2.2.5.1. Mục đích
Môi trường chơi phong phú, hấp dẫn đối với trẻ đó là môi trường thuận lợi, gây được hứng thú ở trẻ. Đảm bảo tính thẩm mĩ, mang tính gợi mở phù hợp với khả năng sáng tạo, tích cực của trẻ khi tham gia chơi.
2.2.5.2. Ý nghĩa
Trẻ mẫu giáo rất dễ xúc động, yêu thích cái đẹp, cái mới vì vậy môi trường chơi cần tạo được sự hấp dẫn, đẹp mắt, lôi cuốn trẻ và khi đó sẽ gây được hứng thú và thái độ tích cực của trẻ trong khi chơi. Môi trường chơi hấp dẫn, phong phú không những mang tính gợi mở mà còn kích thích sự sáng tạo ở trẻ. Từ
đó trẻ có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được học vào tình huống mà mình đóng vai.
2.2.5.3. Cách tiến hành
Để tạo môi trường chơi phong phú, hấp dẫn đối với trẻ cần được tiến hành như sau:
- Lựa chọn không gian, địa điểm phù hợp để tổ chức hoạt động cho trẻ, không gian chơi phải đủ rộng, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Phòng học phải đủ ánh sáng cho trẻ có thể thực hiện các hoạt động trong khi chơi.
Ví dụ: Góc chơi “Bán hàng” trẻ được chơi ở khu vực hành lang rộng rãi phía trước cửa lớp học. Tại đây trẻ có thể thoải mái thể hiện các ý tưởng chơi của mình, thoải mái di chuyển trong góc chơi, thoải mái mời chào hàng, trả giá và lựa chọn. Không gian này kích thích trẻ tích cực suy nghĩ và đưa ra những trò chơi mới, hấp dẫn và thể hiện chúng theo khả năng của mình.
- Lựa chọn những đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt, đa dạng, dễ sử dụng, có kích thước phù hợp với trẻ và phù hợp với chủ đề, nội dung hình thành BTBT cho trẻ. Ví dụ: Góc đóng vai có thể lựa chọn những con búp bê với màu sắc tươi sáng. Hay ở góc nấu ăn có rất nhiều loại rau củ quả nhiều màu sắc, được trang trí đẹp mắt, nhỏ gọn, phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Bố trí các góc chơi phù hợp với từng chủ đề và nội dung hình thành BTBT cho trẻ trong trò chơi. Bổ sung đồ chơi theo trò chơi và mục đích hình thành BTBT.
Ví dụ: Muốn hình thành biểu tượng về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi thì giáo viên có thể bổ sung các hình mặt cười, mặt khóc, buồn phiền, lo lắng, tức giận, vui mừng, đau đớn, hạnh phúc hay hình trái tim,…
- Các góc chơi được bố trí hấp dẫn để kích thích sự chú ý và hứng thú của trẻ, tạo cơ hội để phát huy trí tưởng tượng và óc sáng tạo ở trẻ.
Ví dụ: Góc bán hàng, ngoài trang trí đẹp mắt thì còn phải có đầy đủ đồ chơi như: những con búp bê, trang phục của bé, những món quà lưu niệm,…
- Đồ dùng, đồ chơi phải được bố trí đầy đủ ở từng góc chơi phù hợp với nội dung của các góc chơi đó.
Ví dụ: Ở góc xây dựng thì phải có các loại nguyên, vật liệu như: cát, sỏi, nước, bờ rào,… Hay góc nghệ thuật có: đất nặn, giấy màu, màu nước, bút chì, tẩy,…
2.2.5.4. Điều kiện thực hiện
Để biện pháp này đạt hiệu quả cao, trong qua trình thực hiện cần đảm bảo một số điều kiện sau:
- Cần có sự đầu tư và quan tâm đến việc tạo môi trường chơi hấp dẫn cho trẻ thể hiện khả năng của bản thân.
- Môi trường chơi của trẻ phải thực sự an toàn, thoải mái, hấp dẫn và tự do, thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân của trẻ.
- Đồ dùng, đồ chơi phải thường xuyên được bổ sung, thay đổi cho phù hợp với chủ đề và nhu cầu khả năng chơi của trẻ. Đồ dùng đồ chơi phải được sắp xếp trong trạng thái “đóng” và “mở” một cách hợp lý.
- Mối quan hệ của cô và trẻ nhẹ nhàng, thân thiện và gần gũi.