Biện pháp 4: Tạo tình huống có vấn đề trong quá trình chơ

Một phần của tài liệu Hình thành biểu tượng bản thân cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề (Trang 52 - 54)

2.2.4.1. Mục đích

Trong khi trẻ chơi, giáo viên cần tạo ra những tình huống có vấn đề về BTBT yêu cầu trẻ phải giải quyết. Muốn làm được trẻ phải huy động vốn kiến thức của mình về BTBT để giải quyết tình huống, từ đó giúp cho những hiểu biết của trẻ ngày càng được củng cố. Hơn nữa, việc tạo tình huống có vấn đề trong quá trình chơi còn nhằm phát triển nội dung chơi, duy trì hứng thú và rèn kĩ năng chơi cho trẻ.

2.2.4.2. Ý nghĩa

Qua những tình huống chơi đó, các BTBT đã có được củng cố và hình thành những BTBT mới ở trẻ. Ngoài ra việc làm nảy sinh các tình huống trong khi chơi cũng giúp cho các mối quan hệ của trẻ ngày càng trở nên gắn bó, khăng khít hơn và là cơ hội để trẻ trải nghiệm, thử sức và khẳng định bản thân.

Việc tạo ra những tình huống chơi có vấn đề hướng trẻ vào nội dung hình thành BTBT qua trò chơi ĐVTCĐ được tiến hành như sau:

- Giáo viên cần quan sát, theo dõi trẻ chơi để phát hiện ra những tình huống nảy sinh trong các mối quan hệ của trẻ.

Ví dụ: Qua quan sát trẻ chơi trò chơi “Bác sĩ”, mà cô phát hiện ra trẻ đóng vai “Bác sĩ” chưa biết cách khám bệnh cho bệnh nhân. Lúc này cô có thể gợi ý trẻ bằng cách đóng một vai bác sĩ khác và tham gia chơi cùng trẻ.

- Đối với những tình huống nảy sinh từ các mối quan hệ của trẻ, giáo viên tìm cách gợi ý để giúp trẻ giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Từ đó trẻ thấy được ý nghĩa của BTBT đồng thời BTBT của trẻ được củng cố.

Ví dụ: Trong trò chơi “Mẹ con”, trẻ đóng vai người con có những hành vi cãi lại người mẹ, không nghe lời thì khi đó cô cần đóng vai một người bạn và tham gia vào trò chơi để gợi ý cho trẻ là nên có hành vi như thế nào mới là đúng để trò chơi vẫn diễn ra mà trẻ vẫn vui vẻ. Qua đó giúp trẻ nhận ra vai trò của người con và hình thành biểu tượng vị trí bản thân cho trẻ.

- Những mối quan hệ trong quá trình chơi cũng làm nảy sinh các tình huống, giáo viên cần quan sát quá trình chơi để phát hiện kịp thời các tình huống có vấn đề. Từ đó, giáo viên có thể đặt ra những câu hỏi gợi ý để trẻ có thể giải quyết hoặc cô giáo có thể nhập vai cùng trẻ để tham gia góp ý, định hướng để trẻ giải quyết theo ý của mình.

Ví dụ: Ở nhóm chơi “Bán hàng” có “người bán hàng” giới thiệu các loại hàng, bán hàng cho “người mua hàng” và thu tiền. Nếu chỉ có những vai chơi và thao tác như vậy thì trò chơi rất đơn điệu, nên giáo viên tạo ra tình huống: Nhân dịp... có “chương trình khuyến mãi đặc biệt” vì vậy có nhiều người đến mua hàng. Qua đó, gợi ý cho các cháu thấy cần có thêm những vai mới như “người thu tiền”, “cửa hàng trưởng”, “nhân viên bảo vệ”, “người đóng gói hàng cho khách”, “nhân viên vận chuyển hàng” tới nhà cho khách,... để trẻ có thêm cơ hội lựa chọn vai chơi phù hợp với bản thân và thể hiện những vai chơi ấy theo khả năng của mình.

- Trong khi trẻ chơi, cô giáo không chỉ chú ý quan sát để phát hiện ra các tình huống mà cô còn chủ động tạo ra các tình huống có vấn đề và hướng chú ý của trẻ vào việc giải quyết các vấn đề theo định hướng giáo dục của mình. Muốn làm được như vậy, giáo viên nên chọn một vai nào đó để chơi cùng trẻ.

Ví dụ: Trẻ đang chơi ở nhóm chơi “Xây dựng”, giáo viên quan sát thấy nhiều trẻ cùng đóng vai “kỹ sư” kiểm tra giám sát công trình, ngay lúc đó giáo viên đóng một vai chơi đến báo cáo với kỹ sư trưởng: “có một công nhân không may bị tai nạn” hoặc “một góc công trình bị lún sụt”... những tình huống này yêu cầu trẻ phải đưa ra cách giải quyết hợp lý, qua đây trẻ thể hiện bản lĩnh của mình trước các bạn.

2.2.4.4. Điều kiện thực hiện

Để biện pháp này đạt hiệu quả cao, trong qua trình thực hiện cần đảm bảo một số điều kiện sau:

- Tình huống chơi phải hấp dẫn, lôi cuốn trẻ và kích thích trẻ tự khẳng định. - Giáo viên phải nắm vững cách tổ chức và thực hiện biện pháp tạo tình huống có vấn đề.

- Các tình huống tạo ra phải phù hợp với vốn kinh nghiệm, sự hiểu biết và hứng thú của trẻ để trẻ có thể tự mình giải quyết được tình huống.

- Các tình huống tạo ra không gò bó, áp đặt trẻ. Tình huống phải đảm bảo tính tự nhiên và là cơ hội để trẻ tự khẳng định mình.

- Trẻ phải có những hiểu biết nhất định về khả năng, sở thích của bản thân.

Một phần của tài liệu Hình thành biểu tượng bản thân cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề (Trang 52 - 54)