Tác động của đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất, đời sống và việc làm

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất và đời sống, việc làm của người dân thành phố vinh tỉnh nghệ an (Trang 33 - 36)

2.1.5.1. Tác động của quá trình đô thị hoá đến quản lý, sử dụng đất

Đô thị hóa làm gia tăng nhu cầu sử dụng đất ở và các loại đất khác ở khu vực đô thị. Điều này tạo lên áp lực đối với cơ quan Nhà nước trong công tác thu hồi đất, giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy hoạch sử dụng đất; đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giá đất; khiếu nại, tố cáo, tranh chất đất đai; đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Đất đai hiện nay đã được phân bổ cho các đối tượng sử dụng dù ở chế độ tư hữu hay sở hữu toàn dân như Việt Nam, do vậy để có đất phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đô thị hóa nói riêng, cần phải thực hiện trưng mua đất đai hay trưng thu hay thu hồi đất. Quá trình này cũng liên quan trực tiếp đến chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất; khiếu nại về đất đai. Việc xác định giá đất chưa phù hợp với giá thị trường đã dẫn đến việc bồi thường không thỏa đáng là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều khiếu nại về đất đai. Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất, chuyển hình thức sở hữu, sử dụng đất đai từ hoạt động giao đất, cho thuê đất, giao dịch quyền sử dụng đất cũng tác động đến công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, giá đất tăng đáng kể kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Đô thị hóa làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất là cần thiết cho quá trình đô thi hóa và phát triển kinh tế (Ramankutty & cs., 2002 . Đô thị hóa dù diễn ra dưới hình thức nào cũng đều dẫn đến sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng mở rộng không gian đô thị, tức phát triển đô thị theo chiều rộng làm cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng để chuyển chuyển đổi thành đất xây dựng nhà ở hoặc các loại đất đô thị khác. Việc mở rộng diện tích đất đô thị đã làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất và độ che phủ (Cheng & Masser, 2003; Haregeweyn & cs., 2012 ; Tian & cs., 2005).

2.1.5.2. Tác động của quá trình đô thị hoá đến đời sống, việc làm

Đô thị hóa tác động làm thay đổi nghề nghiệp: Một trong những hệ quả cơ bản của quá trình đô thị hóa là sự thay đổi cơ cấu thành phần kinh tế - xã hội và lực lượng sản xuất, thể hiện qua sự biến đổi, chuyển giao lao động xã hội từ khối kinh tế này sang khối kinh tế khác. Giăng Phuốc-rát-xti-ê (Jean Fourastiér), nhà xã hội học Pháp đã phân tích và đưa ra khái niệm về sự biến đổi của ba khu vực lao động trong các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa. Lao động khu vực I bao gồm lao động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Thành phần này chiếm tỷ lệ cao ở thời kỳ tiền công nghiệp và giảm dần vào các giai đoạn sau. Lao động khu vực II bao gồm lực lượng sản xuất công nghiệp, xây dựng, phát triển rất nhanh ở giai đoạn công nghiệp hóa, chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời kỳ hậu công nghiệp và sau đó giảm dần do sự thay thế trong lao động công nghiệp bằng tự động hóa. Lao động khu vực III bao gồm các thành phần lao động khoa học và dịch vụ. Các thành phần này từ chỗ chiếm tỷ lệ thấp nhất trong thời kỳ tiền công nghiệp đã tăng dần và cuối cùng chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời kỳ văn minh khoa học - kỹ thuật (hậu công nghiệp). Trên thế giới, lao động khu vực II được coi là đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 1950 với tỷ trọng là 45%. Theo dự kiến, vào năm 2100 tỷ trọng của các khu vực là: 10% cho khu vực I, 10% cho khu vực II và 80% cho khu vực III. Như vậy, theo xu thế chung, lực lượng lao động sẽ chuyển dần từ khu vực I sang khu vực II và khu vực III, đặc biệt là trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nguyễn Tố Lăng, 2021 . Đô thị hóa làm thay đổi cơ cấu kinh tế, môi trường sống và thu nhập, việc làm của nhiều người dân, trong đó có người dân bị thu hồi đất và nhất là người dân bị thu hồi đất nông nghiệp (Lưu Đức Hải, 2011; Vương Diện Phương & Lưu Chị Kiệt, 2014).

Đô thị hóa làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp của người nông dân bị mất đất nông nghiệp: Đây là thành phần chịu tác động mạnh mẽ nhất của hiện tượng đô thị hóa, vì trong điều kiện mới họ hoàn toàn không thể làm nghề nông như cũ. Họ phải đương đầu với một sự chuyển đổi về nghề nghiệp mà chưa được chuẩn bị trước. Việc tìm được nghề mới tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới, trình độ văn hóa, tâm lý, gia đình, chính quyền địa phương Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, những khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh thì sự dịch chuyển nghề nghiệp của người lao động đa dạng hơn. Trong đó, những địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao sẽ làm giảm nhanh tỷ lệ người làm nông nghiệp, tăng nhanh những

người làm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ (Tương Lai, 1995 . Hơn nữa, trong quá trình đô thị hóa thì những cá nhân nào có vốn xã hội tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc nắm bắt các cơ may mà thị trường mang lại, nhất là trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và tăng thu nhập. Ngược lại, những cá nhân nào học vấn thấp, trình độ tay nghề không có thì khả năng chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ thiếu việc làm, hoặc phải làm những công việc nặng nhọc nhưng thu nhập lại thấp (Văn Thị Ngọc Lan, 2009 .

Quá trình đô thị hóa tạo ra những biến đổi mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân. Những biến đổi có thể khác nhau đối với các nhóm xã hội và diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như: Sử dụng đất, kiến trúc nhà cửa, quy mô và cơ cấu dân số, lao động và việc làm, sức khỏe và môi trường, biến đổi lối sống và phong tục tập quán. Tóm lại, quá trình đô thị hóa đã tạo ra sự thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân (Trịnh Duy Luân & Nguyễn Duy Thắng, 2009 . Bên cạnh đó, đô thị hóa tác động mạnh mẽ đến sự phân tầng về mức sống. Quá trình đô thị hóa một mặt đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho các nhóm dân cư, mặt khác nó cũng có thể làm tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư. Những gia đình nào có điều kiện thuận lợi thì dễ dàng nắm bắt được cơ hội thị trường, còn những hộ nào không có điều kiện sẽ có nguy cơ rơi vào nhóm nghèo của xã hội (Tương Lai, 1995 . Trong xã hội nông thôn, có người giàu, người nghèo, người có đất nông nghiệp, người làm mướn… Sự thích nghi với thay đổi do đô thị hóa đem đến sự chuyển đổi nghề nghiệp cũng tùy thuộc rất nhiều vào các điều kiện vật chất hay mức sống. Những gia đnh khá giả hoặc giàu có vùng nông thôn có điều kiện cho con cái học lên cao trên mức trung bình của nông thôn. Do đó, dù bản thân họ khó chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng con cái của họ lại có điều kiện thuận lợi hơn. Những người nghèo, người làm ruộng mướn thì cơ hội cũng khó khăn không kém người lớn tuổi.

Đô thị hóa tác động đến lối sống đô thị: Lối sống bao gồm những điều kiện và hình thức hoạt động sống của con người đặc trưng cho xã hội, giai cấp và tầng lớp. Quá trình chuyển đổi từ lối sống nông thôn sang lối sống đô thị diễn ra phổ biến tại tất cả các nước. Quá trình này bao gồm hai hình thức: (i) Quá trình chuyển đổi sang lối sống đô thị của những người nhập cư từ nông thôn đến; (ii) Quá trình mở rộng ảnh hưởng của lối sống đô thị tại các vùng nông thôn. Văn hóa và lối sống đô thị, xét về mặt lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự tiến bộ của văn minh công nghiệp. Lối sống đô thị có những đặc điểm nhất định. Đó là dân cư đô thị có thể dễ dàng thay đổi môi trường làm việc và nơi

ở do tính chất sản xuất công nghiệp; có nhu cầu giao tiếp cao, có sự giao tiếp đa dạng và phức tạp hơn so với dân cư nông thôn. Lối sống đô thị phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ công cộng và yêu cầu ngày càng cao của người dân. Nhu cầu văn hóa, giáo dục của người dân đô thị ngày càng tăng. Do đô thị có nhiều cơ quan khoa học, trường đại học, thư viện và những phương tiện thông tin - văn hóa khác nên người dân đô thị có điều kiện nâng cao trình độ, phát huy năng lực sáng tạo và phát triển toàn diện. Người dân đô thị sử dụng thời gian tự do rất đa dạng vào việc học thêm để nâng cao trình độ, giải trí, nghỉ ngơi, luyện tập sức khỏe và làm nghề phụ cho gia đình. Họ dễ lựa chọn những công việc thích hợp hơn và có hiệu quả hơn cho thời gian tự do để phát triển con người toàn diện. Lối sống đô thị thay đổi đã làm thay đổi điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức của một bộ phận người dân đô thị; lối sống đô thị tại các nước đang phát triển dẫn đến sự phân hóa giàu - nghèo, gia tăng cách biệt về đời sống giữa đô thị và nông thôn (Nguyễn Tố Lăng, 2021 .

2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ TÁC ĐỘNG ĐÔ THỊ HÓA ĐẾN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT VÀ ĐỜI SỐNG VIỆC LÀM

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất và đời sống, việc làm của người dân thành phố vinh tỉnh nghệ an (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)