6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Cái tôi trữ tình đắm say và cô đơn
Chất liệu chính để làm nên thơ Đỗ Trọng Khơi chính là hiện thực cuộc sống và khát vọng của cái tôi nỗ lực hóa giải thân phận cô đơn, nghiệt ngã. Vì vậy, nhà thơ luôn tìm cách vượt lên số phận cô độc để hi vọng vào điều diệu kì sẽ đến trong cuộc sống. Một niềm tin được soi rọi bởi ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh nghiệt ngã của bản thân và được hun đúc bằng ý chí quyết tâm trong sáng, mãnh liệt, không gì có thể làm gục ngã. Tuy nhiên, chất liệu để tạo nên niềm tin cuộc sống trong thơ Đỗ Trọng Khơi không phải được tạo nên từ những ngôn từ gân guốc, gồng mình mà thông qua lớp ngôn từ hết sức bình dị, đời thường như một lời tự sự, phân thân của nhà thơ về hai bờ cảm xúc trái ngược nhau tạo nên sức sống từ trong nội tại nhân vật cứ thế bộc phát tự nhiên mà mạnh mẽ, theo đúng ý niệm tâm hồn của nhà thơ:
Bởi tôi tin vào bản thân nỗi khổ đau có bước đi riêng - trong bóng tối.
Lý do mà tôi chờ đợi, là sự kiếm tìm,
một thứ ánh sáng riêng!
(Hy vọng – Thơ Tuyển)
Khát vọng sống mãnh liệt của hồn thơ còn được thể hiện trong một tâm hồn tinh nhạy đầy cảm xúc trước sự vật trong cuộc sống dù nó chỉ là sự “run rẩy” nhẹ nhàng khi đứng trước khung cảnh chiều tà hoang vắng hay trứơc dòng nước tĩnh lặng trôi vẫn tồn tại sức sống âm thầm mãnh liệt. Cũng như thiên nhiên vạn vật con người nhà thơ dù trong tận cùng cô đơn vẫn luôn khao khát một chút yêu thương của cõi đời, vẫn khát khao giao cảm với cuộc sống. Ở đây, chúng ta thấy có sự đồng điệu giữa hồn thơ Đỗ Trọng Khơi và “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu: “Trong hơi thở chót dâng trời đất - Cũng vẫn si tình đến ngất ngư” (Chấp nhận). Tuy nhiên, nếu Xuân Diệu bộc lộ khát vọng sống mạnh mẽ, táo bạo bao nhiêu thì Đỗ Trong Khơi là bộc lộ sự sâu lắng, tinh tế bấy nhiêu. Cho dù trong “huyễn tưởng”, vẫn giao cảm với đời; dù là viên “đá cuội”, vẫn không ngừng yêu thương:
Chỉ là huyễn tưởng huyễn tưởng thôi vẫn mỏi mong người đến cùng tôi thở cho đá cuội bên bờ thẳm một chút yêu thương của cõi đời.
(Run rẩy – Thơ Tuyển).
Với những người yêu thơ thì thơ không chỉ là thưởng thức, là nơi giãi bày tâm sự…, mà thơ còn là đôi cánh thần tiên để nâng đỡ tâm hồn con người trước cuộc sống. Với Đỗ Trọng Khơi, thơ thực sự là tri kỉ, là khát vọng sống mãnh liệt của tâm hồn thi nhân. Có những lúc nhà thơ tự đắm mình vào khoảng lặng của không gian vũ trụ bao la, thả trôi theo số phận bất hạnh để tạo bệ phóng cho tâm hồn, cho những ước vọng sống cao đẹp được tung cánh với những giá trị thiêng liêng bất diệt của cuộc đời. Khát vọng sống của nhà thơ đã vượt ra ngoài sự chật hẹp, nhỏ bé, tù túng và cô đơn của một một thân xác tật nguyền và quy luật
nghiệt ngã của cái hữu hạn trong đời sống để hướng tới ý nghĩa thực sự trong cuộc đời của một con người:
Tôi đang sống không chỉ là thân thể dù dáng hình đây, bạn nhủ, giữ gìn tôi đã sống, bạn ơi, vì tiếng
con người – ôi điều thật thiêng liêng Và vì vậy, tôi không sợ chết
nước, sương kia có mất được bao giờ lòng tôi e, vũ trụ thăm thẳm
mà tôi mệt rồi đôi cánh thơ
(Tôi đã sống bạn ơi – Thơ Tuyển)
Xen lẫn với cái tôi trữ tình đắm say trước cuộc sống là khoảng lặng đầy tâm trạng của nỗi buồn cô đơn sâu lắng trong thơ Đỗ Trọng Khơi. Đối diện với với sự trống trải trong cõi lòng cũng là phương tiện để nhà thơ nhìn lại mình, chiêm nghiệm bản thân cùng với khát vọng vượt lên nỗi cô đơn. Sự cô đơn đầy khát vọng ấy còn được ông gửi vào trong hồn rượu:
Cúi soi gương rượu gặp con mắt mình chao ôi, đáy chén chứa niềm... lặng thinh
(Hồn rượu – Thơ Tuyển)
Đỗ Trọng Khơi đã mượn cách uống rượu của người xưa trong sự đối lập với hoàn cảnh thực tại của bản thân để diễn đạt sự cô đơn trống vắng của chính mình. Với người xưa, uống rượu là để trao lời tâm giao, tận hưởng thú vui của cuộc sống; còn với Đỗ Trọng Khơi, đối ẩm để thấy rõ hơn về khoảng lặng trống trải trong tâm hồn. Cái tôi cô độc còn được đẩy lên đến mức rợn người trước bức tranh thiên nhiên đầy ma quái:
Văng vẳng ngoài trăng có tiếng cười Lặng thầm ngóng đợi, thấy sương rơi
Thấy cơn gió lạnh khua tầu chuối Ôi cảnh đơn côi gió doạ người.
(Huyễn tưởng – Thơ Tuyển)
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã từng viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo
sầu - Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Quy luật này đúng với hồn thơ của
Đỗ Trọng Khơi. Cũng là bức tranh thiên nhiên vốn dĩ thơ mộng trữ tình trong một đêm trăng vắng lạnh có sương rơi và trăng cười, nhưng lại được tác giả thổi vào sự cảm nhận về sự Huyễn tưởng của tâm trạng cô đơn rợn người khiến cho ánh trăng trở nên ma quái điên loạn trong âm thanh tiếng cười “văng vẳng” tạo ra sức ngân vang trong lòng người trĩu nặng cô độc. Nói về miêu tả bức tranh thiên nhiên, nhưng bài thơ chủ yếu khắc họa âm thanh trong nghệ thuật lấy động tả tĩnh để rồi kết đọng ở bài thơ là sự thú nhận cô đơn sâu thẳm.
Cái tôi cô độc của nhà thơ có khi lại được bộc lộ ở thái độ băn khoăn, trăn trở trước cuộc đời. Mượn hình ảnh bông hoa trong vườn nhà để đi tìm căn nguyên cội nguồn của cuộc sống cuối cùng đọng lại trong tâm hồn người đọc về sự cô đơn sâu thẳm: “tôi, người cô đơn mặt buồn”. Câu thơ cuối như một lời thú nhận của nhà thơ:
Tin vào hoa, hay tin vào người trồng hoa? -Tin vào hoa!
Tin vào hoa hay tin vào đất nuôi hoa? -Tin vào đất!
Một thì tin vào kết quả một thì tin ở cội nguồn soi trước tấm gương đời vậy tôi, người cô đơn mặt buồn.
(Ở vườn nhà – Thơ Tuyển)
Đọc thơ ông ta thấy hình ảnh những cánh đồng, tuổi thơ và một vùng quê trù phú gợi cảm giác tươi vui. Trong tâm trạng cực kỳ xúc động nhà thơ chân thành giãi bày tình yêu cuộc sống: “Tôi yêu cuộc sống này, yêu những người
thân quanh năm chăm sóc tận tình cho tôi . Tôi yêu mẹ tôi, cách đây bao nhiêu năm dù cuộc sống bộn bề lo toan, vất vả đói kém nhưng vì tôi không thể ra ngoài nên bà, mẹ tôi đã chắt bóp mua cho tôi chiếc đài bán dẫn để cho tâm hồn tôi thoát ra khỏi cánh cửa nhà. Tôi yêu chị Khanh dẫu chỉ nhặt nắp chai bia bán, cuộc sống chật vật, phải nuôi ba con ăn học nhưng vẫn lo cho tôi cuộc sống chu toàn. Tôi yêu các cháu tôi, vì chúng lúc nào cũng yêu quý cậu, đi đâu về cũng chạy vào phòng cậu… Đó là hạnh phúc từ những người thân yêu trong gia đình, từ những cánh đồng quê… để rồi tất cả đi vào thơ tôi, ngọt ngào như hương vị cuộc sống mà tôi được nếm trải” [ 9].
Cái tôi đắm say là cảm thức rất rõ ràng trong thơ Đỗ Trọng Khơi. Ông đắm say trước tình yêu, vì tình yêu luôn là đề tài muôn thủa có sức cuốn hút lạ kì đối với bao thế hệ nhà văn nhà thơ. Là người nghệ sỹ có tâm hồn mẫn cảm trước cuộc sống Đỗ Trọng Khơi thể hiện tình yêu bằng cách riêng của mình: Vừa cồn cào mãnh liệt lại vừa ẩn chứa niềm trắc ẩn sâu thẳm trong tâm hồn, tạo sức lay động lớn về cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu lắng, kìm nén mà mãnh liệt. Khát vọng tình yêu thầm kín, mãnh liệt càng được thể hiện rõ khi nhà thơ đứng trước bức tranh mùa xuân nhẹ nhàng và đa sắc:
ngày xuân hoa thắm nắng vàng
chan chan men rượu, mang mang cuộc tình đâu hương đâu sắc đời mình?
tháng năm xa, chợt lặng thinh... không lời!
(Với hương hoa mùa xuân – Con chim thiêng vẫn bay) Trong quan niệm tình yêu của Đỗ Trọng Khơi dường như không có kiểu tình yêu nửa vời. Yêu là yêu đến tận cùng của cảm xúc cho dù đó là niềm đau hay sự vỡ òa về hạnh phúc. Nhà thơ luôn khao khát được sống hết mình, dâng hiến hết mình cho tình yêu, cho những khát vọng vô biên của cảm xúc tâm hồn. Để rồi tình yêu tự nó mở lời nồng nhiệt và say đắm:
Tình say cũng bởi tình thôi
Đã trao trao tận niềm đau
Đã cầm dù có nhạt màu cũng cam
(Trao tận niềm đau – Gặp ngƣời ở ngõ thế gian) Khát vọng tình yêu hạnh phúc đắm say mãnh liệt đã đánh thức cái tôi trữ tinh trỗi dậy không chỉ trong ý thức mà ngay trong cả tiềm thức. Tình yêu luôn chứa đựng chiều sâu trong tâm hồn, lắng đọng trong cảm xúc và hướng con người tới cái đẹp, tới hạnh phúc đầy khoái cảm và lạc thú. Tác giả đã mượn hình ảnh cây thông để hoá kiếp của mình tìm về với giấc ngủ hư không bỏ quên tất cả những gì diễn ra xung quanh mình. Thế gian giờ đây vắng lặng như cảnh chùa, hạt gieo – những hạt chuông đưa yên bình. Không gian quá lặng thinh – nhà thơ sử dụng câu từ thật sáng tạo: “chim vàng ém cái lặng thinh”. Tác giả chớp hình ảnh thật đắt và có sức bật lớn, sự lặng thinh đó chạm sâu vào đáy bể làm cho sóng tình xanh xao. Từ cái tĩnh tại tâm hồn dẫn đến tĩnh tại không gian và lan vào tầng sâu của cuộc sống để thấy được ái tình khát khao đến độ lạnh người:
Có người ước một bóng thông
Mà về ngủ giấc hư không – quên mùa Thế gian như một cảnh chùa
Hạt gieo – những hạt chuông đưa yên bình Chim vàng ém cái lặng thinh
Vào sâu đáy bể, sóng tình xanh xao.... (Mộng - Ở thế gian)
Cuộc sống thường tồn tại ở thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn mà tình yêu thì vô cùng, vì thế chúng ta sống và yêu như thế nào để cho tình yêu đủ sức mạnh cứu lấy thân phận trên cây thập giá đời . Đỗ Trọng Khơi bắt nhịp và cảm được triết lý mà hiền nhân đem lại để gột tả trong thơ mình tình yêu nhân thế. Nhà thơ tật nguyền, số phận bất hạnh dường như ý thức được tấm thân bé nhỏ của mình, tấm thân cát bụi trú ẩn ở chốn dương gian. Chữ tình nó xa vời, chữ tình lắm nỗi lênh đênh và lắm nỗi phù vân như tác giả đề cập, gặp nhau đây chỉ biết nâng chén thể hiện sự tận tâm của mình. Màu trắng của cõi không, của cát bụi,
của sương mây, tóc... thể hiện một cái gì đó tinh khiết của tâm hồn, sự thanh lọc của thiên nhiên và có phần nào đó sợ sự tàn phai tuổi xuân khi tình yêu chưa đến. Lời thơ bộc bạch, thủ thỉ một nỗi buồn, day dứt băn khoăn về tình đời của mình. Tuy nhiên ẩn sâu trong sự băn khoăn lo lắng, trăn trở là cả một khát vọng sục sôi trong tâm trí của nhà thơ về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi:
Là người khó nữa là tiên
Ta - thân cát bụi cư miền dương gian Tiên Đồng, Ngọc Nữ là nàng
Ai xui nhan sắc quá giang xuống trần Chữ tình vốn lắm phù vân
Gặp đây nâng chén ân cần tạ nhau Rằng phận ta, xá gì đâu
E cho đường kẻ, sở cầu so đo
(Chữ tình – Ở thế gian)
Đọc thơ Đỗ Trọng Khơi, ngay cả khi nỗi buồn trào dâng thì người đọc vẫn bắt gặp trong sâu thẳm tâm hồn ông sự khát vọng vượt lên số phận, khát vọng sống say đắm mãnh liệt. Có lúc, nhà thơ ý thức được cuộc đời ngắn ngủi mà hạnh phúc vẫn chưa trọn vẹn, đã gieo vào lòng ông nỗi buồn thương luyến tiếc nhưng vẫn mang nhựa sống tinh yêu thể hiện qua không gian chiều tàn mang màu sắc bình dị, tươi tắn. Đỗ Trọng Khơi chụp lại khoảnh khắc tuyệt vời đó để miên man thể hiện sự thay đổi tâm trạng của mình. Dữ dội và cô lập đến nghẹt thở trong không gian chiều vàng để rồi khẳng định tình yêu mộng mị, thuỷ chung sắt son và rồi cũng bình yên như màu xanh hoà bình đó cũng là màu xanh hi vọng. Trước tình yêu, dường như mọi ngôn ngữ đều trở thành vô nghĩa. Bởi lẽ, trong tình yêu nhiều khi chính những điều không nói lại tạo nên những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn con người, mà dẫu có ngàn năm “hồ dễ mấy ai quên”. Tình yêu vốn dệt bằng những kỉ niệm, những chiêm bao, mộng mị. Tình yêu càng mãnh liệt thì mộng mị càng lắng sâu. Nhiều khi những giấc chiêm bao ấy đã trở thành những nỗi ám ảnh vô thường trong cả đời người, có lúc bùng dậy mãnh liệt vò nát tâm
hồn con người. Với Đỗ Trọng Khơi, ông luôn biết tận dụng từng phút, từng giây ngắn ngủi của cuộc đời để yêu, để sống đến cuồng say mãnh liệt :
Sinh làm người ở thế gian
Sống – thì sống tận phai tàn thì thôi!
(Sống tận phai tàn - Ở thế gian)
Tình yêu sẽ là nguồn động lực bất biến để con người vượt qua tất cả và chiến thắng số phận, tuy vẫn biết tình yêu như sắc màu cầu vồng nó phức tạp và rối rắm làm điên loạn bao tâm hồn. Giờ đây một Đỗ Trọng Khơi lại chỉ rõ những mảnh đời dù mất đi hay khuyết đi một bộ phận trên cơ thể thì nó cũng không thể dập tắt mục đích và lý tưởng sống và yêu. Trải qua những thanh vị tình yêu đó ta nhận thấy trong lời thơ của ông đó là cả một sự kiếm tìm vị ngọt, vị đắng, vị cay xót... Sắc màu cảm giác trong thơ Đỗ Trọng Khơi là sự xáo trộn pha tạp tâm hồn theo nhiều chiều hướng khác nhau. Cảm giác ngại ngùng không dám tin rằng một thân thể tật nguyền trong mình lại đang cháy bởi nhịp đập con tim quá mãnh liệt:
Cõi người không có người dưng
Cầu dải yếm, bến sông Tương nơi nào? (Cõi người dưng - Ở thế gian)
Đọc thơ Đỗ Trọng Khơi luôn mang lại cho người đọc nhiều xúc cảm khó tả: có khi chúng ta thấm thía trước cuộc đời, số phận cô đơn đến rợn người, có khi lại nghẹn ngào sung sướng trước hạnh phúc vỡ òa. Tất cả tạo nên năng lượng vô cùng tích cực trước một tâm hồn trong trẻo tràn đầy nghị lực và khát vọng sống của nhà thơ.