8. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Đổi mới việc thực hiện phương pháp dạy của thầy, tạo cho thầy
dạy học đúng đắn
Đổi mới phương pháp giảng dạy (*) là vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn luôn nhắc nhở. Thực chất của vấn đề này là người quản lý phải biết chỉ đạo để GV đổi mới cách thực hiện phương pháp giảng dạy.
3.2.2.1. Ý nghĩa
- Thực hiện đổi mới cách thức giảng dạy của GV, hướng hoạt động vào người học, phát huy tính tự lực, tự giác, chủ động sáng tạo của HS, phù hợp với đặc điểm từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS.
- Tạo động lực cho đội ngũ GV hăng hái, toàn tâm toàn ý thực hiện ĐMPP. - Thực hiện tốt ĐMPP dạy học góp phần nâng cao trình độ chuyên môn sâu, rộng, trình độ sư phạm lành nghề đáp ứng ngày càng cao về chất lượng giáo dục phổ thông.
(*) Đổi mới phương pháp giảng dạy, thực chất là đổi mới việc thực hiện phương pháp dạy của thầy.
3.2.2.2. Nội dung
Phương pháp dạy học là một phạm trù phức tạp, phức tạp cả về phương diện lý thuyết lẫn nội dung thực hành. Trường THPT Hòn Gai trong những năm qua có nhiều cố gắng trong công tác ĐMPP dạy học, nhưng thật sự chưa toàn diện, chưa đồng bộ, nhiều lúc còn đi theo phong trào phát động chứ chưa tự giác. Vì thế công tác chỉ đạo hoạt động đổi mới cần phải sâu sắc, cụ thể, sát sao hơn nữa để việc ĐMPP là việc làm thường ngày của GV.
Sau đây là một số cách cụ thể để có thể chỉ đạo hiệu quả hơn nữa hoạt động ĐMPP dạy học.
- Nâng cao nhận thức cho đội ngũ GV về ĐMPP. - Tăng cường chỉ đạo ĐMPP dạy học của GV.
- Tạo động lực cho GV có động cơ dạy học đúng đắn, tích cực thực hiện ĐMPP (cải thiện điều kiện lao động của nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tổ chức thăm quan giao lưu học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, các biện pháp kích thích sư phạm..).
3.2.3.3. Tổ chức thực hiện
* Nâng cao nhận thức cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học
Trước hết, để có thể tiến hành việc ĐMPP dạy học, việc cần thiết đầu tiên là phải thay đổi về nhận thức. Công việc này không phải là dễ, không phải cứ nói là thay đổi được mà phải có một loạt các biện pháp liên hoàn:
- Cho toàn bộ GV được học tập lý luận, cập nhật thông tin, xem băng hình về những tiết dạy ĐMPP.
- Tổ chức những tiết dạy mẫu, thậm chí dạy cùng một bài bằng hai cách rồi so sánh rút ra kinh nghiệm có đối chứng, so sánh nhận thức của HS theo truyền thống và việc gợi ý, đặt vấn đề của thầy còn trò chủ động sáng tạo giải quyết vấn đề; so sánh tư duy, kết quả và hứng thú học tập của HS với cách dạy truyền thống. Có thể lấy ý kiến HS theo hai cách dạy trên. Đó là những minh chứng hết sức cụ thể sống động tác động đến người thầy để thay đổi quan điểm dạy học.
- Lấy những tấm gương sáng của các thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn trên con đường đi đến đổi mới để tác động vào tâm lý GV để họ toàn tâm toàn ý, chắc chắn sẽ thành công.
- Xác định cho GV thấy rằng, để đổi mới được phương pháp dạy học, điều đầu tiên người GV phải tự đổi mới mình trước đã, đó là phải biết tìm ra những cách học tiếp cận cái mới phù hợp với bản thân và luôn sáng tạo. Sáng tạo có nghĩa là làm sao để thầy cô trở thành người bạn của mỗi HS, là làm sao để bài giảng kiến thức trở thành niềm vui khám phá, là làm cho mỗi ngày đứng trên bục giảng các thầy cô giáo trở nên khác lạ và có nhiều ý nghĩa hơn.
- Phương pháp dạy học vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật cho nên phải phân tích để GV hiểu đã là khoa học phải tìm tòi nghiên cứu, đã là nghệ thuật phải khéo léo vân dụng chứ không phải làm xiếc trước học trò bằng cái máy tính, máy chiếu. Nghệ thuật ở đây là người GV phải làm cho những bài học khó trở nên thân thiện hơn, lôi cuốn HS tìm tòi nghiên cứu chứ không ngại nó, tránh xa nó.
- Cần tránh ngộ nhận về ĐMPP: cho rằng chỉ cần ĐMPP là ĐMPP dạy học, kiểu như xây nhà từ nóc. Đánh đồng về phương pháp tất cả các môn học, các bài học, các phần bài trong mỗi bài học. Lấy hình thức hoạt động bên ngoài thay thế cho hoạt động bên trong, cứ thấy tiết học có nhiều HS giơ tay xin phát biểu, có tổ chức học theo nhóm, GV sử dụng nhiều bảng biểu, sử dụng nhiều máy chiếu, máy tính là cho rằng tiết dạy đã có sự đổi mới về phương pháp.
Tóm lại, càng đi sâu vào ĐMPP dạy học chúng ta càng khám phá thêm nhiều điều mới lạ từ bài dạy. GV có thể khai thác nhiều khía cạnh của bài dạy theo những hướng khác nhau và có nhiều biện pháp sinh động để hướng học trò khám phá. Điều đó có nghĩa là mỗi GV đều có thể tự tìm cho mình một con đường để đổi mới không ai giống ai, song cần phải chia sẻ để tìm cho mình con đường đi ngắn nhất. Điều căn bản nhất là GV phải tận tụy, thương yêu, thân thiện và vì HS. Chỉ có tình yêu, lòng nhân ái đích thực của GV đối với HS mới có tình yêu nghề nghiệp, những khát khao vươn lên, mới có sáng tạo trong nghề nghiệp, mới hun đúc ý chí đổi mới thành công.
*Tăng cường chỉ đạo hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên
- Chỉ đạo các tổ chuyên môn sinh hoạt 2 tuần một lần, một tháng dành một buổi sinh hoạt chỉ tập trung vào việc thảo luận trao đổi chương trình, SGK và ĐMPP giảng dạy bộ môn. Các tổ phải xây dựng chuyên đề ĐMPP dạy học, chuyên đề về chương trình, SGK mới.
- BGH phân công những GV cốt cán, GV giỏi từng bộ môn tìm hiểu, phát hiện những vần đề mới, khó trong chương trình để tổ chức trao đổi, phân tích, đề xuất những phương án giải quyết tối ưu. Quy định mỗi tháng, mỗi tổ, nhóm chuyên môn có một chuyên đề để đề xuất giải quyết. Tổ chức tống kết hàng tháng, chọn các chuyên đề hay đăng trên tập san chuyên môn của nhà trường, lấy đó làm căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua tổ chuyên môn hàng kỳ và cả năm.
- Một trong những khâu quan trọng của ĐMPP dạy học là khâu đổi mới cách thiết kế bài học. Giao án phải thể hiện cái tầm, cái tâm, sự đầu tư công phu của người soạn. Phải xây dựng hệ thống các hoạt động của HS, khơi gợi sự tìm tòi của HS để thực hiện cái đích của bài học, thể hiện rõ các phương pháp tiến hành trong từng mục của bài dạy. Người GV nào có tâm trong đổi mới thì những dòng rút kinh nghiệm dù thành công hay thất bại cũng thể hiện rất rõ ý chí phấn đấu của mình. Chính vì vậy, BGH dành nhiều thời gian vào công việc kiểm tra giáo án sẽ đánh giá GV được chính xác.
Chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức cho GV cùng soạn từ ba đến năm tiết, sau đó đưa ra tổ chuyên môn bàn bạc, trao đổi, góp ý để cùng xây dựng giáo án mẫu. Cử chọn GV dạy thử để tổ đóng góp ý kiến thống nhất, nếu cần có thể dạy lại. Từ đó đưa ra các giáo án chuẩn, những tiết dạy mẫu mực, phát huy trí lực HS. Cứ như thế, sau nhiều năm tích luỹ, cả tổ sẽ có bộ giáo án mẫu để tham khảo, đồng thời các GV đều tham gia lao động trí tuệ và cảm thấy tự hào vì nhìn thấy được thành quả do chính mình tạo ra.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong soạn giảng bằng giáo án điện tử. Khuyến khích các GV trao đổi, sử dụng ngân hàng bài soạn với phương châm ba chung: chung ý tưởng, chung dữ liệu, chung đánh giá. Trong những năm trước, việc soạn giáo án điện từ còn khuyến khích động viên, nhưng bây giờ phải làm quyết liệt, không kể già trẻ. Giao cho ba đồng chí Hiệu phó trực tiếp kiểm tra việc soạn giảng này của GV, đồng thời căn cứ vào số lượng lần đăng ký mượn trả chìa khoá điều khiển máy chiếu, phiếu hỏi ý kiến HS để biết số lượng giờ dạy áp dụng CNTT của GV trên từng lớp. Tuy nhiên, phải xây dựng tiêu chuẩn đánh giá xếp loại giờ dạy ứng dụng CNTT để tránh những lạm dụng quá mức.
Yêu cầu mỗi GV đều có hộp thư điện tử, 100% có máy tính xách tay và nối mạng (nếu cần nhà trường hỗ trợ kinh phí). Nhà trường dùng thêm hệ thống mạng không dây để GV ở vị trí nào trong trường cũng có thể kết nối được.
Phát động cuộc thi mang tính chất “sáng tạo” như soạn giáo án điện tử, thiết kế phần mềm hỗ trợ dạy học, bước đầu quy định cụ thể mỗi tổ phải có ít nhất 2 sản phẩm dự thi, sau dần mở rộng ra. Tổ chức thi GV dạy giỏi cấp trường có ứng dụng CNTT. Mời Hội đồng giám khảo, trong đó có các đồng chí ở Sở Giáo dục và trường ngoài cùng tham dự. Như thế mới tạo ra sự trân trọng và đánh giá đúng mức sự cố gắng của GV một cách khách quan.
- Cùng với sự quan tâm việc soạn giáo án, BGH phải hết sức chú trọng đến rèn các kỹ năng tổ chức HĐDH trên lớp của GV theo hướng ĐMPP. Đó là:
Kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS, tức là tổ chức cho HS thực hiện các hoạt động như: quan sát, thử nghiệm, so sánh, đối chiếu, thu thập, phân tích, xử lý thông tin, tổng hợp, khái quát, phát hiện...
Kỹ năng tổ chức các hình thức học tập đa dạng cho HS như: học tập cá nhân, học tập theo nhóm nhỏ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng dụng CNTT vào dạy học, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp...
Kỹ năng sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng tổ chức các hoạt động học tập khám phá, phát hiện của HS, không đơn thuần sử dụng thiết bị chỉ như một công cụ giải thích, chứng minh. Cần làm cho GV có nhận thức sâu sắc về lợi ích của việc sử dụng đồ dùng dạy học là tạo cơ hội để rèn luyện khả năng tự học, tự phát hiện cho HS, tránh thói quen học thụ động do chỉ đơn thuần “nghe - ghi nhớ và làm theo mẫu”.
Hiện nay nhà trường đang tăng cường trang bị các TBDH. Tuy nhiên các thiết bị tự làm của GV luôn có ý nghĩa quan trọng và cần được phát huy vì đó chính là ý tưởng của bản thân họ.
- Để đánh giá được sự thành công trong ĐMPP của GV thì việc tổ chức dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm về các tình huống dạy học theo hướng ĐMPP là hữu hiệu nhất. Lúc đó mới bộc lộ hết những gì GV chuẩn bị cũng như khả năng của mình. Mỗi tuần mỗi tổ phải có một giờ dự, đăng ký rõ trên lịch chuyên môn để
BGH và các tổ khác cùng dự. Quy định các GV ra trường dưới ba năm mỗi tuần phải đi dự giờ ít nhất một lần, các GV khác mỗi tháng phải đi dự ít nhất hai giờ. Các giờ dự đều phải ghi ý kiến đánh giá vào phiếu và nộp cho BGH.
* Tạo động lực cho giáo viên có động cơ dạy học đúng đắn
- Tổ chức tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm những đơn vị điển hình. Giao cho tổ chuyên môn tìm hiểu mô hình ĐMPP trong và ngoài tỉnh, dự kiến thời gian, thành phần tham gia. Sau mỗi đợt tham quan, các GV phải có trách nhiệm truyền tải những vấn đề học hỏi được cho các thành viên trong tổ.
- Nhà trường giao cho các tổ tự tổ chức giao lưu tại trường, mời các trường bạn, các chuyên viên của Sở, các chuyên gia của Bộ với phương châm cùng nhau chia sẻ. Những buổi giao lưu kiểu này có tác dụng hơn vì tại đây mọi người được hỏi những cái cần hỏi, những điều thực tế khúc mắc trong giảng dạy, không cao siêu nên hết sức thiết thực.
- Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, sau một năm học có sơ kết, bầu chọn những tấm gương điển hình biểu dương trong toàn ngành, đăng trên báo và tạp chí...
- Cải thiện điều kiện lao động của nhà giáo: tạo ra các điều kiện làm việc, các điều kiện nghỉ ngơi tốt nhất cho GV là một trong những nội dung quan trọng nhất của việc tổ chức khoa học lao động sư phạm. Cung cấp đủ sách và tài liệu tham khảo cho GV. Xây dựng thời khoá biểu hợp lý, chú ý đến đặc điểm riêng của GV.
- Phát triển “Văn hoá nhà trường”: Nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở dân chủ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau tạo động lực để GV quan tâm cải tiến nâng cao chất lượng dạy học; khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi giữa các GV, GV sẽ cảm thấy thoải mái và dễ dàng thảo luận những vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải, sẽ sẵn sàng chia sẻ kiến thức kinh nghiệm chuyên môn, trao đổi phương pháp và kỹ năng giảng dạy, quan tâm đến công việc của nhau, giúp nhau tiến bộ.
- Thực hiện dân chủ hoá trong nhà trường: chủ động kiểm tra, đánh giá về kết quả dạy học theo quy định chung của ngành. Tổ chức lấy phiếu hỏi ý kiến của HS về GV. Việc tổ chức lấy ý kiến giúp cho BGH, tập thể GV nắm được thông tin
ngược từ phía đối tượng bị quản lý, giúp họ thường xuyên điều chỉnh các hoạt động quản lý làm cho các hoạt động của nhà trường có hiệu quả cao.
- Các biện pháp kích thích người dạy: Người quản lý tạo ra sự kích thích đối với người lao động là biến một việc từ chỗ “phải làm” tới chỗ “ muốn làm”, làm với tất cả nhiệt huyết và hào hứng của mình. Biện pháp kích thích là biện pháp kinh tế sư phạm và tâm lý xã hội nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Biện pháp kinh tế sư phạm: Những đồng chí là GV dạy giỏi, thạc sĩ mới được tham gia dạy lớp chất lượng cao. Tại các lớp đó, các giờ dạy đều được hỗ trợ. Ví dụ: GV giỏi cấp tỉnh được hỗ trợ 20.000đ/tiết, GV dạy giỏi cấp cơ sở và thạc sĩ hỗ trợ 15.000đ/1 tiết. Vì vậy, có những đồng chí thu nhập hàng tháng gấp đôi lương. Hơn thế nữa, những đồng chí tham gia dạy đội tuyển được tính hệ số 1,5 để tính giờ. Nếu có giải cấp tỉnh sẽ được thưởng theo từng mức và theo số lượng giải, cuối năm khi xét thưởng sẽ căn cứ vào số giải HS đạt được để tính hệ số. Ngoài ra hàng tháng, căn cứ vào các tiêu chí trong quy chế thi đua (trong đó tiêu chí thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới giảng dạy chiếm số điểm rất cao) để xét thưởng theo từng mức A,B,C với mức trung bình 200.000đ/1 tháng.
Ngược lại, thực hiện kỷ luật nghiêm minh đối với những GV vi phạm quy chế chuyên môn, vi phạm phẩm chất nhà giáo. Nếu GV nào HS phản ánh nhiều mà không rút kinh nghiệm buộc phải bố trí công việc khác hoặc chuyển đổi môi trường.
Biện pháp tâm lý xã hội khác: Quan tâm đến hoàn cảnh của GV, cần nâng cấp, đề bạt, cân nhắc CBGV một cách kịp thời. Việc kiểm tra đánh giá GV cần có kết luận chính xác, công bằng, tránh thiên vị. Trên cơ sở đó, khơi dậy, huy động mọi khả năng tiềm ẩn vốn có của GV hoặc kích thích động viên họ tiếp tục phấn