Ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ đỗ trọng khơi (Trang 75 - 76)

6. Cấu trúc luận văn

3.1. Ngôn ngữ nghệ thuật

Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình tìm kiếm không mệt mỏi để tâm hồn in dấu vào câu chữ, đặc biệt là đối với thơ vì “thơ là nghệ thuật lấy ngôn từ làm cứu cánh” (Jakobson) và “chữ bầu lên nhà thơ” (Etmong Fabex). Chính vì vậy, “Mã số của thơ chỉ có thể cất dấu trong và bằng ngôn ngữ” (Đỗ Lai Thúy). Từ xưa đến nay, các thi nhân bao giờ cũng dụng công để tìm những chữ “ba năm mới được, ngàn năm mới xong” (Cư Trinh). Các chữ ấy chính là ngôn từ nghệ thuật. Ngôn từ nghệ thuật rất phong phú. Nó là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sỹ và là một trong những yếu tố quan trọng để thể hiện cá tính sáng tạo, tài năng và phong cách của nhà văn. Đỗ Trọng Khơi đã từng viết: “Nói đến thơ, trước hết là nói đến nghệ thuật sử dụng chữ. Tác giả thơ muốn tạo một hệ chữ riêng, nghĩa là phép lập hình vận nhịp của chữ trong kết cấu, trình bày thì cần rất nhiều khổ luyện, sáng tạo mới mong có được. Dĩ nhiên chữ không rời nghĩa. Chữ thơ là chữ có trọng lực, nội lực nhất. Chữ thơ khi giàu tính ý tưởng, biểu tượng, đa thanh là chữ có khí, đồng nghĩa chữ sống. Chữ thơ cũng như nhà thơ cần đắc khí mới tồn tại và lớn lên được. Dứt khí thì chết. Chữ thơ vô khí là vô lực, trơ lì, bẹp dí. Chữ muốn thụ khí trước hết phải đạt tinh – khí rồi mới vọng tưởng tới bậc thần chữ được” [3, tr.7].

Với Đỗ Trọng Khơi, ông rất nghiêm túc trong quan niệm sáng tạo nghệ thuật: “Thơ lấy chí, tình làm cương vực, lấy thần cảm làm khí huyết. Tác giả khi có được một hệ chữ riêng là xác lập được cương vực độc hữu, bất khả xâm hại” [3,tr.9]. Ông là một phu chữ cần mẫn, chăm chỉ. Bằng con đường tự học, tự sáng tạo, ông không chịu sáo mòn theo lối cũ, không chấp nhận những gì nông cạn, xơ cứng. Ở phương diện ngôn ngữ, tài năng của nhà thơ không phải chỉ thể hiện ở sự dung hợp nhiều phương tiện ngôn ngữ thuộc nhiều phong cách chức năng

khác nhau, mà quan trọng hơn là nhà thơ phải tái tạo ngôn ngữ để cống hiến thêm vào cho biểu tượng của người đọc một sự thật mới, một hiện thực mới qua một ngôn từ nghệ thuật mới có sức biểu hiện cao. Để tái tạo lại ngôn ngữ, tùy theo hoàn cảnh sáng tác, sở thích, đặc điểm tâm lý… mỗi nhà thơ thường chọn những phương thức nhất định trong hành trình sáng tạo của mình. Lựa chọn và sử dụng từ ngữ là công việc cần thiết, mang tính đặc trưng của người làm thơ. Từ ngữ phải dùng đúng thanh, đúng nghĩa, vừa có tính sáng tạo vừa có tính biểu hiện. Dùng từ độc đáo, sáng tạo, có nghệ thuật và hình ảnh sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của thi phẩm. Từ ngữ chính xác là con mắt, là ánh sáng đưa ta xâm nhập vào thế giới cái đẹp của thơ ca. Có được chìa khóa để vượt qua cánh cửa từ ngữ, người đọc sẽ bước vào và sống với vũ trụ huyền ảo của thơ.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ đỗ trọng khơi (Trang 75 - 76)