Thực trạng quá trình đô thị hóa thành phố vinh

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất và đời sống, việc làm của người dân thành phố vinh tỉnh nghệ an (Trang 82 - 86)

Trong suốt 8 thập kỷ tồn tại và phát triển dưới chế độ phong kiến (1804 - 1884 vùng đất Vĩnh Yên và Yên Trường (tức Vinh ngày nay) thực sự trở thành một trung tâm đô thị có nhiều nét tương đồng với các trung tâm đô thị khác ở vương quốc Đại Nam thời bấy giờ. Trong đó, yếu tố “địa chính trị, quân sự” lấn át yếu tố “địa đô thị”. Cả hai yếu tố “thành” và “thị” song song tồn tại, nhưng yếu tố “thành” luôn lấn át yếu tố “thị” mà biểu hiện rõ nét là ở Vinh thời bấy giờ hoàn toàn chưa xuất hiện các phố thị theo đúng nghĩa của nó. Trấn thành, tỉnh thành Nghệ An bị hệ thống làng xã mà cơ sở tồn tại của nó là nền kinh tế tiểu nông truyền thống mang tính tự cung tự cấp, kéo dài từ Quỳnh Lưu ở phía Bắc đến Kỳ Anh ở phía Nam bao quanh. Trên vùng đất này cũng không hình thành các cơ sở sản xuất hàng hóa quy mô lớn tập trung, có thể sản xuất ra nhiều loại hàng hóa có giá trị mà ở các làng quanh thành Nghệ An như: làng Yên Dũng, làng Vang, làng Yên Vĩnh, Yên Giang,… chỉ có một số hộ gia đình làm nghề đan lát, dệt chiếu, bện chổi đót, làm nón lá, làm tơi,… số sản phẩm tạo ra không nhiều, chưa thật sự trở thành những mặt hàng nổi tiếng. Chợ Vinh chỉ là trung tâm buôn bán trao đổi mang nhiều nét truyền thống như bao chợ khác ở nước ta thời bấy giờ. Tại đây, không hình thành một tầng lớp thương nhân theo đúng nghĩa của nó. Do đó, trong suốt 8 thập kỷ tồn tại dưới chế độ phong kiến, đô thị Vinh không có tác động lớn về mặt kinh tế đối với kinh tế Nghệ An, Hà Tĩnh. Vinh chỉ là trung tâm đào tạo, tuyển chọn nhân tài thông qua các kỳ thi hương mà nhà nước tổ chức, góp phần tô đậm truyền thống giáo dục khoa cử của cộng đồng cư dân xứ Nghệ và cũng là nơi để bộ máy quan lại thực thi vương pháp, vương quyền khi họ được triều đình Huế cất nhắc bổ dụng ra làm quan tại đây.

Ngày 12/7/1899, Vua Thành Thái ra Đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Vinh cùng với các đô thị khác là Thanh Hóa, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết. Ngày 11/3/1914, Vua Duy Tân ra Đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Bến Thủy. Ngày 27/8/1917, Vua Khải Định ra Đạo dụ thành lập trung tâm đô thị Trường Thi. Ngày 10/12/1927, Toàn Quyền Đông Dương cho thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy trên cơ sở sát nhập 3 trung tâm đô thị là Vinh, Trường Thi, Bến Thủy. Vinh được phân chia thành 10 khu phố, được đặt tên từ phố Đệ Nhất đến phố Đệ Thập. Với diện tích khoảng 20 km2, dân số khoảng 2 vạn người (Nguyễn Quang Hồng, 2003).

Ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra sắc lệnh số 11, Vinh - Bến Thuỷ (cùng với các thành phố: Nam Định, Huế và Đà Nẵng được “tạm coi như là thị xã”. Đơn vị hành chính thay đổi, từ 10 phố sát nhập lại thành 5 khu phố: từ Khu Phố I đến Khu Phố V, địa giới hành chính hầu như không thay đổi. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, thị xã Vinh - Bến Thuỷ được tổ chức lại địa giới hành chính theo 3 khu vực: Khu vực I, Khu Vục II và Khu vực III, với các đơn vị trực thuộc gồm các chòm, dân số thị xã khoảng 9.500 người. Năm 1955, thị xã Vinh - Bến Thuỷ được mở rộng thêm 3 xã của huyện Hưng Nguyên, đưa tổng diện tích thị xã lên 26 km². Đơn vị hành chính được lập lại gồm 5 tiểu khu và 5 xã ngoại thị. Ngày 28/12/1961, Bộ chính trị có Nghị quyết số 31, xây dựng Vinh trở thành một trong 5 khu công nghiệp lớn của miền Bắc và nâng cấp Vinh lên thành phố. Ngày 10/10/1963, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/CP thành lập thành phố Vinh. Ngày 26/12/1970, Chính phủ ban hành quyết định cắt các xã Hưng Đông, Hưng Lộc, Hưng Vĩnh, Hưng Hòa, một phần đất ở phía bắc Cầu Đước của xã Hưng Chính huyện Hưng Nguyên và xã Nghi Phú, huyện Nghi Lộc sát nhập vào thành phố Vinh, diện tích thành phố Vinh được mở rộng thành 67,5 km2. Năm 1974, với sự giúp đỡ của Cộng Hòa dân chủ Đức, Vinh được quy hoạch, xây dựng lại gần như mới hoàn toàn.

Ngày 30/9/2005, Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị trung tâm ở Bắc Trung bộ. Đến ngày 5 tháng 9 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1210/QĐTTg, công nhận Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An. Thành phố Vinh có 25 đơn vị hành chính xã, phường, trong đó có 16 phường là: Lê Mao, Lê Lợi, Hà Huy Tập, Đội Cung, Quang Trung, Cửa Nam, Trường Thi, Hồng Sơn, Trung Đô, Bến Thủy, Đông Vĩnh, Hưng Bình, Hưng Phúc, Hưng Dũng, Vinh Tân, Quán Bàu và 9 xã là: Hưng Đông, Hưng Lộc, Hưng Hòa, Hưng Chính, Nghi Phú, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Đức.

Không gian đô thị Vinh đã mở rộng hơn nhiều theo cả hai trục: Đông - Tây và Bắc - Nam, đó là chưa kể thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai được xem như là những đô thị vệ tinh của thành phố Vinh. Theo điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của thành phố Vinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015, ranh giới thành phố Vinh được mở rộng bao gồm cả một phần của huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc và toàn bộ thị xã Cửa Lò, với tổng diện tích là 250 km2.

Sự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ trong suốt gần 4 thập kỷ qua đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho đô thị Vinh phát triển nhanh chóng bền vững trong xu thế hội nhập vào khu vực và thế giới ngày nay. Ngoài trường Đại học Vinh có tới 35.000 học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh theo học hàng năm, trên địa bàn thành phố Vinh còn có trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, trường Đại học Y Nghệ An, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, trường Cao đẳng Việt - Hàn… Vinh đã và đang từng bước trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn lực lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Trải qua hơn 205 năm hình thành và phát triển (1804 - 2020), từ chức năng là một trấn thành của trấn Nghệ An, một đô thị dưới thời quân chủ, Vinh trở thành một thành phố công nghiệp, một đầu mối giao thông (đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không liên hoàn ,… một trung tâm buôn bán thương mại lớn và là nơi giao lưu của nhiều vùng văn hóa trong cả nước và rộng hơn là cả khu vực. Dấu ấn của đô thị Vinh thời Nguyễn, thị xã Vinh, Bến Thủy, Trường Thi, thành phố Vinh - Bến Thủy thời thuộc Pháp và cả những công trình xây dựng do các chuyên gia, kỹ sư đến từ Cộng hòa dân chủ Đức để lại trong những năm 70 - 80 của thế kỷ trước đã và đang đồng hành trên bước đường phát triển hội nhập của thành phố Vinh ngày hôm nay.

Đến nay, thành phố Vinh được xem là trung tâm vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Thành phố Vinh có 25 đơn vị hành chính xã, phường, trong đó có 16 phường và 9 xã với diện tích tự nhiên toàn thành phố từ 67,53 km2 tăng lên đến 104,96 km2 (tăng 1,6 lần từ năm 2008 đến 2019 , trong đó diện tích đô thị khoảng 36 km2. Dân số của thành phố năm 2019 là 317.643 người, trong đó dân số đô thị là 216.965 người (chiếm 68,3 tổng số dân và dân số nông thôn là 100.678 người (chiếm 31,7%). Sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, dịch vụ tăng nhanh nên hàng năm thành phố đã đóng góp khoảng 33,52% tổng thu ngân sách của tỉnh Nghệ An; thu nội địa năm 2019 đạt 2.327,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng năm 2019 so với năm 2016 đạt 13,55 %, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2019 đạt 12124,12 tỷ đồng (UBND thành phố Vinh, 2020).

Thành phố Vinh có tỷ lệ đô thị hóa tăng gần gấp 2 lần (từ 37,21% lên 68,30%), tốc độ đô thị hóa nhanh (102,94 trong giai đoạn 2008-2019 (bảng 4.2). Dân số đô thị tăng chủ yếu là tăng cơ học (65,32%), còn lại là tăng tự nhiên (34,68%). Không gian đô thị Vinh đã mở rộng hơn nhiều theo cả hai trục: Đông - Tây và Bắc - Nam của Thành phố.

Bảng 4.2. Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa thành phố Vinh giai đoạn 2008-2019 Năm Tổng dân số của thành phố Tổng dân số của các phường Tỷ lệ đô thị hóa Tốc độ đô thị hóa (người) (người) (%) (%) 2008 287.319 106.913 37,21 102,94 2009 303.821 212.177 69,83 2010 305.846 208.133 68,05 2011 309.045 209.163 67,68 2012 311.946 209.888 67,28 2013 313.540 210.992 67,29 2014 314.351 211.478 67,27 2015 315.424 211.810 67,15 2016 317.644 212.840 67,00 2017 316.568 213.854 67,55 2018 317.725 214.453 67,50 2019 317.643 216.965 68,30

Nguồn: UBND thành phố Vinh (2020) Số liệu bảng 4.2 cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa thành phố Vinh năm 2009 tăng đột biến so với năm 2008, từ 37,21 năm 2008 tăng lên 69,83 năm 2009. Nguyên nhân là do năm 2008, Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc để mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh; thành lập phường Vinh Tân thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo Nghị định số 45/2008/NĐ-CP ngày 17/4/ 2008 (Chính phủ, 2008 . Trên địa bàn thành phố Vinh đã và đang triển khai nhiều dự án xây dựng khu đô thị mới; khu tái định cư; khu, cụm công nghiệp; các công trình công cộng nhằm tạo bộ mặt mới cho đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, thành phố Vinh nội thị bao gồm 16 phường, diện tích đất đô thị là 3.521,66 ha, chiếm 33,55% tổng diện tích tự nhiên. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhanh như giao thông, điện lực, cấp thoát nước, thương mại, bưu chính - viễn thông, dịch vụ, du lịch, nhà

hàng, khách sạn, thể thao - văn hoá... Đối với đất ở, hiện nay thành phố có một số khu tập thể cũ, trong những năm qua những khu nhà này đã và đang được đầu tư cải tạo nên đã cải thiện được một phần về mặt hạ tầng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã xây dựng được một số khu đô thị mới mang dáng dấp của các khu đô thị hiện đại, phù hợp với kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa đến quản lý, sử dụng đất và đời sống, việc làm của người dân thành phố vinh tỉnh nghệ an (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)