Thúc đẩy các nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc đến Việt Nam

Một phần của tài liệu Chiến tranh thương mại mỹ trung quốc và tác động của nó đối với việt nam (2018 2020) (Trang 55 - 61)

7. Bố cục của đề tài

2.1.1. Thúc đẩy các nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc đến Việt Nam

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mĩ Donald Trump đã gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” trong chính sách thương mại. Ông nhấn mạnh rằng Hà Nội đang nổi lên như là người chiến thắng lớn nhất cho đến nay trong cuộc chiến thương mại [41, tr.2]. Khẳng định của Tổng thống Donald Trump cho thấy chiến tranh thương mại đã mang đến cho Việt Nam nhiều “phần thưởng chiến thắng bất ngờ”, biến Việt Nam trở thành “người thừa hưởng bất đắc dĩ”, “người chiến thắng lớn nhất” [52]. Trong số đó, dịch chuyển FDI của các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc đến Việt Nam có thể là lợi ích lớn nhất mà Việt Nam đạt được từ cuộc chiến tranh này.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như là điểm đến để tìm nguồn cung ứng chi phí thấp. Thực tế cho thấy, tiền lương ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ cao nhất ở châu Á. Chi phí tiền lương cho lao động trong các ngành sản xuất ở Trung Quốc đã tăng từ 2,0 USD/giờ trong năm 2010 lên 3,9 USD/giờ trong năm 2016, trong khi đó mức tiền lương này ở các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á trung bình là 1-1,4 USD/giờ. Chi phí chi trả cho việc thuê đất phục vụ xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng mạnh. Các thành phố lớn như Thượng Hải ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 USD/m2, trong khi Việt Nam chỉ ở mức 100 - 140 USD/m2

[27]. Đồng thời, do chi phí lao động tăng, chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, chuyển từ các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sang các ngành công nghệ cao. Điều này khiến cho việc thu hút đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động không được khuyến khích. Ngược lại, cùng thời điểm này, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam “đang vươn lên là một trong những thị trường hấp dẫn nhất, bởi vì quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng cao và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn” [8]. Việt Nam đang nằm ở vị trí hết sức thuận lợi và có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam có triển

56

vọng về tăng trưởng kinh tế khá cao; chính trị ổn định; chi phí và kỹ năng lao động cạnh tranh; môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng; có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, đặc biệt, trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, rẻ hơn cả Trung Quốc và chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ [3, tr. 117]. Thực tế khó khăn từ việc đầu tư tại Trung Quốc kèm theo những rủi ro dẫn đến một thực tế rằng chiến tranh thương mại được xem như là chất xúc tác để đẩy nhanh hơn xu thế chuyển dịch, rời bỏ của các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu khẳng định, các công ty trong một số lĩnh vực nhất định sẽ chuyển ra khỏi Trung Quốc hoặc đa dạng hóa từ thị trường Trung Quốc sang thị trường khác. Khi rút vốn từ Trung Quốc, Việt Nam có thể trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho nhà đầu tư.

Dưới tác động của chiến tranh thương mại không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà chính những người trong cuộc chiến này là Trung Quốc và Mỹ cũng nghĩ về việc thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ trong phạm vi toàn cầu. Với Mỹ, họ sẽ tìm kiếm một điểm đến mà hàng rào quan thuế có lợi nhất có thể thay thế được ngay cho điểm đến Trung Quốc mà các doanh nghiệp của họ đang bị áp thuế cao: “Thuế quan đã đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người đã chứng kiến chi phí tăng vọt. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp làm việc với các nhà cung cấp để tìm các quốc gia thay thế như Việt Nam để bỏ qua thuế quan. Một số người khác đang bắt đầu kiểm soát chuỗi cung ứng của họ bằng cách sử dụng chuyên môn địa phương” [51]. Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội cho rằng “các công ty của Mỹ, tương tự như các công ty từ nhiều quốc gia khác, liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ để duy trì tính cạnh tranh. Có thể một số công ty sẽ xem xét việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị áp thuế cao hơn” [8]. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc cũng mong muốn chuyển dịch đầu tư dòng vốn FDI vào Việt Nam để sử dụng “thương hiệu”, “nguồn gốc” hàng hoá từ Việt Nam nhằm tránh áp thuế cao được Mỹ áp dụng đối với họ. Cách thức mà các nhà đầu tư Trung Quốc áp dụng là sản xuất tại Trung Quốc và đầu tư vốn để xây dựng các cơ sở đóng gói các mặt hàng này tại Việt Nam. Sau khi đóng gói từ Việt Nam hàng hoá sẽ được xuất khẩu đến Mỹ hoặc các thị trường khác. Ngoài tránh áp thuế cao sở dĩ Trung Quốc lựa chọn Việt Nam vì một vài nguyên nhân khác như Việt Nam có vị trí gần với Trung Quốc hơn so với các nước, cùng với vị trí của Việt Nam trong khu vực ASEAN, cho phép các nhà sản xuất bán và chuyển

57

thiết bị qua biên giới nhanh hơn. Điều này không chỉ giúp các công ty bán và vận chuyển hàng hóa, thiết bị từ Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại, mà còn giúp tạo thuận lợi cho thương mại với các nước láng giềng ASEAN [51]. Hình thức này được áp dụng tạm thời, nhưng về lâu dài có thể họ sẽ chuyển toàn bộ đầu tư vào hoạt động sản xuất vào Việt Nam. Điều này không chỉ mang đến lợi thuế về thuế quan mà còn nhận được các lợi thế khác từ Việt Nam dối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh khai chiến Mỹ-Trung ngoài nhanh chóng quan tâm đến vấn đề quan thuế, có một lý do chung cho cả hai nước tăng tốc FDI vào Việt Nam. Ngoài những lợi thế nêu trên, việc xuất khẩu từ Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhờ Việt Nam đã tham gia các FTA như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đầu tư vào thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề mà cả Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm.

Trong năm 2019 và 2020 đã có gần 20 doanh nghiệp từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã dịch chuyển hoặc tuyên bố có kế hoạch dịch chuyển dòng vốn và sản xuất của họ sang thị trường Việt Nam.

Bảng 2.1.1. Các công ty rời bỏ hoặc tuyên bố rời bỏ Trung Quốc

58 2100 2400 4100 2100 0 500 1000 1500 2000 2500 3000 3500 4000 4500

Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020

Trong số các nhà đầu tư và sản xuất kể trên, một số công ty có mức đầu tư và quy mô lớn. Công ty Shenzhen H&T Intelligent Control sản xuất điện tử đặt tại Quảng Đông, đã quyết định chi 5 triệu USD để lập nhà máy ở Việt Nam. Công ty lắp ráp tai nhge AirPods của Apple - GoerTek, tháng 01/2019 cũng được cấp phép xây dựng nhà máy trị giá 260 triệu USD tại Bắc Ninh. Công ty sản xuất tivi TCL và Tập đoàn máy tính Lenovo cũng có kế hoạch tương tự. Tháng 6/2018, Man Wah Holdings - công ty đồ nội thất ở Hồng Kông vốn chỉ có nhà máy ở Trung Quốc đại lục, đã mua lại một công ty sản xuất và xuất khẩu sofa của Việt Nam với giá 68 triệu USD. Hung Hing Printing Group - công ty Hồng Kông khác vốn chỉ sản xuất ở Trung Quốc, cũng đã tới Việt Nam bằng cách mở một nhà máy in và đóng gói mới ở Hà Nội [16].

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2019 nhờ các dự án đầu tư, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,3 tỉ USD (tăng gần 5,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái) và 116 triệu USD vốn điều chỉnh tăng thêm. Nếu tính cả lượng vốn góp, mua cổ phần, có tới khoảng 6,44 tỉ USD đã được các nhà đầu tư Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đăng ký vào Việt Nam. Với tốc độ gia tăng này, Trung Quốc có thể lần đầu tiên trở thành nước dẫn đầu dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tính theo số liệu cả năm [28]. Tuy nhiên, đến năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, mặc dù vẫn xếp ở vị trí số 2, số 3 đầu tư vào Việt Nam tuy nhiên nhìn ở bức tranh tổng thể thì vốn Trung Quốc vào Việt Nam đã quay đầu giảm mạnh. Nếu như năm 2019, tổng vốn Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD thì năm 2020 giảm một nửa, chỉ còn hơn 2 tỷ USD.

Biểu đồ 2.1.1. Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam qua từng năm [18]

59

Đối với đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu sụt giảm mạnh, thế nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn được duy trì khá tích cực. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đạt trên 23,4 tỷ USD, chỉ giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là giảm dòng vốn góp, mua cổ phần (hay là vốn đầu tư gián tiếp – FII, giảm 43,5%). Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Mỹ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đầu tư 9,4 tỷ USD trên 1.000 dự án hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo… Trong Hội nghị kinh doanh Việt - Mỹ tổ chức trong tháng 10 năm 2020, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Mặc dù số liệu thống kê Mỹ đứng ở vị trí thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng các công ty con hoạt động ở nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam còn lớn hơn số liệu thống kê trên đây. Đơn cử, Apple, Google… đang thông qua nhà sản xuất thiết kế sản phẩm gốc và nhà sản xuất sản phẩm theo thiết kế đang thực hiện đầu tư ở Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, giới chuyên gia đầu tư cho rằng, những dự án đầu tư về năng lượng của Mỹ vào Việt Nam cần phải có một thời gian dài thực hiện và còn nhằm mục đích cân bằng thương mại giữa Việt - Mỹ trong tương lai. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thu hút đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực nông – thủy sản, nhằm tận dụng công nghệ chế biến của các doanh nghiệp Mỹ trong bảo quản và trữ hàng nông thủy sản xuất khẩu. Đây là điểm mạnh của các doanh nghiệp Mỹ có thể bổ sung cho các doanh nghiệp nông – thủy sản của Việt Nam hiện nay còn đang thiếu và yếu trong đầu tư công nghệ trong sản xuất chế biến. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tận dụng các xu hướng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Mỹ và các công ty con của doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc để né cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung, trong khi giá nhân công ở Trung Quốc hiện nay đã trở nên kém cạnh tranh hơn với thị trường lao động Việt Nam [10].

Bên cạnh đó, các nước lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chú trọng chọn thị trường Việt Nam vào đầu tư phát triển thay vì chọn thị trường Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản với hơn 4.630 doanh

60

nhân Nhật Bản đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 652 người đang hoạt động tại Việt Nam, cho thấy 70% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục coi đất nước này là một địa điểm đầu tư. Tỷ lệ tương tự chỉ là 48% đối với Trung Quốc. Khoảng 65,1% người được hỏi cho biết họ đang hoạt động có lãi ở Việt Nam. Không chỉ các nhà đầu tư Nhật Bản, mà cả nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc được cho là đang muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thay vì tập trung vào Trung Quốc. Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những điểm đến được quan tâm nhất của doanh nghiệp Hàn Quốc do độ mở trong chính sách so với nhiều nước Đông Nam Á khác. Hiện nay, Việt Nam vẫn cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, trong khi một số nước như Philippin, Thái Lan, Singapore đều yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải góp vốn với doanh nghiệp trong nước mới được hoạt động. Thực tế là, trong thời gian gần đây, nhiều hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc đã và đang tổ chức các sự kiện thăm dò thị trường Việt Nam để tìm hiểu cơ hội chuyển dịch dòng đầu tư. Trong thời gian này, trung bình một ngày có từ 1 đến 2 nhà máy Hàn Quốc được mở tại Việt Nam. Một “ông lớn” tại Hàn Quốc là Tập đoàn Lotte hiện đang đàm phán thương vụ bán chuỗi 99 siêu thị tại Trung Quốc để rút vốn sau khi thua lỗ để chuyển đầu tư sang Việt Nam. Tập đoàn này dự kiến nâng số cửa hàng tại Việt Nam từ 13 lên 87 vào cuối năm 2020 [3, tr.120]. Ngoài ra, hiện nay, nhiều công ty Hàn Quốc sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế rất cao của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc lo lắng. Do đó, họ phải tìm kiếm những địa điểm thay thế để buôn bán hàng hóa. Ông Hung Sun, Phó Chủ tịch Phòng Kinh doanh Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định “Việt Nam là một địa điểm lý tưởng, vì chi phí sản xuất thấp hơn và có các FTA với nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất mới của họ” [8].

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là tác nhân thúc đẩy nhiều quốc gia xem xét lại thị trường Trung Quốc. Trong đó cả Trung Quốc và Mỹ cũng nhận thức về việc thay đổi dòng vốn FDI. Kết quả là nhiều nhà đầu tư như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có xu thế rời bỏ Trung Quốc và tìm kiếm Việt Nam như là một điểm đến phù hợp. Mặc dù quy mô đầu tư của FDI vào Việt Nam chưa thực sự lớn, nhưng dưới tác động lâu dài của cuộc chiến tranh này trong dài hạn thì dòng dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc, Mĩ và một số nước lớn khác sang Việt Nam có thể mạnh

61

hơn. Việt Nam sẽ càng trở nên hấp dẫn và thu được nhiều lợi ích hơn từ nguồn vốn FDI này.

Một phần của tài liệu Chiến tranh thương mại mỹ trung quốc và tác động của nó đối với việt nam (2018 2020) (Trang 55 - 61)