2.2.4.1. Mục đích và ý nghĩa
Chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Với trẻ, chơi vừa là lao động vừa là học tập là phương pháp, biện pháp giáo dục tốt nhất đối với trẻ.
Yếu tố chơi sẽ giúp trẻ khám phá đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng, củng cố và mở rộng tri thức của trẻ về môi trường xung quanh, tạo cơ hội cho trẻ thể hiện tính tích cực, sáng tạo trong quá trình hoạt động. Trong hoạt động khám phá khoa học, sử dụng các trò chơi và yếu tố chơi đa dạng, phong phú, phù hợp với mục đích, nội dung, yêu cầu của bài, phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ sẽ giúp trẻ thêm hứng thú, giúp rèn luyện và phát triển kỹ năng so sánh của trẻ tốt hơn.
2.2.4.2. Yêu cầu
Sử dụng trò chơi và yếu tố chơi trong quá trình cho trẻ tìm hiểu về các con vật, giáo viên cần phải nắm vững đặc điểm nhận thức của trẻ nói chung và của từng trẻ nói riêng. Cần sưu tầm và thiết kế hệ thống trò chơi, biết sử dụng phương pháp hoạt động vui chơi vào quá trình hướng dẫn trẻ tìm hiểu các đồ vật.
- Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, phương tiện phục vụ cho tổ chức trò chơi. - Luôn luôn tạo ra môi trường chơi thuận lợi, mang tính phát triển.
- Tích lũy tri thức, kinh nghiệm, hình thành kỹ năng và định hướng việc vận dụng nó trong tìm hiểu các đồ vật.
- Cần bố trí sắp xếp và trang trí các khu vực hoạt động để trẻ dễ dàng nhận ra hoạt động có thể thực hiện được trong đó và dễ dàng sử dụng các phương tiện để hoạt động thỏa mãn nhu cầu nhận thức, hứng thú, sáng tạo của trẻ.
Tóm lại: Sử dụng trò chơi và yếu tố chơi trong quá trình cho trẻ tìm hiểu đồ vật là biện pháp rất phù hợp với đặc điểm và quá trình nhận thức của trẻ mẫu giáo lớn. Vì vậy, giáo viên cần phải biết thiết kế, sưu tầm và tổ chức các trò chơi cũng như thiết kế môi trường hoạt động mang tính phát triển nhằm phát huy hiệu quả của biện pháp này trong quá trình cho trẻ tìm hiểu các đồ vật.
2.2.4.3.Cách tiến hành
Sử dụng trò chơi và yếu tố chơi trong quá trình cho trẻ tìm hiểu đồ vật phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo tính mục đích: Mục đích của trò chơi là phát triển kỹ năng so sánh cho trẻ. Vì vậy nhiệm vụ chơi, luật chơi và hành động chơi của trò chơi
phải đòi hỏi trẻ sử dụng tích cực các giác quan, các thao tác trí tuệ để để tìm ra các điểm giống và khác nhau giữa các đối tượng với nhau.
- Đảm bảo tính chất của hoạt động chơi: Trò chơi phải thực sự hấp dẫn đối với trẻ, kích thích tính tích cực, tự lập, sáng tạo và đảm bảo tính chủ động của trẻ. Trẻ phải tích cực vận dụng vốn hiểu biết và năng lực trí tuệ của mình để giải quyết nhiệm vụ nhận thức với những yếu tố thi đua lẫn nhau.
- Nội dung các trò chơi: Đòi hỏi ở trẻ phải huy động được khả năng của mình vào việc giải quyết nhiệm vụ nhận thức, sao cho tạo ra “ vùng phát triển gần nhất ” của trẻ.
- Trước khi tổ chức cho trẻ đàm thoại nhằm định hướng vào chủ điểm, giúp trẻ dễ dàng lựa chọn khu vực hoạt động, các hoạt động cụ thể theo nhu cầu, hứng thú cá nhân. Trong khi chơi, giáo viên cần đi một vòng qua các khu vực hoạt động của trẻ để quan sát trẻ hoạt động nhằm làm rõ sự chủ động của trẻ trong việc lựa chọn trò chơi, các mức độ tương tác của trẻ với các đồ vật, với bạn và ghi chép lại để có kế hoạch giúp đỡ trẻ khi cần thiết. Kết thúc trò chơi thì tạo trạng thái thoải mái cho trẻ khi trẻ chơi. Có thể cho trẻ tham quan các khu vực hoạt động sau khi trẻ chơi, hướng dẫn kết quả hoạt động của trẻ, tham quan phát hiện cái mới, sự sáng tạo thông qua các sản phẩm hoạt động của trẻ, khuyến khích trẻ tham gia thu dọn sau khi chơi.
Bước 1: Lựa chọn trò chơi hoặc bài tập
- Các trò chơi, bài tập được lựa chọn có thể là trò chơi trong chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ; trò chơi do cô và trẻ sưu tầm hoặc xây dựng với mục đích chính là phát triển kỹ năng so sánh.
- Giáo viên có thể sử dụng các trò chơi: Chiếc túi kì lạ, cái nào to nhất, cái gì nặng hơn, tôi là ai, …
Bước 2: Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ Bước 3: Tổ chức trò chơi hoặc thực hiện bài tập
+ Nêu tên trò chơi, tên bài tập: Giáo viên chủ động nêu tên trò chơi, tên bài tập hoặc gợi ý để trẻ nêu tên trò chơi, tên bài tập. Tên trò chơi, tên bài tập chứa đựng nhiệm vụ nhận thức và định hướng hoạt động cho trẻ.
+ Hướng dẫn cách chơi hoặc giao nhiệm vụ thực hiện bài tập: Nếu trò chơi mới (Bài tập mới) giáo viên hướng dẫn hoặc làm mẫu cách chơi, giải thích nhiệm vụ thực hiện bài tập còn nếu trò chơi cũ hoặc bài tập có nhiệm vụ tìm hiểu mà trẻ đã biết thì giáo viên gợi ý cho trẻ nhắc lại cách chơi hoặc nhiệm vụ của trò chơi
+ Tổ chức cho trẻ chơi hoặc thực hiện bài tập: Trong quá trình chơi giáo viên quan sát trẻ chơi và làm mẫu khi thấy cần thiết.
+ Nhận xét, đánh giá kết quả chơi: Đánh giá kết quả đạt được của nhóm, cá nhân, đánh giá sự tiến bộ so với lần chơi trước đó. Giáo viên nhận xét nhiều hơn về cách thức sử dụng, phối hợp các giác quan và thực hiện thao tác so sánh. Cần khuyến khích động viên trẻ và giúp trẻ tự tin, mong muốn được chơi và đạt kết quả cao hơn trong những lần chơi tiếp theo.
- Trò chơi được sử dụng trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh bao gồm:
Nhóm 1: Trò chơi gây hứng thú
Loại trò chơi nhằm gây sự tập trung chú ý trước khi vào hoạt động chung. Giáo viên đưa trẻ vào các tình huống chơi đa dạng, phong phú, hấp dẫn để trẻ hứng thú tham gia chơi. Sau đó tổ chức cho trẻ chơi.
Ví dụ: Trò chơi “Ô cửa bí mật” hay “ Cái gì biến mất”… Nhóm 2: Trò chơi: Tìm hiểu cái mới
Trò chơi này giúp trẻ phát huy khả năng so sánh của mình, dựa trên việc sử dụng các kỹ năng quan sát, phân tích, tổng hợp...ở trẻ.
Ví dụ: Khi cho trẻ so sánh một số đồ dùng trong gia đình, giáo viên có thể cho trẻ chơi trò chơi “Ai giỏi nhất” bằng cách cho trẻ thi đua kể về những điểm giống và khác nhau của cái bát - cái cốc, cái nồi nấu - nồi cơm điện...mà trẻ đã được nhìn thấy, đã được quan sát, đội nào kể được nhiều hơn thì đội đó sẽ thắng.
Khi tổ chức trò chơi này giáo viên cần linh hoạt và phải nắm được các đặc điểm, trình độ, khả năng của mỗi trẻ để tổ chức sao cho có hiệu quả.
Nhóm 3: Trò chơi ôn luyện, củng cố
Loại trò chơi này nhằm củng cố, luyện tập kiến thức mà trẻ vừa tiếp thu trong quá trình tìm hiểu cái mới. Trong trò chơi này trẻ phải tri giác lại những gì mình đã được quan sát, đã được so sánh để hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo viên đưa trẻ vào tình huống chơi thật phong phú, hấp dẫn. Mỗi trò chơi là một tình huống khác nhau để thu hút sự tham gia tích cực vào trò chơi của trẻ, những loại trò chơi đòi hỏi trẻ phải nhanh nhẹn ghi nhớ, tập trung chú ý cao để thực hiện được nhiệm vụ mà trò chơi đặt ra, nhưng phải tuân thủ những quy định của luật chơi.
Ví dụ: Sau khi tìm hiểu về đặc điểm đồ dùng dân dụng trong gia đình chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện cho trẻ chơi trò chơi “ Cái gì to nhất” hay “ Tôi ở vị trí nào”...nhằm mục đích để trẻ phát hiện ra các điểm giống và khác nhau của các nhóm đồ vật theo những dấu hiệu đặc trưng. Khi tham gia trò chơi sẽ củng cố cho trẻ về đặc điểm của đồ vật cũng như chức năng của chúng.
Trong quá trình sử dụng trò chơi và yếu tố chơi giáo viên nên chú ý tạo môi trường chơi thích hợp, tăng dần độ khó của trò chơi, tăng cường sử dụng yếu tố thi đua để kích thích yếu tố tích cực, độc lập, tham gia vào trò chơi của trẻ từ đó giúp trẻ tham gia tích cực vào trò chơi của mình.
Trên đây là các biện pháp tổ chức hoạt động tìm hiểu đồ vật nhằm phát triển kỹ năng so sánh cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi . Các biện pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau nhằm bổ sung cho nhau trong hoạt động tìm hiểu góp phần làm phát triển năng lực quan sát, năng lực tìm hiểu và kỹ năng so sánh cho trẻ. Giữa các biện pháp có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tổ chức cho trẻ khám phá về môi trường xung quanh.
2.2.5. Biện pháp 5: Phối hợp sử dụng đa dạng các loại phương tiện, tài liệu trực quan trong quá trình tìm hiểu