Nhóm trò chơi nhằm hình thành biểu tượng về các giác quan và bộ phận cơ thể

Một phần của tài liệu Hình thành biểu tượng bản thân cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề (Trang 58 - 61)

2.3.1.1. Trò chơi “Tôi là ai” * Mục đích, yêu cầu

- Trẻ biết được các bộ phận trên cơ thể mình.

- Trẻ biết tên các bộ phận và vị trí của các bộ phận đó.

- Tham gia trò chơi hứng thú, tích cực. Trẻ biết mô tả lại hành động theo lời nói của cô.

- Cô luôn vui vẻ và gợi mở để tạo không khí thoải mái cho trẻ chơi, có thể phức tạp hóa các hành động chơi sao cho phù hợp với nội dung giáo dục hình thành biểu tượng về các giác quan và các bộ phận cơ thể cho trẻ.

* Chuẩn bị

- Cô trò chuyện với trẻ về các bộ phận và các giác quan trên cơ thể về tên gọi, vị trí và cách chăm sóc chúng.

- Đồ chơi: Bộ đồ chơi thuộc chủ đề bản thân.

* Tiến hành trò chơi

- Thỏa thuận trước khi chơi: Cô hướng dẫn trẻ cách chơi. - Quá trình chơi: Cô nói và trẻ mô tả lại theo hành động của cô:

Miệng đâu, miệng đâu – Miệng đây, miệng đây. Thổi còi nào? Mũi đâu, mũi đâu – Mũi đây, mũi đây. Ngửi hoa nào?

Mắt đâu, mắt đâu – Mắt đây, mắt đây. Đeo kính nào? Tai đâu, tai đâu – Tai đây, tai đây. Nghe điện thoại nào?

Ngón tay đâu, ngón tay đâu – Ngón tay đây, ngón tay đây. Đeo nhẫn nào? Chân đâu, chân đâu – Chân đây, chân đây. Chạy nhảy nào?

Tay đâu, tay đâu – Tay đây, tay đây. Cầm bút nào?

Lưng đâu, lưng đâu – Lưng đây, lưng đây. Đeo ba lô nào? Đầu đâu, đầu đâu – Đầu đây, đầu đây. Đội mũ nào?

Khi trẻ thực hiện, cô quan sát xem có trẻ nào chỉ sai vị trí của các bộ phận trên cơ thể không?

- Kết thúc chơi: Cô tuyên dương và khen ngợi trẻ, đặc biệt là những trẻ có kĩ năng chơi tốt. Cô kể cho trẻ nghe câu chuyện: “Chân, tay, tai, mắt, miệng”.

2.3.1.2. Trò chơi “Tắm rửa cho em” * Mục đích, yêu cầu

- Trẻ biết được các bộ phận trên cơ thể về tên gọi, vị trí, biết cách chăm sóc các bộ phận trên cơ thể qua việc mô phỏng lại hành động của người lớn khi tắm cho em.

- Trẻ biết lấy đồ chơi và cất đồ chơi vào đúng nơi quy định. - Trẻ biết thực hiện các thao tác tắm rửa cho em.

- Trẻ biết chơi cùng bạn và phối hợp với bạn để chơi, từ đó tạo ra những tình huống chơi và giải quyết tình huống theo hoàn cảnh tưởng tượng của mình. Ví dụ: Có thể hỏi bạn đang làm gì cho em bé?

- Cô gợi mở nội dung chơi, sao cho phù hợp với nội dung giáo dục hình thành biểu tượng về các giác quan và các bộ phận cơ thể cho trẻ.

* Chuẩn bị

- Cô trò chuyện với trẻ về các bộ phận và các giác quan trên cơ thể về tên gọi, vị trí và cách chăm sóc chúng. Cô sắp xếp đồ dùng, đồ chơi tạo ra môi trường hấp dẫn về đề tài “Tắm rửa cho em”.

* Tiến hành trò chơi

- Thỏa thuận trước khi chơi: Cô hướng dẫn chơi và cho trẻ thỏa thuận với nhau chơi như thế nào? Có thể trẻ đóng làm em hoặc có thể sử dụng búp bê làm em.

- Quá trình chơi: Cô khích lệ trẻ nảy sinh ý tưởng chơi, tự tìm cách giải quyết tình huống trong hoàn cảnh tưởng tượng. Khêu gợi trẻ quan tâm đến trò chơi của bạn và chơi cùng với bạn.

Cô động viên, tạo không khí cho trẻ chơi một cách hào hứng. Cô hỏi: Con đang làm gì cho em thế? Hay: Chị chải đầu cho em bé khéo quá! Em bị lạnh rồi kìa!...

Khi trẻ thực hiện, cô chú ý quan sát để kịp thời phát hiện những tình huống xảy ra hoặc chủ động tạo ra tình huống để trẻ giải quyết.

- Kết thúc chơi: Cô nhận xét, tuyên dương và khen ngợi trẻ có kĩ năng chơi tốt. Cô động viên những trẻ khác cũng chơi tốt như bạn trong những lần chơi sau. Cô tạo cho trẻ tâm thế chờ đợi lần chơi sau và chuyển trẻ sang hoạt động tiếp theo.

2.2.1.3. Trò chơi “Tôi đang lớn và khỏe mạnh” * Mục đích, yêu cầu

- Trẻ biết được các bộ phận trên cơ thể về tên gọi, vị trí của chúng để thực hiện yêu cầu của cô một cách chính xác.

-Trẻ hứng thú tham gia và thực hiện đúng theo yêu cầu của cô.

- Cô gợi mở nội dung chơi, sao cho phù hợp với nội dung giáo dục hình thành biểu tượng về các giác quan và các bộ phận cơ thể cho trẻ.

* Chuẩn bị

- Cô trò chuyện với trẻ về các bộ phận và các giác quan trên cơ thể về tên gọi và vị trí. Cô tạo không khí thoải mái, vui vẻ để kích thích hứng thú cho trẻ.

- Đồ chơi: Cô sắp xếp đồ chơi phong phú, hấp dẫn tại góc chơi đóng vai sao cho trẻ dễ quan sát nhất.

* Tiến hành trò chơi

- Thỏa thuận trước khi chơi: Cô hướng dẫn trẻ cách chơi.

- Quá trình chơi: Cô tạo tình huống bằng cách nói: Cô thấy các bạn lớp mình bạn nào cũng lớn, cũng khỏe mạnh và bạn nào cũng thông minh. Và để xem bạn nào khỏe nhất thì hôm nay cô sẽ tổ chức cho chúng mình chơi một trò

chơi, các con có thích không nào? Trò chơi này chúng mình phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem ai lớn và khỏe nhất vậy cô sẽ trong vai “Bác sĩ” còn các con sẽ là những “bệnh nhân” đến khám bệnh nhé!

Cô mời từng trẻ lên thực hiện theo yêu cầu của cô: + Con hãy ngồi duỗi thẳng hai chân, hai tay đặt lên đầu. + Con hãy tựa trán con vào trán bác sĩ.

+ Con hãy chạm mũi con vào mũi bác sĩ. + Con hãy đặt hai tay con lên hai tai của con. + Con hãy đặt hai tay con lên vai của bác sĩ. + Con hãy khoác cánh tay con vào cánh tay bác sĩ. + Con hãy chạm bàn chân con vào bàn chân bác sĩ. + Con hãy dựa lưng con vào lưng bác sĩ.

+ Con hãy đứng cúi người hai tay chạm mắt cá chân. + Con hãy đứng kiễng hai chân, hai tay đặt sau gáy.

Khi trẻ thực hiện, cô chú ý quan sát để động viên trẻ thực hiện theo yêu cầu. Cô gợi ý, giúp đỡ những trẻ chưa biết chơi hoặc còn chậm trong quá trình thực hiện yêu cầu.

- Kết thúc chơi: Cô nhận xét, tuyên dương và khen ngợi trẻ có kĩ năng chơi tốt. Cô động viên những trẻ khác cần cố gắng hơn nữa, tạo cho trẻ hứng thú và tâm thế vui vẻ chờ đón ngày hôm sau lại được chơi như này, hướng trẻ sang hoạt động tiếp theo.

Một phần của tài liệu Hình thành biểu tượng bản thân cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề (Trang 58 - 61)