Điều kiện tự nhiên thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất và đời sống, việc làm của người dân thành phố vinh tỉnh nghệ an (Trang 65 - 70)

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Nghệ An, là một trong hai đô thị lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ có diện tích tự nhiên là 104,96 km2 bao gồm 16 phường và 9 xã. Trung tâm Thành phố cách thủ đô Hà Nội 295 km (về phía Bắc) và cách Huế 350 km; Đà Nẵng 472 km; Thành phố Hồ Chí Minh 1.447 km về phía Nam. Vị trí địa lý (hình 4.1).

Hình 4.1. Sơ đồ vị trí thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Nguồn: UNBD thành phố Vinh (2019a) - Phía Bắc và phía Đông giáp huyện Nghi Lộc;

- Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh.

Thành phố Vinh nằm ở trung độ cả nước trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, giữa hai Thành phố: Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất trong cả nước. Từ Vinh có thể đi đến Lào (qua ba cửa khẩu: Cầu Treo, Thanh Thuỷ và Nậm Cắn) và các tỉnh vùng Đông Bắc của Thái Lan. Đến Vinh cũng xem như đã đến thị xã Cửa Lò (15 km); Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (12 km ; Tiên Điền, Nghi Xuân - quê hương đại thi hào Nguyễn Du (10 km) cùng với các địa danh nổi tiếng khác ở quanh vùng.

Vị trí địa lý của thành phố Vinh và hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại cũng như các hạng mục hạ tầng kinh tế và xã hội khác ngày càng được hoàn thiện đang và sẽ là những điều kiện thuận lợi để thành phố có thể tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển một nền sản xuất hàng hoá có sức cạnh tranh cao với những ngành mũi nhọn đặc thù, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng liên kết kinh tế trong nước và thế giới, đưa nền kinh tế của Thành phố nhanh chóng hòa nhập theo xu thế phát triển chung.

4.1.1.2. Địa hình, địa chất

Địa hình Thành phố Vinh được kiến tạo bởi hai nguồn phù sa, đó là phù sa sông Lam và phù sa của Biển Đông. Sau này sông Lam đổi dòng chảy về mạn Rú Rum, thì miền đất này còn nhiều chỗ trũng và được phù sa bồi lấp dần. Địa hình bằng phằng và cao ráo nhưng không đơn điệu, có núi Dũng Quyết hùng vĩ và dòng sông Lam thơ mộng bao quanh, tạo nên cảnh quan thiên nhiên của thành phố rất hài hòa và khoáng đạt.

4.1.1.3. Khí hậu

Thành phố Vinh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, cùng với điều kiện địa lý tự nhiên, thành phố Vinh mang tính chất tiểu vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt và có sự biến động lớn từ mùa này sang mùa khác.

Nhiệt độ trung bình 24°C, nhiệt độ cao tuyệt đối 42,1°C, nhiệt độ thấp tuyệt đối 4°C. Độ ẩm trung bình 85-90 . Số giờ nắng trung bình 1.696 giờ. Năng lượng bức xạ dồi dào, trung bình 12 tỷ Keal/ha năm, lượng mưa trung bình hàng năm 2.000mm thích hợp cho các loại cây trồng phát triển.

Có hai mùa gió đặc trưng: Gió Tây Nam - gió khô xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 9 và gió Đông Bắc - mang theo mưa phùn lạnh ẩm ướt kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

4.1.1.4. Thuỷ văn

Thành phố Vinh là địa phương có lượng mưa lớn, cung cấp lượng nước lớn cho các suối, hồ. Hệ thống sông ngòi bao quanh phía Tây Đông và phía Nam thành phố là điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế với các huyện trong tỉnh. Sông Lam có độ sâu 2 - 4m có cảng Bến Thuỷ là một cảng hàng hoá lâu đời của khu vực Bắc miền Trung có khả năng cho tàu dưới 2.000 tấn ra vào thuận lợi. Trong tương lai, khi thị xã Cửa Lò sát nhập vào thành phố Vinh, thì cảng nước sâu Cửa Lò với công suất 3 triệu tấn/năm (sẽ được nâng lên 5 triệu tấn/năm vào năm 2015; 17 triệu tấn/năm vào năm 2020 là một cảng lớn trong hệ thống cảng biển quốc gia sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong việc giao thương bằng đường biển

4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên

a. Tài nguyên đất

Tài nguyên đất của thành phố Vinh có 3 nhóm đất chính, gồm:

Nhóm đất cát biển: Đất cát có diện tích 3.345 ha, phân bố tập trung ở xã Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Liên, Nghi Đức, Nghi Ân. Đất có thành phần cơ giới cấp hạt thô, tỷ lệ cát thường 80% - 90%, dung tích hấp thu thấp. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như mùn, đạm, lân đều nghèo. Kali tổng số trung bình ở tất cả các tầng đất, Kali dễ tiêu lớp đất mặt trung bình (16,2mg/100g đất), xuống các tầng dưới Kali dễ tiêu ở mức độ nghèo. Nhìn chung đất cát biển có độ phì nhiêu thấp, song lại thích hợp cho việc trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như rau, khoai, lạc, đỗ, vừng, dâu, tằm,...

Nhóm đất mặn:Đất mặn hình thành ở địa hình vàn, vàn thấp, vẫn bị ảnh hưởng của nguồn nước. Đất mặn có 2 nhóm đất phụ (Đất mặn trung bình, đất mặn ít) có diện tích khoảng 1.252 ha, phân bố chủ yếu ở xã Hưng Hòa và một phần ở Hưng Dũng. Đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt nặng. Đất có phản ứng ít chua (pHKCl> 5,0 hàm lượng cation kiềm trao đổi và dung tích hấp thu CEC trung bình. Hàm lượng mùn, đạm lân tổng số tầng mặt trung bình.

Nhóm đất phù sa: Đất phù sa có diện tích 4.367 ha, chiếm 48,50% diện tích tự nhiên của tập trung chủ yếu ở xã Hưng Đông, Nghi Liên, Nghi Kim, phường

Vinh Tân, phường Đông Vĩnh. Đất có thành phần cơ giới thịt nặng, phản ứng ít chua, hàm lượng mùn tổng số tầng mặt trung bình khá, các tầng dưới thấp; đạm tổng số tầng khá, các tầng dưới nghèo. Lân tổng số ở các tầng trung bình thấp, kali tổng số từ nghèo đến khá; lân và kali dễ tiêu đều ở mức độ nghèo.

b. Tài nguyên nước

Trên địa bàn Thành phố có các sông chính như: sông Lam, sông Cửa Tiền, trong đó Sông Lam (sông Cả) là con sông lớn nhất tỉnh Nghệ An bắt nguồn từ thượng Lào, đoạn chảy qua Thành phố có chiều dài trên 5 km thuộc phần hạ lưu, lòng sông rộng, tốc độ dòng chảy hiền hòa hơn so với vùng thượng lưu. Sông Cửa Tiền (sông Vinh và sông Đừng là hai sông nhỏ, lòng sông hẹp, lượng nước không lớn và chịu ảnh hưởng trực tiếp thủy chế của sông Lam.

Do nằm ở vùng hạ lưu nên sông ở Vinh chịu ảnh hưởng của mưa lũ ở thượng nguồn và chế độ thuỷ triều. Vào mùa mưa nước từ thượng nguồn dồn về làm mực nước sông lên cao, dòng sông chảy xiết, đôi khi gặp phải bão, áp thấp nhiệt đới gây nên tình trạng lụt lội. Ngoài ra, Thành phố có hệ thống ao, hồ tự nhiên và nhân tạo khá phong phú, như hồ Cửa Nam, hồ Vinh Tân, hồ Trung Tâm, hồ Goong và các ao, hồ xen kẽ trong các khu dân cư.

c. Tài nguyên nhân văn

Ngay từ thời sơ khai của đất nước, thành phố Vinh đã là địa bàn thích hợp cho sự dừng chân và tụ cư của con người. Trải qua biến thiên của lịch sử, vị trí của thành phố ngày càng quan trọng hơn, vì nó nằm trên con đường thiên lý xuyên Việt trong quá trình mở mang bờ cõi của tổ tiên. Cuối năm 1788, Hoàng đế Quang Trung đã chọn Vinh để xây kinh đô mới và Vinh đã trở thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp đã nhận ra vị trí đắc địa của thành phố Vinh và xây dựng Thành phố thành một trong những đô thị công nghiệp vào loại lớn trong cả nước. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thể kỷ trước, thành phố Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều... Đó cũng là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng. Năm 1930 - 1931 cao trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh diễn ra tại đây. Không chỉ nổi tiếng là Thành phố giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, thành phố Vinh còn được biết đến là một Thành phố công nghiệp và thương mại. Hơn nữa thành phố Vinh là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá xứ Nghệ và sớm hình thành những giá trị của văn hoá đô thị.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới thành phố Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội, xây dựng hạ tầng và quản lý đô thị. Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh, đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông đối ngoại đi các huyện và liên tỉnh, liên vùng. Vì vậy, tài nguyên du lịch của Thành phố khá đa dạng như khu du lịch Lâm Viên - núi Quyết, du lịch sông Lam, tiềm năng du lịch nhân văn cũng rất phong phú, ít địa phương nào có thể sánh bằng, với nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đền Hồng Sơn với 3 kỳ lễ hội, Đền thờ vua Quang Trung, Núi Quyết, chùa Cần Linh, cồn Mô, thành cổ Vinh... Đây còn là quê hương của các điệu hò ví dặm, hát phường vải.v.v.. Các trung tâm du lịch văn hóa hiện đại như công viên trung tâm thành phố, công viên Nguyễn Tất Thành.

4.1.1.6. Thực trạng môi trường thành phố Vinh dưới tác động của đô thi hóa

Môi trường nước: Qua kết quả quan trắc các điểm đo tại phường Quang Trung, xã Hưng Lộc, xã Hưng Hòa trong những năm gần đây (áp dụng tiêu chuẩn TCVN 5944 - 1995) cho thấy chất lượng nước dưới đất ở thành phố Vinh chưa có biểu hiện của sự ô nhiễm. Tại tất cả các điểm quan trắc, giá trị các chỉ tiêu thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép; ngoại trừ điểm lấy mẫu tại xã Hưng Hòa, Hưng Lộc có hàm lượng cặn, Mn, Fe, vượt tiêu chuẩn cho phép.

Nước mặt, Sông Lam là nơi tiếp nhận lượng lớn nước thải Thành phố đổ vào qua hàng loạt các công trình tiêu nước. Qua kết quả quan trắc chuỗi số liệu nước sông Lam tại bara Bến Thủy cho thấy nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ, vi sinh vật: các thông số NH4+, Coliform, BOD của các đợt quan trắc thường vượt TCVN 5942 - 1995 từ 2 - 4 lần đặc biệt là vào mùa mưa.

Nước thải, kết quả quan trắc nước thải tại kênh N3 (kênh thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất tại khu vực phường Bến Thủy đổ ra sông Lam cho thấy nước đã bị ô nhiếm các chất hữu cơ, giá trị các thông số NH4+, Coliform, BOD, S2- thường vượt TCVN 5945 - 1995. Đây cũng chính là tình trạng ô nhiễm chung tại nhiều kênh, mương thoát nước thải của Thành phố.

Môi trường không khí: Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu của Thành phố là do hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, phương tiện giao thông phát sinh khí thải (SO2, NOx, CO2, CO, CXHy), bụi và tiếng ồn. Nhìn chung, giá trị các thông số đều thấp hơn TCVN 5937-1995, riêng tại điểm ngã tư chợ Vinh nồng độ bụi,

tiếng ồn thường xuyên vượt TCCP. Nồng độ bụi trong khu vực (dọc đường giao thông, chợ, làm đường, công trình xây dựng, gần các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng) có giá trị 0,19 - 0,36 mg/m3 (trung bình trong 24h) gấp 1-1,8 lần tiêu chuẩn cho phép; còn lại chưa bị ô nhiễm bụi, khí thải hay tiếng ồn

Nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường của Thành phố đó là quá trình đô thị hoá, phát triển kinh tế và sự gia tăng nhanh dân số... tạo ra nguồn rác thải, nước thải chưa qua xử lý; thải xuống sông, kênh rạch làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất và đời sống, việc làm của người dân thành phố vinh tỉnh nghệ an (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)