Nguồn nhân lực: Việc có đúng người với kỹ năng thích hợp là bước đầu tiên
để quản lý hiệu quả một chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, tăng giá bán là điều miễn cưỡng các công ty phải làm. Vì thế, các nhân sự có kỹ năng quản lý chi phí là một nhân tố cực kỳ quan trọng quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc quản
lý hiệu quả một chuỗi cung ứng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều bộ phận như: mua hàng, kỹ thuật, logistics, kho,…Tuy nhiên trên thực tế thì sự thiếu tin cậy ở một mức độ nào đó lại là một đặc trưng của các mối quan hệ kiểu này. Đơn cử như vấn đề thu hồi công nợ thường không được phân định rõ trách nhiệm trong nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn. Trong khi bộ phận bán hàng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng thì bộ phận kế toán lại là bộ phận theo dõi tuổi nợ, nợ quá hạn. Sự không hợp tác giữa 2 bộ phận này với nhau có thể dẫn đến lỗ hổng trong quản lý, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Chính sự tương tác của con người trong doanh nghiệp đã thúc đẩy quá trình tổ chức chiến lược trong chuỗi cung ứng (Sweeney, 2013).
Trình độ tổ chức quản lý dự trữ, mua hàng của doanh nghiệp: Trong quá trình
cung ứng bất cứ một sai sót nào trong khâu mua hàng cũng như dự trữ đều ảnh hưởng qua lại và dẫn tới công tác cung ứng bị gián đoạn. Trong suốt chu trình này, kế hoạch lưu kho cần trả lời được các câu hỏi như: nên dự trữ loại hàng hóa nào tại các thời điểm xác định? Nên lưu kho bao nhiêu nguyên liệu, bán thành phẩm hay thành phẩm nhằm hạn chế sự thiếu hụt đồng thời tránh dư thừa. Điều này đặt ra thách thức lớn giữa việc giảm thiểu hàng tồn kho và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng do hai vấn đề này thường xuyên mâu thuẫn (Edward, 2000). Chi phí dành cho hàng lưu kho một chuỗi cung ứng có thể lên tới 40% cho nên việc quản lý hàng tồn kho một cách khoa học sẽ đem lại hiệu quả rất lớn (Ganeshan, 1999).
Công nghệ thông tin: Sự phát triển chóng mặt của CNTT trong những năm
gần đây đã giúp cho các doanh nghiệp có thể xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Xu hướng hiện tại của quản lý chuỗi cung ứng là áp dụng CNTT vào tích hợp các doanh nghiệp chéo và các quy trình liên doanh nghiệp. Với việc áp dụng các công nghệ hiện đại, doanh nghiệp có khả năng nâng cao số lượng và chất lượng của thông tin được chia sẻ tới các đối tác trong chuỗi cung ứng, kiểm soát hoạt động của chuỗi theo thời gian thực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự báo và lập kế hoạch giữa doanh nghiệp và các thành viên khác trong chuỗi (Prajogo và Olhager, 2012). Trong nội bộ doanh nghiệp, CNTT cũng giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua việc kiểm soát tồn kho, đơn hàng và tình trạng vận chuyển, cũng như các yêu cầu về sản phẩm (Radstaak và Ketelaar, 1998). Có thể nói, CNTT đã giúp
các thành viên trong chuỗi cung ứng đảm bảo tiến độ cung ứng, giảm thiểu các công việc không cần thiết liên quan đến giấy tờ và tăng cường mối quan hệ của các thành viên trong chuỗi.