Kim ngạch xuất khẩu theo cơ cấu mặt hàng

Một phần của tài liệu Giải pháp mở rộng xuất khẩu rau quả vào thị trường Mỹ (Trang 48 - 50)

II. THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU CỦA RAU QUẢ VIỆT NAM

1.2. Kim ngạch xuất khẩu theo cơ cấu mặt hàng

Rau quả xuất khẩu của Việt nam ra thế giới dưới các dạng tươi, sấy khô, đông lạnh và đóng hộp. Trong đó hơn 80% lượng rau quả xuất khẩu là ở dạng chế biến, hầu hết là đóng hộp và một phần ở dạng sấy khô và đông lạnh, phần còn lại là rau quả tươi, xuất khẩu không đáng kể. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là dứa, chuối, xoài, vải, dưa hấu, nhãn, thanh long và chôm chôm; các loại rau xuất khẩu là cải bắp, dưa chuột, khoai tây, hành, cà chua, đậu, súp lơ và ớt. Những năm gần đây, do có sự biến động về thị trường xuất khẩu và khối lượng xuất khẩu nên cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 1999 đối với toàn thế giới như sau: rau quả tươi (27,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả), rau quả khô (53,1 triệu USD, tỷ trọng: 50,6%) và rau quả chế biến (24,2 triệu USD, chiếm 23,1%). Như vậy, có thể thấy tỷ lệ rau quả tươi xuất khẩu vẫn chiếm tỷ lệ tương đối hạn chế so với lượng rau quả khô và chế biến.

Rau và quả Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu dưới dạng chế biến, lượng rau quả tươi xuất sang không đáng kể, chỉ đạt vài trăm ngàn USD mỗi năm, chủ yếu là hành tỏi, đậu xanh, các loại quả nhiệt đới. Kim ngạch tỏi xuất sang thị trường Mỹ ở mức không đáng kể năm 1998 là 20 000 đô la, năm kế tiếp sau đã tăng gấp 10 lần và gấp hơn 20 lần vào năm 2001. Tỏi cung cấp cho thị trường Mỹ chủ yếu là tỏi tươi, với các chủng loại khác nhau. Đây là mặt hàng rau xuất khẩu có giá trị lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, đem lại nhiều ngoại tệ, đến nay đạt kim ngạch là 439.000 đô la, giảm 10% so với năm 2001.

Những năm trước năm 2002, sản phẩm nấm đóng hộp và nấm khô hầu như chưa có mặt tại thị trường Mỹ, nhưng đến năm 2002 có bước đột phá lớn trong khối lượng nấm hộp xuất vào thị trường này với kim ngạch xuất khẩu cao hơn cả tỏi và đạt mức 862.000 USD. Dưa chuột muối đã có kim ngạch xuất khẩu 16.000 đô la vào thị trường Mỹ năm 2001, nhưng những năm về trước và năm 2002 giá trị xuất khẩu không đáng kể.

Tỷ trọng giữa giá trị rau xuất khẩu và quả xuất khẩu trong tổng kim ngạch 5,318 triệu xuất sang Mỹ năm 2002 đạt mức cân đối. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu quả nhiệt đới sang thị trường Mỹ, nhiều nhất vẫn là dứa, vải, đu đủ, ngoài ra còn có chanh tươi, dưa và ổi. Dứa đóng hộp xuất khẩu năm 1998 đạt hơn 2 triệu đôla, và tăng lên gần 3.5 triệu đôla ngay năm sau đó, nhưng từ năm 2000 trở lại đây, lượng dứa hộp và chế biến xuất sang nước này giảm đáng kể, thấp nhất là 449.470 đôla (năm 2000). Nguyên nhân chính là do công nghệ chế biến của ta còn lạc hậu, công suất nhỏ lại thêm vào đó lượng nguyên liệu cho chế biến không đủ vì vậy hầu hết các nhà máy chỉ làm việc một thời gian trong năm. Nhưng ngược với xu hướng biến động giảm của sản phẩm dứa hộp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu dứa tươi lại tăng trong những năm gần đây, đến năm 2002 đã đạt mức 316.061 đô la, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 1998. So với mức nhập khẩu 180 triệu đô la dứa tươi của Mỹ thì Việt Nam xuất khẩu dứa còn chưa đáp ứng đủ 1% nhu cầu nhập khẩu của nước này. Tuy vậy Việt Nam đã đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dứa hàng đầu vào thị trường Mỹ, dẫn đầu là các nước Philippines, Indonesia và Thái Lan. Vấn đề tồn đọng do cây dứa của Việt Nam tuy có hương vị tốt nhưng năng suất còn thấp, thấp hơn từ 5 đến 6 lần so với giống dứa Cayen trên thế giới với sản lượng là 50-60 tấn/ha. Nhưng gần đây chính phủ đã hỗ trợ xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ, và bắt đầu áp dụng giống dứa mới cho năng suất cao vào gieo trồng, vì vậy ngành dứa xuất khẩu của Việt Nam rất có triển vọng trong tương lai.

Với tốc độ tiêu thụ đu đủ tăng 10%/năm của người tiêu dùng Mỹ, trong khi sản lượng đu đủ trong nước còn quá thấp, vì vậy hàng năm Mỹ phải nhập khẩu khối lượng lớn loại quả nhiệt đới này. Đây cũng là thị trường nhập khẩu đu đủ lớn nhất thế giới. Việt Nam xuất khẩu đu đủ vào thị trường Mỹ năm 2002 với giá trị là 23.072 đô la, tăng hơn so với năm 2001 nhưng lại giảm một nửa so với kim ngạch xuất khẩu năm 2000 (43.600 đô la). Trong những năm gần đây, vải và chôm chôm được đánh giá là những sản phẩm xuất khẩu có triển vọng lớn đối với hầu hết các thị trường. Vải được trồng khắp cả nước, chôm chôm chủ yếu ở Nam Bộ, hai loại trái cây này cho sản lượng cao gần nhất nước. Tuy vậy giá trị xuất khẩu vải của nước ta sang thị trường Mỹ đã giảm từ mức 21.362 đô la năm 1998 xuống còn 4.700 đô la năm 2002. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thị trường Mỹ khó tính, đưa ra những quy định chặt chẽ về kiểm dịch vệ sinh dịch tễ đối với rau quả nhập khẩu, thêm vào đó nước ta còn thiếu các kho lạnh bảo quản và công nghệ để chế biến vải còn lạc hậu. Vải chủ yếu được xuất dưới dạng sấy khô, giá trị dinh dưỡng không cao, kéo theo giá trị kinh tế chưa cao. Ngoài ra còn một số loại quả khác được xuất sang Mỹ như: ổi, dưa, xoài, chanh … Những năm về trước ổi chưa được xuất khẩu, nhưng năm 2002 đã xuất được hơn 5.000 đôla vào thị trường Mỹ. Đây là loại quả “lạ”, chỉ có ở những nước nhiệt đới, vì vậy rất có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai không xa. Thị phần của xoài của Việt Nam trên thị trường Mỹ vẫn còn rất nhỏ bé trong khi Mỹ là nước nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới. Bình quân mỗi năm từ 1998 đến 2002, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam mới đạt hơn 1.000 đôla.

Một phần của tài liệu Giải pháp mở rộng xuất khẩu rau quả vào thị trường Mỹ (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w