1.2. Khái niệm pháp luật và thi hành pháp luật về thuế thu
1.2.4. Qui định về quản lý thuế thu nhập cá nhân
1.2.4.1. Kê khai thuế, tính thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định pháp luật thuế TNCN thì người nộp thuế phải đăng ký thuế TNCN. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện việc đăng ký thuế với tư cách là người được chỉ định là đại diện cho người nộp thuế. Trong một số trường hợp đặc biệt, việc đăng ký thuế TNCN được xác định như sau:
Đối với nhóm cá nhân kinh doanh thì người đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế theo hướng dẫn đối với cá nhân kinh doanh để được cấp mã số thuế cho bản thân.
Đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản chưa có mã số thuế thì cơ quan thuế tự động cấp mã số thuế cho cá nhân căn cứ trên thông tin cá nhân tại hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.
Đối với cá nhân là người phụ thuộc và người nộp thuế có kê khai giảm trừ gia cảnh nếu chưa có mã số thuế thì cơ quan thuế tự động cấp mã số thuế cho người phụ thuộc căn cứ trên thông tin của người phụ thuộc tại Tờ khai đăng ký giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế.
* Kê khai thuế thu nhập cá nhân
Kê khai thuế là nghĩa vụ bắt buộc của chủ thể nộp thuế khi phát sinh nghĩa vụ thuế theo qui định pháp luật thuế. Yêu cầu đặt ra trong hoạt động quản lý thuế TNCN với người nộp thuế tại khâu kê khai thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế [29, Điều 42, Khoản 1].
Để thực hiện việc kê khai thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế cần thực hiện theo đúng qui định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:
(i) Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ. Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở.
(ii) Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.
(ii) Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
* Qui định về nộp thuế thuế thu nhập cá nhân
Một trong những nghĩa vụ của người nộp thuế là nghĩa vụ phải nộp thuế TNCN. Luật quản lý thuế xác định, người nộp thuế là trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình, tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế được đặt lên hàng đầu và đây được coi là nội dung quan trọng nhất trong quá trình xây dựng các sắc thuế mà đặc biệt là các sắc thuế trực thu như thuế TNCN. Tính tuân thủ của người nộp thuế được xem như là yếu tố cốt lõi của cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế của người nộp thuế.
Trong pháp luật quản lý thuế TNCN, việc nộp thuế TNCN được gắn với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế để đảm bảo phù hợp với tính chất từng loại thuế và tạo thuận lợi cho người nộp thuế dễ thực hiện nhiệm vụ của mình. Trừ
những trường hợp thiên tai, hỏa hạn, tai nạn bất ngờ... thì người nộp thuế TNCN được gia hạn nộp thuế.
Đặc trưng của qui định nộp thuế là phụ thuộc vào ý chí, trách nhiệm của người nộp thuế vì vậy đối với quy định nộp thuế, tính tự nguyện, tự giác của người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật có tính chất quyết định. Điều quan trọng nhất ở đây là phải đánh giá được đặc điểm, tâm lý, cách ứng xử, thái độ của người nộp thuế và mức độ tuân thủ của người nộp thuế, để cơ quan quản lý thuế có những cách ứng xử phù hợp, hiệu quả hơn trong thực tiễn thi hành thuế TNCN.
Về thời hạn nộp thuế TNCN: “Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót” [29, Điều 55, Khoản 1].
* Qui định về ấn định thuế
“Ấn định thuế TNCN được hiểu là việc cá nhân phải nộp thuế theo một con số nhất định mà cơ quan thuế đưa ra thay vì được chủ động khai, nộp thuế theo quy định” [36, tr. 26]. Căn cứ ấn định thuế được quy định cụ thể tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 qui định: Tổ chức, cá nhân bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế.
(ii) Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp của người nộp thuế hoặc qua kiểm tra, đối chiếu,
xác minh, sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thuế có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
(iii) Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.
(iv) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp.
(v) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 10, 11, 12 Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ
1.2.4.2. Kỳ tính thuế Kỳ tính thuế
Kỳ tính thuế thu nhập cá nhân là khoảng thời gian để xác định số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước. Kỳ tính thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính căn cứ vào đối tượng thu nhập cá nhân phát sinh.
Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú
Đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công thì kỳ tính thuế được tính theo năm
Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch (1/1 – 31/12).
Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.
Ví dụ: Ông B là người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam từ ngày
20/4/2014. Từ ngày 20/4/2014 đến ngày 31/12/2014, ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 130 ngày. Từ ngày 1/1/2015 đếm ngày 19/4/2015 ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 65 ngày. Do đó, kỳ tính thuế đầu tiên của ông B được xác định từ ngày 20/4/2014 đến hết ngày 19/4/2015. Kỳ tính thuế thứ hai được xác định từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2015.
Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế, thu nhập từ quà tặng thì kỳ tính thuế được tính theo từng lần phát sinh thu nhập.
Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thì kỳ tính thuế được tính theo từng lần phát sinh hoặc theo năm.
Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú
Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh không cư trú có địa điểm kinh doanh cố định như cửa hàng, quầy hàng thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch như đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh.
Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng; Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế.
1.2.4.3. Phương pháp quản lý thu nộp thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN có thể được thu theo phương pháp khấu trừ tại nguồn hoặc phương pháp thu trực tiếp. Trên thực tế các nước có nền kinh tế phát triển mặc dù đã xây dựng cho mình chế độ thuế TNCN khá hoàn chỉnh cũng thường chỉ sử dụng phương pháp khấu trừ tại nguồn. Ở Việt Nam cũng đang sử dụng phương pháp khấu trừ tại nguồn để quản lý thu nộp thuế TNCN.
Bên cạnh đó, việc khai, nộp thuế thu nhập cá nhân đối với người nộp thuế có thu nhập khác ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công và đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các doanh nghiệp trong Công an nhân dân trả thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính và pháp luật về quản lý thuế. Đối tượng áp dụng Người nộp thuế gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; công chức, viên chức, nhân viên, lao động hợp đồng hưởng lương từ tổ chức trả thu nhập.Tổ chức trả thu nhập, cá nhân và tổ chức có liên quan đến việc thu, nộp thuế thu nhập cá nhân của các đối tượng quy định pháp luật.
1.2.4.4. Thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Quyết toán thuế là một hoạt động quan trọng trong hoạt động quản lý thuế TNCN nhằm xác định nghĩa vụ thuế TNCN mà mỗi cá nhân phải thực hiện. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.
Theo qui định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC tại Điều 21, Khoản 3 Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Công văn 6043/CT-TTHT qui định về quyết toán thuế TNCN như sau:
Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ 04 trường hợp không bắt buộc phải quyết toán thuế dưới đây [5, Điều 21].
Một là: Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.
Hai là: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng, đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Ba là: Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Bốn là: Cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán.
1.2.4.5. Hoàn thuế thu nhập cá nhân
Hoàn thuế là việc cơ quan thuế nhân danh nhà nước quyết định trả lại cho người nộp thuế số chênh lệch số tiền khi số thuế phải nộp ít hơn số thuế đã nộp.
trường hợp: Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp; Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế; Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC cũng quy định: Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân. Sau khi bù trừ, nếu còn số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau hoặc hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả.
Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.
Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
Theo đó, chủ thể sẽ được hoàn thuế trong các trường hợp: số tiền đã nộp lớn hơn số thuế bạn phải nộp; chủ thể đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế; các trường hợp khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, việc hoàn thuế chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.