6. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Quan niệm về nhà thơ
Quan niệm về nhà thơ thường gắn liền với hình ảnh của tác giả trong những sáng tác của họ. Như nhà thơ Đức I.W. Gớt nhận xét: “Mỗi nhà văn bất kể muốn hay không đều miêu tả chính mình trong tác phẩm một cách đặc biệt. Có nghĩa là nhà văn biểu hiện cảm nhận của mình về thế giới, cách suy nghĩ của mình về ngôn ngữ, cách diễn đạt của mình, cảm nhận đó trở thành trung tâm tổ chức của tác phẩm, tạo thành sự thống nhất nội tại của tác phẩm” [6, tr.55].
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Hình ảnh tác giả là phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội và vai trò văn học của mình trong tác phẩm… Cơ sở tâm lý của hình ảnh tác giả là hình ảnh cái tôi trong nhân cách mỗi người thể hiện trong giao tiếp. Cơ sở nghệ thuật của hình ảnh tác giả trong văn học là tính chất gián tiếp của văn bản nghệ thuật. Văn bản của tác phẩm bao giờ cũng là lời của người trần thuật, người kể chuyện hoặc nhân vật trữ tình. Nhà văn xây dựng một văn bản đồng thời với việc xây dựng ra hình ảnh người phát ngôn văn bản ấy với một giọng điệu nhất định” [13, tr.124].
Ngay sau khi ra mắt tập thơ đầu tay Con chim thiêng vẫn bay (1991), Đỗ Trọng Khơi đã khẳng định tài năng và phong cách nghệ thuật độc đáo riêng. Cho đến nay, ông đã cho in 16 tác phẩm trong đó có 12 tập thơ cùng nhiều giải thưởng văn học như một gia tài quý giá mang tầm vóc của một nghệ sĩ lớn. Với những thành tựu to lớn đã đạt được như một mốc son đánh dấu cả một chặng đường dài đầy gian nan thử thách mà nhà thơ đã dâng hiến thơ cho cõi thiêng, thơ như mang lấy nghiệp vào thân để nở rộ những tác phẩm. Có lẽ chính vì thế nên khi xuất hiện, những “đứa con tinh thần” của ông luôn có sự tác động mạnh mẽ đến cảm quan người đọc về cuộc sống, con người. Mỗi nhà văn có một quan điểm sáng tác riêng và điều đó làm nên phong cách văn chương của họ. Còn với Đỗ Trọng Khơi, ông luôn quan niệm: “Nghệ thuật thơ là nghệ thuật của vẻ đẹp
ngôn từ. Vì vậy, giá trị thẩm mỹ cần được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, vấn đề, sự kiện, tinh thần của cộng đồng, thời đại cũng là yêu cầu thể hiện, cần một sức tải lớn, dung chứa lớn của thơ. Kiệt tác "Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" - Truyện Kiều - là một minh chứng cho lý lẽ đó. Tôi nghĩ, thể hiện được sâu sắc cảm xúc và tinh thần thời đại mình đang sống mà sức bút mình có thể dung nạp được vào tác phẩm, và lấy cơ sở nền tảng từ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Đông phương, hoặc một cơ sở triết học nào đó để mở mang ý tưởng, xây dựng hình ảnh cũng như qua đó tạo lập lấy phong cách, thi pháp cho nghệ thuật văn chương của mình, luôn là khát vọng cần đạt tới được của mỗi cây bút. "Đã mang lấy nghiệp vào thân", tôi cũng thầm mang khát vọng vậy khi sáng tác. Đạt tới phần nào giá trị đó chưa, điều này quả tôi chưa nhiều tự tin” [36].
Nhận xét về con người, số phận và phong cách thơ Đỗ Trọng Khơi, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Đỗ Trọng Khơi là một nhà thơ đặc biệt, thất học, mồ côi và bị tật nguyền từ bé nhưng bằng nghị lực, anh vượt lên số phận để sống, để cống hiến và đóng góp cho nền văn học nước nhà. Những vần thơ của anh luôn chứa đầy tính nhân sinh quan, là sự chiêm nghiệm về những gì thân thuộc, gần gũi quanh ta, là nét chấm phá rất riêng về phong cách nghệ thuật…” [17].
Nói đến phong cách nhà thơ là nói đến một loại “thước đo nghệ thuật” (Kharapchenkô), bởi “người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Chính cái mới, cái riêng biệt đó làm cho cuộc sống luôn phong phú, lạ lùng và hấp dẫn” [11, tr.24]. “Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo ra được tiếng nói riêng, thì đó là một sự tự sát trong văn học, một lĩnh vực tối kị sự nhại lại ngay cả đối với những chân lý quan trọng” [11, tr.236]. Có thể nói, đứng ở góc độ lý luận văn học, vấn đề cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp của mỗi nhà văn. Theo Chế Lan Viên, nhà thơ là một người có tư duy lý luận sắc sảo phải có ý thức rất lớn về vấn đề này. Chế Lan Viên cho rằng nhà thơ phải là người “không nhại lại”, phải có “cái tạng riêng”, có “cách sút bóng riêng” trong “Cái sân cỏ Trang Thơ nghìn thuở giống nhau” (Đá bóng).
Trong “Nỗi buồn, như một tiêu chí thẩm mỹ trong thơ Đỗ Trọng Khơi”, Khánh Phương viết: “Thơ Đỗ Trọng Khơi thiên về giãi bày, bộc bạch để sẻ chia hơn là chất vấn, tìm tòi, nổi loạn…Nhà thơ dễ dàng để cảm xúc tuôn chảy, lấn át và trở thành năng lượng chủ đạo của bài thơ, phương thức này có phần chiếm ưu thế hơn là tưởng tượng, hay xây dựng những cấu trúc ngôn ngữ mới tương ứng với những chiều sâu khác nhau của tâm thức” [18, tr.91].
Thơ như một cái duyên tìm đến với người nghệ sĩ và đơn giản thơ là tiếng nói tâm hồn đầy khao khát hướng tới thế giới, hướng tới đời sống tâm hồn qua hình thức thể hiện và sáng tạo của nghệ thuật. Sáng tạo luôn đồng hành với việc không ngừng nghỉ trong sáng tác. Mỗi đứa con tinh thần ra đời tồn tại độc lập với những sản phẩm sau đó. Xã hội ngày càng thay đổi, phát triển kéo theo quan niệm, thị hiếu thẩm mỹ của con người cũng thay đổi, điều đó đòi hỏi nhà thơ luôn có ý thức tìm tòi và đổi mới. Trách nhiệm của mỗi nhà thơ phải khám phá cho được không gian nghệ thuật của chính mình, nếu thực sự muốn tồn tại trong không gian mới của thời đại.
Xuất phát từ những quan niệm nói trên, Đỗ trọng khơi đã có những cách tân về nghệ thuật để tạo nên một phong cách rất riêng của mình. Chính cách tân và khát vọng nghệ thuật của người cầm bút khiến những tác phẩm của Đỗ Trọng Khơi vẫn mang một hương sắc khác biệt, không hòa lẫn trong một vườn thơ rực rỡ sắc màu đương đại. Tuy nhiên, với Đỗ Trọng Khơi, sáng tạo, cách tân không đồng nghĩa với việc cắt đứt với thơ ca truyền thống. Cách tân là tiếp thu cái truyền thống đồng thời làm mới để tạo nên nét hiện đại cho truyền thống. Ông quan niệm học hỏi và sáng tạo chứ không phải bắt chước máy móc. Sáng tạo luôn đòi hỏi tài năng và bản lĩnh. Là một nhà thơ nghiêm túc, trách nhiệm với nghề ông đã chứng tỏ cho người đọc thấy sức sáng tạo dồi dào và năng lực của ngòi bút mình. Bằng những trải nghiệm trong sáng tác ông đã cho thấy tâm hồn nghệ sĩ ngấm vào da thịt mình.
Tiểu kết chƣơng 1
Tóm lại, thế giới nghệ thuật là một khái niệm rộng bao gồm các yếu tố tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật trong thơ trữ tình là thế giới ngôn từ được nhà thơ sử dụng đầy sáng tạo nhằm phản ánh hiện thực cuộc sống và tâm hồn mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Với hơn 30 năm cầm bút, Đỗ Trọng Khơi đã để lại một khối lượng tác phẩm lớn có giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật. Thơ ông thể hiện khát vọng khám phá thế giới qua cảm xúc và khát vọng sống mãnh liệt cùng với chiều sâu chiêm nghiệm mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc. Dù mang trong mình nỗi đau đớn bệnh tật, sự giới hạn về cuộc sống, nhưng những trang thơ của Đỗ Trọng Khơi vẫn say lòng người đọc, tạo sức lan truyền cảm xúc mạnh mẽ…, làm nên tên tuổi và chỗ đứng vững chắc của nhà thơ trong thơ Việt Nam đương đại.
Chƣơng 2.
THẾ GIỚI HÌNH ẢNH TRONG THƠ ĐỖ TRỌNG KHƠI
Trong các bộ môn nghệ thuật, tính hình ảnh là đặc trưng cơ bản, được tạo nên từ những chất liệu mang đặc thù riêng, là yếu tố trung tâm của chỉnh thể. Trong thơ trữ tình, tính hình ảnh trong thơ là chi tiết nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc mà nhà văn lựa chọn, tinh luyện từ lớp ngôn từ đời thường để đạt đến trình độ thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có sức chứa lớn về giá trị nội dung tư tưởng sâu sắc, thể hiện quan điểm sáng tác và cách đánh giá nhìn nhận thế giới riêng của nhà thơ. Tính hình ảnh không trực tiếp hiện lên trong câu chữ mà nó chỉ có thể được rút ra qua ngôn từ gợi tả của lời thơ, qua trí tưởng tượng của người đọc để hình dung các bức tranh thế giới với hình khối, đường nét, với màu sắc và âm thanh sống động ẩn sau lớp nghĩa của ngôn từ. Trong luận văn này, chúng tôi khám phá thế giới hình ảnh trong thơ Đỗ Trọng Khơi qua hình ảnh cái tôi trữ tình, hình ảnh người tình, hình ảnh thế giới.