5.2.1 Xây dựng cơ cấu vốn hợp lý
Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa khả năng sinh lời chịu sự tác động mạnh của cơ cấu vốn của các ngân hàng. Khả năng sinh lời tạo ra sự linh hoạt tài chính cho ngân hàng, giảm trở ngại tài chính nội sinh và giúp cho ngân hàng ít phụ thuộc vào nợ vay. Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả kinh doanh là yêu cầu tất yếu đối với các NHTMCP hiện nay.
Đối với các ngân hàng hoạt động kinh doanh thấp, bước đi cho các ngân hàng thuộc nhóm này là cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có cơ cấu tài chính để hạn chế hiệu ứng tiêu cực của đòn cân nợ và giảm áp lực về thanh toán các khoản nợ vay. Vì vậy, các ngân hàng này nên áp dụng cấu trúc tài chính với tỷ lệ nợ chỉ khoảng 0% đến 20%. Khi ngân hàng sử dụng cấu tài chính với tỷ lệ nợ thấp, một mặt sẽ giúp cho ngân hàng giảm thiểu được rủi ro trong điều kiện kinh doanh gặp khó khăn, mặt khác giúp ngân hàng tập trung củng cố lại cơ cấu sản xuất cho phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, cải tiến chất lượng dịch vụ cho đến khi hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi sẽ tăng tỷ lệ vay nợ phục vụ cho nhu cầu đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường và khi đó sẽ tận dụng được hiệu ứng tích cực của đòn cân nợ.
Đối với các ngân hàng có thực trạng hoạt động bình thường, năng lực cạnh tranh trung bình, các ngân hàng thuộc nhóm này cũng cần gia tăng vốn chủ hữu bằng cách thực hiện liên doanh, liên kết mở rộng kinh doanh, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài để giảm tỷ lệ nợ vay trong cấu trúc tài chính nhằm hạn chế rủi ro khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi.
Đối với các ngân hàng đang hoạt động kinh doanh hiệu quả cần gia tăng vốn chủ hữu bằng cách phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, hoặc sử dụng chính sách phân phối cổ tức thấp để trích lợi nhuận hàng năm bổ sung vốn chủ sở hữu. Với cơ cấu tài chính này sẽ giúp cho ngân hàng vừa phát huy được hiệu ứng tích cực của đòn cân nợ vừa có sức chống đỡ tốt một khi kinh doanh gặp nhiều rủi ro.
5.2.2 Tăng vốn điều lệ ngân hàng
Đây là giải pháp dễ dàng thực hiện, giúp ngân hàng TMCP nhanh chóng và dễ dàng hơn trong việc tăng vốn điều lệ so với các giải pháp khác. Theo đó, ngân hàng TMCP sẽ niêm yết và phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Muốn vậy các ngân hàng phải chứng minh được tình hình tài chính minh bạch và lạnh mạnh để thu hút các nhà đầu tư, cổ đông. Hiện nay, sau đề án tái cơ cấu, hình hình kinh doanh của các ngân hàng dần ổn định, uy tín trên thị trường được củng cố, giá trị thương hiệu dần có vị trí trong tâm lý khách hàng, đây là điều kiện thuận lợi để ngân hàng TMCP niêm yết và phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để thu hút vốn.
Ngoài ra, ngân hàng có thể tăng vốn từ khoản thuế được phép để lại, tuy nhiên giải pháp này cần có sự thống nhất của cơ quan thuế và ngân hàng trên cơ sở cho phép các ngân hàng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, khi đó phần vượt sẽ được phép để lại nhằm tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng có thể tăng vốn từ nguồn thu nợ đã được xử lý, khi đó những khoản nợ ngân hàng thu được sẽ được xóa bằng quỹ dự phòng để bổ sung tăng vốn tự có theo một tỷ lệ nhất định. Ngoài ra, ngân hàng có thể bán cổ phần ưu đãi và không ưu đãi để gia tăng vốn điều lệ của mình.
5.2.3 Kiểm soát tỷ lệ chi phí trên thu nhập cũng như tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản tài sản
Việc tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản có tác động thuận chiều lên hiệu quả hoạt động của ngân hàng là một trong những kết luận quan trọng để các nhà quả trị ngân hàng căn cứ vào đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Điều này cho thấy khi tỷ lệ này ở các NHTMCP Việt Nam cao thì hiệu quả hoạt động được nâng cao. Điểm này cũng phù hợp với đặc điểm cơ cấu dịch vụ của hệ thống NHTMCP Việt Nam là chỉ mới tập trung nhiều vào hoạt động cấp tín dụng và hoạt động này cũng là nguồn chính mang lại lợi nhuận cho ngân hàng.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý là chất lượng tín dụng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của khoản đầu tư. Vì vậy khi nâng cao tỷ lệ này ngân hàng cần đặc biệt việc chú ý đến hiệu quả của việc tăng cường công tác quản lý, khả năng kinh doanh tiếp thị sao cho nguồn vốn đến được với khách hàng vay nợ tốt nhất thì sẽ mang đến hiệu quả hoạt động cao nhất cho ngân hàng. Đồng thời với việc gia tăng cấp tín dụng của các ngân hàng Việt Nam nếu quản lý tốt chi phí sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Như vậy để tận dụng tốt nguồn vốn đã huy động được từ việc gia tăng huy động các ngân hàng cần phải lưu ý hơn nữa về vấn đề quản lý chi phí, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập, tăng tỷ lệ cho vay trên huy động để tận dụng tốt hơn nguồn vốn đã huy động được. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong vấn đề gia tăng tín dụng phải đảm bảo chất lượng của các khoản cho vay, giảm thiểu các khoản nợ xấu cũng như chi phí cho nợ xấu, có như vậy thì hiệu quả hoạt động mới được gia tăng. Khi gia tăng cho vay với điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện tại thì việc phải giảm lãi suất cho vay cũng như gia tăng lãi suất huy động là điều không thể tránh khỏi với các ngân hàng. Nhưng nếu thực hiện theo chính sách như vậy thì tỷ lệ chi phí trên thu nhập của ngân hàng càng bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó để giảm tỷ lệ này các ngân hàng cần đa dạng hóa các sản phẩm của mình, tạo ra các gói sản phẩm đặc sắc cũng như tạo nhiều thuận tiện cho khách hàng trong việc giao dịch sẽ thu hút khách hàng mà không bị hút vào cuộc đua cạnh tranh lãi suất. Để làm tốt việc gia tăng qui mô đồng thời với kiểm soát tốt tỷ lệ chi phí trên thu nhập thì các ngân hàng cần chú trọng làm tốt ở từng khâu, từng giai đoạn trong qui trình hoạt động kinh doanh của mình.