6. Cấu trúc luận văn
2.1. Hình ảnh cái tôi trữ tình
Cái tôi tồn tại như một cá thể độc lập với các cá thể khác và thế giới tự nhiên. Cái tôi là yếu tố để hình thành nên chủ thể, là cơ sở tạo dựng các mối quan hệ tích cực với thế giới và khẳng định cái riêng biệt với thế giới. Nhấn mạnh cái tôi cá nhân trong mối quan hệ phức tạp mà thống nhất với thế giới. Theo Lê Lưu Oanh: “Cái tôi trữ tình là một giá trị cụ thể của cái tôi nghệ thuật. Trữ tính là sự trình bày trực tiếp cái tôi nghệ thuật ấy. Cái tôi trữ tình là thế giới chủ quan, thế giới tinh thần của con người được thể hiện trong tác phẩm trữ tình bằng các phương tiện của thơ trữ tình” [27]. Cái tôi trữ tình chia theo nội dung có nhiều dạng thức: “Cái tôi – sử thi; Cái tôi – thế sự; Cái tôi – đời tư…” [27, tr.93]. Cái tôi trữ tình mang bản chất chủ quan, cá nhân; bản chất xã hội, nhân loại; bản chất nghệ thuật, thẩm mỹ… Xét về nội dung, cái tôi trữ tình không chỉ là tiếng nói của cá nhân mà còn mang bản sắc, dấu ấn của thời đại, xã hội, văn hóa hướng tới vẻ đẹp toàn diện của Chân - Thiện - Mĩ. Xét về hình thức, cái tôi
trữ tình luôn tồn tại trong một hình thức cụ thể, nhằm thể hiện thế giới chủ quan của nhà thơ thông qua phương tiện ngôn ngữ mang tính nghệ thuật, khiến nhà thơ đồng nhất với cái tôi trữ tình.
Đỗ Trọng Khơi có cuộc đời bất hạnh, số phận trớ trêu, bệnh tật cợt nhả đã làm cho một tâm hồn đầy cảm xúc và khát vọng có sự đan xen hài hòa những nét tâm trạng tưởng chừng như đối lập nhau nhưng cũng thống nhất giữa các khoảng sáng – tối, được - mất, hư - thực, đắm say - cô độc… tạo nên một phong cách rất riêng của một cái tôi trữ tình lắng đọng. Đến với thơ Đỗ Trọng Khơi, người đọc như đi đến tận cùng của cảm xúc hân hoan say đắm cũng như sự cô đơn. Mỗi một vần thơ của ông dường như đều ẩn chứa khát vọng sống mãnh liệt để gắng gượng vượt lên sự cô đơn sâu thẳm trong tim. Phải chăng thơ Đỗ Trọng khơi là sự chắt lọc, thăng hoa từ nỗi đày đọa của số phận, cuộc đời hay sự thăng hoa từ khát vọng sống mãnh liệt? Có lẽ với ông thơ là sự dung hòa của hai bờ cảm xúc nhân gian: Hiện thực phũ phàng và khát vọng sống mãnh liệt là chất liệu để làm nên hồn thơ.