Theo Từ điển Tiếng Việt [28; tr. 724] thì nhớ có các nghĩa:
- Tái hiện trong trí điều trước đó đã từng được cảm biết, nhận biết. VD: Bây giờ mới nhớ ra; nhớ lại những ngày tháng gian khổ.
- Giữ lại trong trí điều đã cảm biết, nhận biết để rồi sau đó có thể tái hiện được.VD: Nhớ kĩ lời mẹ dặn.
- Nghĩ đến với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở xa cách.VD: Nhớ con; nhớ quê hương; nỗi nhớ.
Bày tỏ nỗi nhớ là một hành động ngôn từ có đích ở lời là bộc lộ tâm trạng ray rứt, bồn chồn, không yên lòng và tha thiết muốn gặp được người thương hiện đang xa cách.
Động từ “nhớ” là phương tiện hữu dụng để thực hiện trực tiếp hành động bày tỏ nỗi nhớ. Khảo sát tư liệu, chúng tôi thống kê được 36/271 bài ca dao có chứa động từ “nhớ”, chiếm 13,28%.
Ví dụ:
(37) Ngó đâu, ngó đó thì vui Ngó về chốn cũ ngậm ngùi nhớ anh.
(38) Trời mưa năm bảy đám sụt sùi
Nhái bầu kêu đồng trống dạ bùi ngùi nhớ anh.
“Nhớ” thể hiện hành động bày tỏ nỗi nhớ của cô gái đối với nhân vật anh. Ở (37), cô gái thẳng thắn bày tỏ nỗi nhớ của mình khi vô tình “ngó về chốn cũ” nên
“nhớ anh”. Chốn cũ ấy, có thể là nơi mà hai người đã từng hò hẹn, đã từng có những giây phút say đắm bên nhau nhưng vì một lí do nào đó khiến họ phải xa cách. Để giờ đây, phải ngậm ngùi trong nỗi nhớ thương. Không cần ngó về chốn cũ, chỉ cần thấy “trời mưa năm bảy đám” nghe “nhái bầu kêu đồng trống” cũng đủ khiến cô gái trong (38)“bùi ngùi nhớ anh” rồi.
42
(39) Dế ngâm sầu nhiều câu rỉ rả
Nhớ anh chung tình, thức cả đêm đông.
(40) Đêm năm canh, ngày sáu khắc rõ ràng Đặt lưng xuống chiếu mơ màng nhớ anh.
Qua hai phát ngôn trên, ta có thể hình dung được cô gái nhớ người yêu đến độ si tình hiện lên rõ nét với tất cả sự bồn chồn, ủ dột. Cô gái trong (39), đêm nghe tiếng dế kêu rên rỉ, bồn chồn da diết nhớ “anh chung tình”, không tài nào ngủ được đành “thức cả đêm đông” để mà tơ tưởng, nhớ nhung. Si tình hơn, cô gái trong ví dụ (40), ngay khi đặt lưng xuống chiếu thì đã “mơ màng nhớ anh” rồi. Ở đây, nỗi nhớ của chủ thể phát ngôn là nỗi nhớ dai dẳng, bất kể là ngày hay đêm.
Ví dụ:
(41) Vách thành cao lắm khó dòm
Nhớ anh, em khóc đỏ lòm con ngươi.
Phát ngôn trên là lời bày tỏ của cô gái. Rất nhớ người yêu nhưng vì lí do nhất định, hai người phải xa cách, cô gái bất lực chỉ biết khóc cho vơi đi nỗi nhớ mà thôi. Cách bày tỏ của cô gái, tuy có chút thật thà, chân chất – “nhớ anh, em khóc đỏ lòm con ngươi” nhưng cũng không kém phần thiết tha.
Ví dụ:
(42) Chiều chiều chim vịt kêu chiều Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.
(43) Đêm khuya chong ngọn đèn ngồi Bâng khuâng nhớ bạn, bồi hồi lá gan (44) Năm canh ngơ ngẩn buồn rầu
Nhớ người nhơn nghĩa gan sầu ruột đau
Động từ “nhớ”trong ba phát ngôn trên đều biểu thị hành động bày tỏ nỗi nhớ nhưng ở mỗi phát ngôn sắc thái biểu đạt nỗi nhớ thì khác nhau tùy thuộc vào các từ chỉ chỉ mức độ đi kèm. Ở phát ngôn (42) là biểu đạt nỗi nhớ thương vô cực. Người nói dùng cụm từ “chín chiều ruột đau” (chín chiều ruột đau dịch theo chữ Hán “cửu hồi trường” biểu thị sự đau đớn như chín khúc ruột bị dày vò) để diễn tả nỗi nhớ ray rứt đến quặn đau cả tâm hồn. Ỏ phát ngôn (32), nỗi nhớ được biểu đạt mức độ thấp hơn so với nỗi nhớ trong (42). Gan trong cách nói người Việt, biểu trưng
43
cho ý chí, tinh thần (dạ sắt gan vàng, bền gan), cho tính cách con người (to gan, nhát gan) cho tâm trạng (bầm gan, nát gan). Trong ca dao Nam Bộ, gan thường biểu trưng cho tâm trạng đau buồn (gan thắt ruột đau, gừng xát gan, nát bầm lá gan, ruột thắt gan bào) nhiều hơn tâm trạng giận dữ (giận bầm lá gan). Còn bồi hồi diễn tả trạng thái xao xuyến, xôn xao trong lòng. “nhớ bạn, bồi hồi lá gan” mang sắc thái biểu cảm nhẹ nhàng chứ không mãnh liệt, âm ỉ như “nhớ bạn, chín chiều ruột đau”. Còn ở (44), nỗi nhớ da diết cũng kèm theo sự đau đớn trong thân xác “gan sầu ruột đau”.
Nhận xét:
Động từ “nhớ” kèm theo những cụm từ biểu thị sắc thái, mức độ như “bồi hồi lá gan”, “chín chiều ruột đau”,...thể hiện những sắc thái ý nghĩa khác nhau, biểu đạt hành động bày tỏ nỗi nhớ ở nhiều trạng thái, mức độ khác nhau của mỗi phát ngôn.
Trong ca dao Nam Bộ, những cung bậc nỗi nhớ được khắc họa rõ nét với những khắc khoải, buồn đau khi xa cách.Vì thế, nỗi nhớ là một biểu hiện tha thiết được nói ra bằng những lời đẹp đẽ, xuất phát từ đáy lòng của người nói. Đó cũng là nét ứng xử văn hóa của người bình dân Nam Bộ trong cách bày tỏ tình cảm cảm xúc.
Một số ví dụ khác:
(45) Đêm khuya nguyệt lặn sao tàn Đồng hồ nhặt điểm nhớ nàng không nguôi.
(46) Nhợ xa cành, nhợ lại nắm khoanh Chim kêu rỉ rỉ nhớ anh tui khóc muồi.
(47) Nhạn lạc bầy ba ngã kêu sương
Ngày thời nhớ nhạn, năm canh trường nhớ anh.