Nhóm trò chơi nhằm hình thành biểu tượng về cảm xúc,suy nghĩ và hành vi của bản thân

Một phần của tài liệu Hình thành biểu tượng bản thân cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề (Trang 61 - 64)

hành vi của bản thân

2.3.2.1. Trò chơi “Mẹ con” * Mục đích, yêu cầu

- Trẻ phản ánh được các hành động của người mẹ một cách chi tiết như: cho con ăn, ru con ngủ, ôm ấp, vỗ về, nựng con khi con khóc,…

- Thể hiện được thái độ ân cần, tận tụy chăm sóc, dịu dàng thương yêu con của người mẹ

- Trẻ biết chơi thành nhóm và thỏa thuận được với nhau ai sẽ đóng vai người mẹ, ai sẽ nhận được búp bê này hoặc búp bê kia,… tích cực chơi với nhau trong khi chơi.

- Không tranh giành đồ chơi, biết lấy và cất đồ chơi vào nơi quy định. - Cô gợi mở để trẻ mở rộng nội dung chơi, phức tạp hóa các hành dộng chơi và giúp các nhóm khác liên kết với nhau phù hợp với nội dung giáo dục hình thành biểu tượng về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi cho trẻ.

* Chuẩn bị

- Cô trò chuyện với trẻ về công việc của người mẹ, công việc gia đình và công việc xã hội. Có thể trẻ tự kể bố mẹ của mình làm gì. Nếu có tranh ảnh, cô nên gợi cho các cháu xem.

Ví dụ: Có thể cho trẻ xem bức tranh “ Bà mẹ đang lo lắng ngồi chăm sóc con khi con ốm” hay “ Mẹ vui vẻ mặc quần áo đẹp cho con đi học”,…

- Đồ chơi: Cần có vài con búp bê ( không cần nhiều vì có trẻ thay thể búp bê đóng luôn vai con); các bộ quàn áo cho búp bê; vài bộ đồ nấu ăn (như nắp trai làm nồi, que trẻ làm đũa,…). Ngoài ra còn cần chuẩn bị đồ chơi cho các nhóm chơi khác.

* Tiến hành trò chơi

- Thỏa thuận trước khi chơi: Cô hướng dẫn trẻ thỏa thuận với nhau: Ai ở nhóm nào và phân vai chơi.

- Quá trình chơi: Cô hướng trẻ vào hành động phản ánh tình cảm yêu thương, vỗ về của người mẹ. Trẻ say sưa trong vai mẹ: mẹ cho con ăn, chải đầu cho con, đưa con đi chơi,… Cô có thể gợi ý: “Hôm nay con bác bị ốm, bác có đưa con bác đi khám không?” (Có thể liên kết với nhóm “phòng khám”). “ Có chứ, tôi thương con quá, tôi phải đưa con tôi đi khám ngay đây!”… Như vậy, vừa tạo điều kiện hình thành biểu tượng về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi cho trẻ, vừa tạo điều kiện cho các nhóm chơi liên kết với nhau theo một chủ đề chung.

- Kết thúc chơi: Cô khen trẻ, đặc biệt là những trẻ có kĩ năng chơi tốt. Động viên những trẻ khác cũng chơi như bạn trong lần chơi sau và chuyển chú ý của trẻ sang hoạt động tiếp theo.

2.3.2.2. Trò chơi “Bác sĩ” * Mục đích, yêu cầu

- Phản ánh công việc của bác sĩ, y tá và nhất là thái độ của bác sĩ, y tá là phải ân cần, dịu dàng, quan tâm đối với bệnh nhân. Ngược lại, thái độ của bệnh nhân là phải tôn trọng và tuân theo những yêu cầu của bác sĩ và y tá.

- Trẻ biết phối hợp với nhau trong nhóm khi chơi và tích cực trò chuyện với nhau trong quá trình chơi.

- Cô cần tạo tình huống để nội dung chơi phong phú hơn và phù hợp với nội dung hình thành biểu tượng về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi cho trẻ.

* Chuẩn bị

- Cho trẻ đi tham quan trạm xá hoặc bệnh viện gần trường nhất.

- Đồ chơi: Bộ đồ bác sĩ, tủ thuốc, bông, cồn, kim tiêm, ống nghe, túi cứu thương,…

* Tiến hành trò chơi

- Thỏa thuận trước khi chơi: Cô hướng dẫn trẻ phân vai chơi, thỏa thuận với nhau về cách chơi,…

- Quá trình chơi: Cô tạo tình huống “Có xe cứu thương tới, bác sĩ ơi có bệnh nhân kìa!” . Khi đó, trẻ thực hiện hành động chơi theo vai đã nhận: Bệnh nhân thì tỏ ra đau đớn, rên rỉ còn bác sĩ thì nhanh chóng khám bệnh, kê đơn thuốc, tiêm, động viên, an ủi, khuyên nhủ bệnh nhân. Có khi còn tỏ ra lo lắng khi bệnh nhân chưa hết đau. Bệnh nhân làm theo yêu cầu của bác sĩ.

- Kết thúc chơi: Cô động viên, khen ngợi trẻ. Có thể hỏi trẻ về thái độ, hành vi của người bác sĩ trong trò chơi vừa rồi như thế nào, sau đó hướng trẻ vào hoạt động tiếp theo.

2.3.2.3. Trò chơi “Cửa hàng bách hóa” * Mục đích, yêu cầu

- Trẻ phản ánh được công việc của người bán hàng, mua hàng. Người bán biết chào mời khách hàng niềm nở, vui vẻ, giới thiệu hàng, nói giá tiền,… Người mua hàng biết nói mình muốn mua cái gì, mua xong biết chào người bán hàng.

- Trẻ biết chơi thành nhóm, biết thỏa thuận phân vai chơi, bàn bạc với nhau xem nên bày hàng như thế nào cho đẹp mắt, thu hút khách mua hàng và cho tiện bán. Tích cực trò chuyện với nhau trong khi chơi.

- Cô tạo tình huống chơi để mở rộng nội dung chơi cho trẻ giúp trẻ hình thành biểu tượng về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi.

* Chuẩn bị

- Gợi ý và trò chuyện với trẻ để trẻ nhớ công việc của người bán hàng, có thể tổ chức cho trẻ đi tham quan một vài cửa hàng.

- Đồ chơi: Chuẩn bị các thứ đồ hàng để bán, giá hoặc bàn để bày đồ hàng, phiếu mua hàng,…

* Tiến hành trò chơi

- Thỏa thuận trước khi chơi: Cô tạo điều kiện để trẻ bàn bạc với nhau về nhóm chơi, vai chơi, nội dung chơi. Khi trẻ thỏa thuận với nhau về vai chơi, nội dung chơi, cách chơi thì cô nên gợi ý để trẻ sử dụng vốn sống của mình xây dựng nội dung chơi và bàn bạc với nhau về cách chơi.

- Quá trình chơi: Trẻ thực hiện hành động theo vai chơi. Cô hướng dẫn trẻ giao tiếp và hành động phù hợp với vai của mình.

Ví dụ: Người bán hàng thì thể hiện thái độ, hành vi của mình là niềm nở mời chào khách, giới thiệu hàng. Người mua hàng thì thể hiện thái độ, hành vi của mình là hỏi giá, đưa tiền và vui vẻ nhận hàng.

- Kết thúc chơi: Cô khen ngợi những trẻ có kĩ năng chơi tốt, động viên những trẻ khác trong những lần chơi sau cần cố gắng hơn nữa và hướng trẻ chuyển sang hoạt động tiếp theo.

Một phần của tài liệu Hình thành biểu tượng bản thân cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề (Trang 61 - 64)