Ngôn ngữ giàu biểu tượng

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ đỗ trọng khơi (Trang 76 - 82)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Ngôn ngữ giàu biểu tượng

Ngôn ngữ trong thơ Đỗ Trọng Khơi giàu tính nghệ thuật, tạo cho thơ có được sự hàm súc và có tính gợi hình, gợi tả. Trong thơ Đỗ Trọng Khơi, tính nghệ thuật được thể hiện linh hoạt, phong phú đa dạng về thiên nhiên, quê hương đất nước, cái tôi cá nhân, thế sự, tình cảm cao đẹp… Chỉ khảo sát riêng 232 bài thơ trong tập Thơ tuyển, chúng ta có kết quả về các hình ảnh mang tính biểu tượng như sau:

STT Ngôn ngữ biểu tượng Số bài Tỉ lệ (%) Xếp theo thứ tự

1 Thiên nhiên 69 29,74 1

2 Ánh trăng 38 16,38 2

3 Quê hương Thái bình 32 13,79 3

4 Thế sự 19 8,19 5

5 Chữ Tôi, chữ Ta 15 6,47 6

6 Ngôn ngữ thiền 24 10,35 4

Tổng 197 84,92%

Thiên nhiên không chỉ là đề tài, nguồn cảm hứng mà còn là biểu tượng cao đẹp trong sáng tác thơ văn. Thơ là bản giao hưởng của tâm hồn trong mối giao hòa của thiên nhiên đất trời. Hình ảnh thiên nhiên xuất hiện phổ biến trong sáng

tác của ông ở nhiều phương diện (gió, mây, sương, tuyết,…) và cả ở màu sắc, âm thanh. Những hình ảnh quen thuộc của trời đất, vũ trụ. Hình ảnh thiên nhiên đi vào thơ Đỗ Trọng Khơi một cách tự nhiên, cảm xúc và mang ý nghĩa biểu tượng rõ rệt trong mối giao hòa đến tuyệt diệu. Mỗi một biểu tượng được gợi ra trong thơ đều mang một sức chứa lớn về nội dung biểu đạt. Thiên nhiên vừa tồn tại như thực thể vốn có của nó, lại vừa như một quy luật tồn tại của cuộc sống, mang số phận con người, lòng khao khát sống mãnh liệt.

Biểu tượng thiên nhiên ẩn trú trong thơ Đỗ Trọng Khơi vô cùng phong phú, đa dạng, có lúc nó mạnh mẽ quyết liệt như ánh dương mang sắc màu của cuộc sống vô biên. Biết bao cung bậc nắng, sắc màu nắng, hình thái nắng,… Bốn mùa của đất trời, mùa nào chẳng có nắng, mùa xuân nắng ấm dịu dàng, thanh khiết còn vương vấn chút lạnh lẽo, chút rét mướt. Nắng hè mới thực sự là nắng bùng lên dữ dội như thể đã bị kìm nén, tù túng bao ngày, cái nắng ngày đông nhuốm lạnh, trong sự chuyển vần của vũ trụ thì cái nắng thu là ấn tượng hơn cả, nắng của mùa thu chứa chan hoài niệm. Ngay trong buổi hoàng hôn lụi tàn sắc nắng thu vẫn rất ấm áp và chan hòa: “Nắng tàn hơi ấm còn vương”; “Mỏng manh mỏng mảnh nắng vương - óc trời nắng gió rung chuông tơi bời”; “nắng đựng vào chiếc áo lờ mờ sương”…, ánh nắng chiều làm nên cái ám ảnh về thân phận con người mỏng manh như sương khói.

Biểu tượng thiên nhiên trong thơ Đỗ Trọng Khơi không chỉ phong phú đa dạng mà còn tạo thành những hình ảnh mang tính đối xứng hài hòa. Nếu như ánh dương là biểu tượng mang sức sống mãnh liệt thì giọt sương mong manh lại là biểu tượng của cuộc đời, số phận bé nhỏ của nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh giọt sương xuất hiện khá phổ biến trong thơ ông, tạo thành mối lương duyên tuyệt diệu giữa hồn người và đất trời. Trong sắc nắng ban mai, giọt sương chỉ còn vương trên cành lá, tồn tại nhỏ bé nhưng tinh khôi đầy kiêu hãnh: “Chân sương chớp một cánh cò”; “Chân sương gót ngập gót ngừng”; “Thương chiều khói tiếc đêm sương”… Nó mang biểu tượng cho đời người ngắn ngủi vô thường như những giọt sương. Hơn nữa, giọt sương trong trẻo còn thể hiện khát vọng

sống cao đẹp của thi sỹ: dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn trở ngại hãy luôn sống có ý nghĩa để mãi là những giọt sương trong mát cho đời, là những người hữu ích. Mong manh như những giọt sương nhưng nhiều khi một giọt sương mong manh như thế còn có ý nghĩa với con người ta hơn là một hồ nước mênh mang. Một hồ nước mênh mang đến như chứa được cả một bầu trời thì một giọt sương mong manh cũng chứa được cả một đời người. Và có khi còn hơn thế nữa… Những hồ nước cho người ta những cái ám ảnh bởi sự mênh mang, vô tận của nó, còn những giọt sương cho người ta những ám ảnh ngay cả khi chúng không còn tồn tại… Đỗ Trọng Khơi luôn biết chắt lọc những gì là bé nhỏ nhất để khai thác chiều sâu của cuộc sống mang ý nghĩa cao đẹp của đời người. Đọc thơ Đỗ Trọng Khơi, người đọc sẽ mãi còn vương vấn về những giọt sương và biết trân quý hơn cuộc sống cho dù đó là những điều bé nhỏ và bình dị nhất.

Trong những hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng thì ánh trăng được xuất hiện dày đặc nhất. Tác giả thổi hồn vào làm cho nó thực sự trở thành một chủ thể mang một sức sống mới, một màu sắc cá thể hóa rõ rệt, cao độ. Từ cổ chí kim, ánh trăng xuất hiện trong thơ ca luôn là biểu tượng thiên nhiên gần gũi và xúc cảm nhất. Ánh trăng là hình ảnh biết lắng nghe tiếng lòng của thi nhân để đồng cảm, chia sẻ với con người. Trong thơ ca truyền thống, ánh trăng là biểu tượng cho tình yêu xa cách với tâm trạng lo âu thấp thỏm của chủ thể trữ tình: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” (Truyện Kiều); Đối với Hồ Chí Minh, trăng lại là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” (Tin thắng trận); Hàn Mặc tử lại xem ánh trăng như một hiện thân đầy ma quái của nỗi đau thân phận: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu - Đợi gió đông về để lả lơi.”… Trăng là nguồn cảm hứng vô tận, là tri kỉ, là hiện thân của thân phận… Nhưng khi đến với thơ Đỗ Trọng Khơi, ánh trăng vẫn mang một sắc thái riêng, gợi cảm xúc mới lạ. Có lúc ánh trăng bảng lảng mang màu sắc hư ảo, mơ hồ khó nắm bắt, có khi lại mang vẻ đẹp của một thực thể tồn tại như nó vốn có. Trăng mang màu sắc của tâm linh, của những nghiệm suy về thế gian mà chúng ta đang sống là cõi hư huyền với những giá trị

được mất, thành bại, may rủi mà thi sỹ từng rất thấm thía.

Ánh trăng không tròn trịa mà thường mỏng manh như thân phận con người trong trời đất. Trong thế giới thơ Đỗ Trọng Khơi, hình ảnh trăng xuất hiện với tần số nhiều nhất. “Quê”, chính là nơi Đỗ Trọng Khơi đã “Vai mang nhiều ánh trăng mà không thấy nặng - Mắt chứa đầy ánh trăng mà không thấy chói” trong ánh trăng cùng với Hy vọng, Ánh trăng đã gây ngỡ ngàng cho bạn đọc lúc bấy giờ và tận tới bây giờ, bởi cảm xúc tươi ròng rờn rợn cùng vẻ đẹp tinh huyền của nó: “Vầng trăng đáy nước ngấn vàng; Ánh trăng mỏng tựa lụa sa - vạc đồng thổi gió sau tà áo trăng…”. Trăng mang vẻ huyền ảo, mơ hồ, gợi cảm hứng của bao thế hệ thi nhân: “Con trăng đẹp giữa vô cùng - tôi mơ mộng lấy hư không làm nhà; “e sương ở ngọn trăng kia giật mình; “mảnh trăng non đã đặt vừa ngang mi”… Nhà thơ như thể là tâm tình với trăng với cỏ, ấy là liên tưởng độc đáo của nhà thơ, một hồn thơ khao khát giao hòa với thiên nhiên khi miêu tả hiện tượng tự nhiên trăng lặn đi hàng tháng: “Thương chiều khói, tiếc đêm sương - lưỡi trai, lá lúa, lưỡi liềm…người đi”… “Trăng” biểu trưng cho hồn quê, hồn làng, cho sự gắn kết giữa con người và thế giới thiên nhiên. Những hình ảnh của trời đất, vũ trụ đi vào thơ ca thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật cũng như những nỗi ám ảnh và cả khao khát giao cảm với vũ trụ, thiên nhiên của nhà thơ.

Hình ảnh vầng trăng trong câu thơ sau hiện ra mờ ảo dưới nét bút thanh thoát, tài hoa của ông là một mảnh trăng¸ một dải trăng mà sao vẫn đẹp đến thế: “mảnh trăng mỏng mảnh xanh gầy - phần treo đầu ngõ, phần bay cuối làng” (Nét trăng thu); “giọng chim vẽ một nẻo sương - dải trăng thắp một nét buồn tinh

mơ” (Góc ngày thu)… Không biết tự bao giờ, ánh trăng đã là nguồn cảm hứng

bất tận muôn dời của các thi sỹ. Trong cảm quan của họ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình ảnh nghệ thuật độc đáo. Ở đó, nó đã trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn có sức ám ảnh, khơi gợi cho người đọc nhiều xúc cảm về hạnh phúc và khổ đau, tình yêu và thân phận con người…

quê Thái Bình. Vốn xuất thân từ chốn làng quê nghèo khó của một vùng chiêm trũng lúa nước, gắn bó với chốn làng quê bình dị nên thơ và nghĩa tình Đỗ Trọng Khơi nghiêng về truyền thống, điều ít thấy trong cái xã hội mà người ta thường chạy theo những hậu hiện đại, những tân hình thức tràn lan như hiện nay. Thế nhưng thơ ông vẫn chạm đến trái tim của bạn đọc và chinh phục ngay cả những độc giả khó tính. Cảnh làng quê Thái Bình mang vẻ đẹp đặc trưng của thôn quê Việt Nam với hàng tre xanh, hương cau mát lành, dòng sông đầy bóng trăng… tất cả như một điểm dồn tụ cảm xúc và đi vào hoài niệm sâu xa của mỗi tâm hồn người con đất Việt.

Làng quê tôi có hàng tre xanh xanh Có hàng cau hoa trắng hương lành Có dòng sông vầng trăng đến ở (Làng quê tôiThơ Tuyển)

Quê hương trong kí ức của nhà thơ gắn liền với vẻ đẹp truyền thống mang tính đặc trưng thuần túy với những hình biểu tượng về cây đa, bến nước con đò:

Người quê trong làng quê – chim bầy trong tổ cánh diều thả thương, con đò neo nhớ

cây đa làng tỏa một bóng đời thiêng. (Làng quê tôiThơ Tuyển) Với tuổi thơ đong đầy kí ức thân thương:

Các em nhỏ tắm dưới ao Hò hét nô đùa

Chân đạp nước

(mặt nước ao dù khi vẩn đục!) Nhưng tiếng cười các em trong suốt Tiếng cười chen trong vòm lá xanh Ở đấy nở sinh

Chân đạp nước

Và tiếng cười các em trong suốt Tiếng cười chen trong tiếng ve Ở đấy nở sinh những mùa hè!

(Các em nhỏ tắmThơ Tuyển)

Quê hương còn thấm đẫm nghĩa tình gắn bó của những con người hiền hậu thủy chung. Có khi nó chỉ giản đơn như một nén hương trầm nghi ngút trong ngày tế hay ngày giỗ. Tất cả tạo nên một truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn biết hướng về cội nguồn với sự thành kính bái vọng: “Làng quê tôi riêng một vóc hồn quê - Mảnh tình say kẻ ở người về - Ngày giỗ tết đỉnh hương trầm nghi ngút” (Làng quê tôiThơ Tuyển). Là khát vọng hướng về cội nguồn đầy thành kính và thiêng liêng, quê hương gắn liền với hình ảnh người cha đầy kính yêu, với quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc.

Bố tôi, thủa còn sống

cũng như mọi người, ông có tuổi có tên rồi chiến tranh đến đất nuớc này

Bố tôi ra đi, mất dạng về phía trời xa lắm

tấc đất ông nằm biết có tuổi tên ông? (Ghi ở nghĩa trangThơ Tuyển).

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh quê hương đi vào thơ Đỗ Trọng Khơi với niềm cảm xúc dạt dào và đa chiều đến thế. Với ông quê hương như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Ông tìm thấy trên mảnh đất Thái Bình những tình cảm đẹp mà không đâu có được. Nó là hoài niệm, là khát vọng, là mơ ước, là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của hồn thơ.

Trong ngôn ngữ nghệ thuật mang tính biểu tượng thì cái tôi cá nhân cũng được nhà thơ tập trung thể hiện vô cùng sâu sắc, nó mang đậm tính khẩu ngữ qua những đại từ nhân xưng như : “tôi”, “ta”, “mình”, “ai”, “người”, “đó”, “đây”… Nhà thơ sử dụng nhiều nhất đại từ “tôi”, “ta” như một phương thức để khẳng định cảm xúc dâng

trào và niềm tự hào lớn về quê hương Thái Bình nhưng rất riêng thể hiện sự độc đáo sáng tạo của nhà thơ như: “ta như chú cá si tình - quẫy lên để thấy bóng kinh loạn trào” (Linh giác). Hay: “Thấy ve lột xác mà kinh - giọt đồng hồ rớt nỗi tình biệt ly - men dòng nhật nguyệt ta đi - bao điều sắc sắc đã về không không?” (Men dòng nhật nguyệt). Trần Đình Sử từng viết: “thiếu đi đại từ này, nhà thơ dường như chỉ trữ tình bằng mắt, bằng ý, bằng tâm mà miệng thì câm lặng. Thiếu đại từ này thì nhà thơ hòa tan vào thế giới xung quanh, làm lu mờ bản ngã” [36]. Đại từ nhân xưng “tôi”, “ta” thể hiện những suy tư về bản thể của thi sỹ: “Tôi thường ngồi rượu một mình - mắt làm một cuộc lặng thinh với trời”; “ta về ở ẩn trong ta - tấm thân cát bụi… như là thế thôi”; “ta như chú cá si tình - quẫy lên để thấy bóng kinh loạn trào” (Linh giác)…

Đó là sự phân thân của nhà thơ để tự soi vào mình rồi bất chợt nhận ra những giá trị to lớn của cuộc sống. Nói như Phương Lựu: “Ngôn ngữ thơ trữ tình là thứ ngôn ngữ chọn lọc, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc và giàu sức biểu hiện” [21, tr.87]. Với Đỗ Trọng khơi, hành trình sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật là một hành trình đầy sáng tạo, nỗ lực đưa ngôn ngữ bình dân đạt đến giá trị biểu tượng cao. Nhìn vào từ mà như thấy cả bầu trời, quê hương và cái tôi cá nhân… Đọc thơ Đỗ Trọng Khơi, người đọc như chìm vào thế giới đa chiều và nhiều suy tưởng.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ đỗ trọng khơi (Trang 76 - 82)