo dục có chất lượng trẻ từ 0 - 5 tuổi để trẻ phát triển toàn diện về thể lực, tình cảm, trí tuệ, xã hội, hình thành nhân cách của trẻ em Việt Nam…”. Mặt khác, mục tiêu giáo dục mầm non còn được cụ thể hóa trong các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ như: Hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, hoạt động tạo hình.
Như vậy, mục tiêu của ngành giáo dục mầm non là chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng những đứa trẻ thông minh, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, tạo nền tảng và tiền đề vững chắc cho sự phát triển nhân cách toàn diện cho đứa trẻ cũng như việc học tập ở trường phổ thông sau này.
Hoạt động tìm hiểu môi trường xung quanh là một trong những nội dung quan trọng góp phần hình thành nhân cách toàn diện cho trẻ và đáp ứng được mục tiêu của giáo dục mầm non đề ra. Trong đó có hoạt động tìm hiểu đồ vật.
Thật vậy, một trong những nhiệm vụ của hoạt động cho trẻ tìm hiểu đồ vật là hình thành biểu tượng về đồ vật cho trẻ thông qua việc trẻ được tìm hiểu, được quan sát, được cung cấp thông tin về: Tên gọi, đặc điểm nổi bật như màu sắc,kích thước,các bộ phận, về lợi ích của nó đối với con người...Hơn nữa, quá trình hình thành biểu tượng về đồ vật cho trẻ mẫu giáo còn gắn liền với việc hình thành ở trẻ các kỹ năng như : Phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa...các kỹ năng này được hình thành trên cơ sở lĩnh hội các kiến thức về thế giới xung quanh và quá trình tìm hiểu về chúng.
Như vậy, với mục tiêu giáo dục mầm non và nhiệm vụ của hoạt động cho trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh như trên thì việc xây dựng các biện pháp rèn luyện và phát triển kỹ năng so sánh cho trẻ mẫu giáo phải giúp trẻ phát triển được về trí tuệ, thể chất, hình thành những cơ sở đầu tiên của việc phát triển toàn diện nhân cách của con người.