Vài nét về giá trị nội dung và nghệ thuật của ca dao Nam Bộ:

Một phần của tài liệu Hành động ngôn ngữ bày tỏ trong ca dao Nam Bộ (Trang 26 - 31)

Ca dao Nam Bộ là bộ phận ca dao được sưu tầm ở miền Nam, bao gồm những câu hát, lưu dân mang theo từ vùng quê hương cũ cộng với những câu hát mới được sáng tác ở nơi đây. Tất cả thể hiện tâm tư tình cảm, phong tục tập quán, nhân sinh quan, thế giới quan của con người Nam Bộ.

3.1. Giá trị nội dung

Ca dao Nam Bộ vừa là nguồn cảm xúc vừa là nơi để người bình dân Nam Bộ giãi bày tâm tư, tình cảm trước hiện thực cuộc sống. Cho nên, nội dung trong ca dao Nam Bộ thì vô cùng phong phú và đa dạng với các chủ đề như: quê hương – đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, lao động sản xuất,...

27

Trong ca dao Nam Bộ, yếu tố tên gọi địa điểm và đặc trưng của vùng gắn kết với nhau. Sự gắn kết này, thể hiện một cách trực tiếp, giản dị như tấm lòng của người Nam Bộ dành cho xứ sở quê hương mình cùng niềm tự hào cao cả, thiêng liêng. Sen Tháp Mười hương thơm ngào ngạt/Lúa Tháp Mười trĩu hạt oằn bông, Lầu nào cao bằng lầu ông Chánh/Bánh nào trắng bằng bánh bò bông, Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về, Ai qua Sa Đéc, Lấp Vò/Nhớ kinh Vĩnh Thạnh, giọng hò Tân Dương,...

Ca dao về tình yêu đôi lứa bao giờ cũng có sức hấp dẫn riêng. Ca dao Nam Bộ cũng không ngoại lệ. Nó diễn đạt một cách tinh tế, uyển chuyển, sinh động mọi biểu hiện sắc thái cung bậc tình yêu. Đó là những tình cảm thắm thiết, những niềm ước mơ, những nỗi nhớ nhung da diết trong hoàn cảnh may mắn, hạnh phúc hay những cảm xúc buồn lo, giận hờn trước những tình huống rủi ro, ngang trái, đau khổ.

Do đặc điểm cá tính nên chuyện yêu đương, tình cảm đôi lứa được ca dao diễn đạt có phần bộc trực, cởi mở. Cái đáng quý là sự thẳng thắn thực lòng, tạo nên sắc thái riêng cho ca dao Nam Bộ. Dao phay kề cổ, máu đổ không màng/Chết thời chịu chết, buông nàng nhất định anh không buông, Anh thương em không phải thương bạc thương tiền/Mà thương người nhân hậu, lưu truyền kiếp sau, Nước sâu sóng bủa láng bờ/Thương anh vì bởi câu hò có duyên, Trắng như tiên không phải duyên anh không tiếc/Đen như cục than hầm duyên đẹp thì ưng, Năm canh ngơ ngẩn buồn rầu/Nhớ người nhơn nghĩa gan sầu ruột đau, Cầu cho chóng tỏ mặt trời/Để ta thấy được con người bên sông,...

Về mối quan hệ gia đình, phần nhiều là những bài ca dao chứa chan tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành, ca ngợi những đạo lí truyền thống tốt đẹp. Đội ơn cúc dục cao dày/Học cho đẹp mặt, nở mày mẹ cha/Học đặng như dệt gấm thêu hoa/Có văn có chất mới ra con người/Làm trai phải biết hổ ngươi/Làm sao khỏi nhục, khỏi cười mới nên, Cô nghèo củi núi, rau non/Nuôi hai thân phụ cho tròn như trăng, Cha như trời, mẹ thời như biển/Mẫu tử như thiên thần con phải cam, Con ơi, chớ cải mẹ cha/Vì công sinh dưỡng khó mà đền ơn,... Bên cạnh đó, tình nghĩa vợ – chồng cũng được tác giả ca dao Nam Bộ đề cập đến. Đã nên là vợ là chồng/Sang không bạc nghĩa, hèn không phụ tình, Thân

28

em một nắng hai sương/Quanh năm vất vả vì thương con cùng chồng, Thương chồng phải lụy cùng chồng/Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải cam,...

Ngoài xã hội, con người đối xử với nhau bằng tình nghĩa, đùm bọc cưu mang lẫn nhau, sẵn sàng giúp đỡ khi khó khăn. Ca dao Nam Bộ cất lên tiếng nói cảm thông, đồng cảm cho những con người đáng thương, những số phận bị vùi dập, những cuộc đời hẩm hiu không nơi nương tựa. Họ có thể là những người nông dân nghèo, những người đi ở,...đặc biệt người phụ nữ – người chịu thiệt thòi nhất, đau khổ nhất. Thân em như cá rô mề/Lao xao giữa chợ biết về tay ai, Thân em như trái bần trôi/Sóng dập gió dồi, biết tấp vào đâu, Phận em như cá vô lờ/Mắc cái hom chật hẹp biết bao giờ mới lộn ra, Cảm thương cô gái đươn bao/Đêm khuya thức dậy lao xao đêm hàng,...

Tất cả vấn đề trong hiện thực cuộc sống đều được ca dao Nam Bộ phản ánh một cách đầy đủ, trọn vẹn nhưng cũng không kém phần sinh động, giàu tính biểu cảm, trữ tình. Chính vì thế, ta không ngạc nhiên, khi ca dao được xếp vào thể loại trữ tình dân gian.

3.2. Giá trị nghệ thuật

Ca dao Nam Bộ là thể loại văn vần, thường làm theo thể thơ lục bát có đến 90% số bài sử dụng thể thơ này. Sở dĩ như vậy, vì thể thơ lục bát có nhịp điệu uyển chuyển rất thích hợp để biểu đạt tình cảm, cảm xúc tinh tế của con người và cũng rất dễ nhớ, dễ thuộc, thuận tiện cho việc truyền tụng. Song thất lục bát cũng rất được tác giả dân gian ưa chuộng. Đặc biệt, ca dao Nam Bộ có xu hướng sáng tác theo thể thơ tổng hợp:

Nước chảy bon bon Con vượn bồng con

Lên non hái trái

Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi.

Hoặc

Đêm nằm lưng chưa bén chiếu Tay núi thành giường

Thương em quá bộ quên đường tử sanh.

29

Trước hết, từ xưng hô mang nghĩa biểu cảm gần lối nói hoa mĩ nhưng cũng rất bình dân: qua, bậu, em bậu, con bạn vàng, anh chung tình, người nghĩa,...

Tác giả dân gian thường sử dụng những động từ, tính từ có từ chỉ mức độ đi kèm nhằm nhấn mạnh sắc thái biểu cảm: đỏ phừng phừng, trả phắt, rối nùi, héo queo, chèo queo, ốm o, gầy mòn, ướt nhem, chát ngầm, lớn tồng ngồng...Bên cạnh đó, những từ ngữ giản dị mộc mạc, sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng được đưa vào ca dao, thể hiện sắc thái địa phương rõ nét. Ví như: cẳng, hun, mần, xài, cưng, ngó vô, chun vô, hổng dè, bóp bụng, mắc kẹt,...

Người dân Nam Bộ rất hay dùng hình ảnh “sông nước, ruộng vườn” như vườn, bầu, bí, nước ròng, nước lớn, cù lao, kinh, rạch, cá kìm, cá rô mề,… để so sánh hoặc tạo lối nói ẩn dụ, hoán dụ. Đó có thể là cách diễn đạt đặc trưng của vùng. Ca dao Nam Bộ thường sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, để xây dựng hình tượng, biểu đạt ý tứ. Nhưng phổ biến nhất là biện pháp cường điệu, được tác giả dân gian vận dụng một cách khéo léo, nhuần nhuyễn gây ấn tượng mạnh mẽ, làm cho người nghe bị thu hút nhanh vào ý chính, tạo nên một phong cách rất độc đáo trong lối diễn đạt ngôn ngữ ca dao Nam Bộ. Anh than một tiếng nát miễu xiêu đình/Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi, Anh về gan thắt ruột đau/Nhân sâm sắc uống mấy tàu cho nguôi, Em thương anh thương dại thương dột/Thương lột da cóc, thương tróc da đầu/Ngủ đi thì nhớ, thức dậy thì thương/Giục ngựa biên cương, lên đường thượng lộ.

Giọng điệu hài hước, dí dỏm chiếm tỉ lệ cao trong ca dao Nam Bộ thể hiện tinh thần lạc quan, hồn nhiên của người dân nơi đây, kiểu như: Giữa trưa đói bụng thèm cơm/Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu, Phải chi cắt ruột đừng đau/Để em cắt ruột trao anh mang về, Con cua kình càng bò ngang đám bí/ Nói với chị mày: giờ tí tao qua.

Do phạm vi đề tài, chúng tôi chỉ điểm xuyến vài giá trị cơ bản có liên quan trực tiếp đến đề tài, làm nền cho việc nghiên cứu.

Tiểu kết

Một số vấn đề cơ bản, bước đầu làm tiền đề cho quá trình nghiên cứu hành động bày tỏ trong ca dao Nam Bộ đã được chúng tôi trình bày ở chương này.

30

Trước hết, về lí thuyết hành động ngôn từ, chúng tôi đã trình bày một số điểm cơ bản mà theo chúng tôi có liên quan đến đề tài.

Thứ hai, trình bày khái quát vùng đất Nam Bộ với hai nội dung chính: đặc điểm tự nhiên – xã hội – văn hóa và tính cách người Nam Bộ.

Cuối cùng, chúng tôi trình bày vài giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của ca dao Nam Bộ.

Những vấn đề lí thuyết được trình bày trên đây là cơ sở cần thiết cho chúng tôi triển khai nhiệm vụ cần giải quyết của luận văn.

31

Chương 2: HÀNH ĐỘNG NGÔN TỪ BÀY TỎ TRỰC TIẾP TRONG CA DAO NAM BỘ

Qua việc tìm hiểu vài nét về tính cách đặc trưng của người Nam Bộ ở chương 1, chúng tôi nhận thấy do đặc điểm tính cách bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng đã ảnh hướng sâu sắc đến xu hướng hành động ngôn từ của người Nam Bộ. Trong đời sống hằng ngày, họ thường bộc lộ trực tiếp những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, thái độ của mình trước một sự vật, sự việc hay người nào đó. Ca dao Nam Bộ sẽ chứng minh điều này bởi, đó là nơi để con người sống thật với những cảm xúc, nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của bản thân trước hiện thực cuộc sống.

Để tìm hiểu các hành động ngôn từ bày tỏ trực tiếp được con người Nam Bộ sử dụng như thế nào, ở chương này chúng tôi đi vào mô tả, phân tích đặc điểm hình thức của từng hành động ngôn từ thuộc nhóm bày tỏ trong ca dao Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Hành động ngôn ngữ bày tỏ trong ca dao Nam Bộ (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)