2.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng
2.3.2.5 Chất lượng quản trị rủi ro
Trong môi trường kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư công nghệ tiên tiến,… các ngân hàng phải có chiến lược quản trị rủi ro hợp lý mới có thể tồn tại và phát triển, các loại rủi ro thường gặp như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro tác nghiệp,…
Tín dụng là nghiệp vụ chủ chốt và đem lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng, rủi ro tín dụng xảy ra khi khách hàng không thể thanh toán nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn hoặc mất hẳn khả năng thanh toán, trong trường hợp xấu nhất ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng để bù đắp cho những thiếu
hụt, việc này làm giảm tài sản ngân hàng và mất đi nhiều cơ hội đầu tư. Do đó, ngân hàng cần Chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, đo lường rủi ro.
Một loại rủi ro khác cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngân hàng đó là rủi ro thanh khoản, rủi ro xảy ra khi khách hàng đến rút tiền ồ ạt và lượng tiền dự trữ tại ngân hàng không đáp ứng khả năng chi trả, điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngân hàng và dần tác động đến lợi nhuận của ngân hàng, điều này buộc các ngân hàng phải tính toán lại hệ số thanh khoản của mình, tức là tính được khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán ngay của các tài sản Nợ.
Lãi suất thị trường luôn thay đổi, khi nó xảy ra có thể đem đến nhiều tổn thất cho ngân hàng, do đó, quản trị rủi ro lãi suất là một phần trong chiến lược quản trị rủi ro của ngân hàng. Nếu ngân hàng duy trì cơ cấu tài sản Có và tài sản Nợ với những kỳ hạn không cân xứng với nhau thì phải chịu những rủi ro về lãi suất trong việc tái tài trợ tài sản Có hoặc khi giá trị của tài sản thay đổi do lãi suất thị trường biến động. Ngoài ra, rủi ro lãi suất còn thể hiện khi tỷ lệ lạm phát tăng nhanh hơn lạm phát dự kiến trong khi lãi suất cho vay không thể điều chỉnh được, thì ngân hàng có thể phải chịu rủi ro nếu tỷ lệ lạm phát lớn hơn hoặc bằng lãi suất cho vay. Để khắc phục tình trạng này các ngân hàng cần duy trì sự cân đối các khoản nhạy cảm với lãi suất bên tài sản nợ với tài sản có, sử dụng chính sách lãi suất linh hoạt, đặc biệt đối với những khoản vay lớn, thời hạn dài cần tìm kiếm nguồn vốn tương xứng.
Theo Peter S.Rose, rủi ro ngoại hối là những thiệt hại mà NHTM phải gánh chịu do sự biến động của giá cả tiền tệ trên thị trường thế giới. Loại rủi ro này xảy ra khi tài sản Có và tài sản Nợ bằng ngoại tệ không cân xứng với nhau cả về số lượng lẫn kỳ hạn. Do đó, ngân hàng cần luôn duy trì một sự cân xứng tài sản nợ và tài sản có ngoại tệ, duy trì trạng thái ngoại hối ròng ở mức hợp lý, cán bộ ngân hàng cần có quyết định đúng đắn về các hợp đồng mua, bán ngoại tệ.
Ngoài ra, còn một loại rủi ro đặc thù, đó là rủi ra tác nghiệp, loại rủi ro này gây ra tổn thất cho ngân hàng do nguyên nhân con người, sự hiểu biết không đầy đủ về quy trình, luật pháp hay việc vận hành không tốt các hệ thống, hoặc xuất phát từ việc chỉ đạo và điều hành kém hiệu quả, gây nên thiệt hại cho ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro này có thể giảm trừ khi nhân viên ngân hàng nhận thức đúng vai trò của mình, hiểu biết đầy đủ về Luật ngân hàng, các quy định và nắm chắc quy trình hoạt động của ngân hàng.