7. Kết cấu của luận văn
3.1.4. Quá trình đô thị hóa thành phố Tam Kỳ biết kết hợp lợi thế tự nhiên gắn
phát triển đô thị xanh
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay thành phố Tam Kỳ vẫn giữ gìn được nét độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cũng như kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Do đó, năm 2015, tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á phong danh Tam Kỳ là thành phố “Phong cảnh thành phố châu Á”, đó là một những động lực và tự hào của thành phố Tam Kỳ vùng đất với nhiều những nét tạo hóa độc đáo thiên nhiên ban tặng.
Về quy hoạch đô thị, theo Kiến trúc sư Hoàng Sừ “Với diện tích 9.000 ha trải dài từ Tây sang Đông, thành phố Tam Kỳ không chỉ có con sông Trường Giang mà còn có
thêm hai con sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ chảy song song từ Bắc xuống Nam rồi hòa chung chảy ra vịnh Kỳ Hà. Hai hồ nước lớn 3.500 ha và hồ Sông Đầm như hai lá phổi xanh tạo sự điều hòa nước và không khí cho thành phố. Không gian toàn bộ đô thị tràn ra phía Đông gặp bờ biển Tam Thanh, các dãy đồi An Hà, Quảng Phú, Trà Cai, địa đạo Kỳ Anh...nằm trong lòng thành phố như chờ sẵn dịp cho ngày hội nhập không gian đô thị. Thành phố hiện tại hơn 300ha và hơn 200 ngàn dân là bàn đạp chắc chắn cho việc phát triển không gian đô thị hướng biển...”[86, tr.20].
Với lợi thế ưu đãi của tự nhiên có thế bên núi, bên biển và các dòng sông; thành phố Tam Kỳ xây dựng cho mình một diện mạo dáng dấp của hiện đại với những kiến trúc kết hợp riêng biệt về không gian và cảnh quan. Thế mạnh đó thành phố Tam Kỳ đã trở thành thế mạnh và tâm điểm thu hút các dự án phát triển đô thị. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu, đầu tư các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn, như dự án khu dân cư An Phú (công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam); các dự án phát triển đô thị và du lịch tại thành phố Tam Kỳ (công ty Cổ phần ô tô Trường Hải); Khu đô thị cánh đồng Nhoong (công ty Cổ phần Đầu tư DHC); khu đô thị kiểu mẫu Tây Bắc (công ty Đại Dương Xanh); Trường trung cấp nghề ASEAN; khu phố chợ Trường Xuân (công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thái Dương) [118, tr.25].
Thành phố Tam Kỳ luôn xác định gắn quy hoạch phát triển theo định hướng xanh, cộng sinh với môi trường. Kết quả đến năm 2016, 100 % tuyến phố chính của thành phố được trồng cây xanh, góp phần làm cho diện tích đất cây xanh toàn thành phố rất cao, đạt 9,95m người, hệ thống cây xanh theo hướng tổ chức thành các tuyến liên tục với những loại cây xanh đặc trưng của Tam Kỳ. Hồ nước Phú Ninh cung cấp nước cả thành phố, hồ điều hòa Nguyễn Du, Duy Tân, hệ thống sông Bàn Thạch, sông Trường Giang và khu sinh thái sông Đầm…góp phần tạo cảnh quan đẹp và là lá phổi xanh của thành phố Tam Kỳ [120, tr.6].
Thêm vào đó, là vệt núi Trà Cai, An Hà, núi Cấm, núi Dài-núi Yên Ngựa; sông chủ đạo gồm sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Phú…khu vực dịch vụ, công viên ven sông và vui chơi giải trí cùng hệ thống bến thuyền; lá phổi xanh không gian sông Đầm; làng quê ven đô Hương Trà, Tam Ngọc, triền hồ Phú Ninh…và làng bích họa ven biển. Trong “lõi đô thị” thành phố Tam Kỳ, có các không gian xanh chủ đạo kết hợp với kiến trúc hiện đại tòa nhà hành chính tỉnh và các khối kiến trúc cao tầng, được đan xen bởi Quảng trường 24/3 tại trung tâm tạo thành điểm nhấn của thành phố, kết hợp không gian mở thoáng đãng.
Về mặt chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3550-QĐ/UBND (ngày 16/11/2014) “Về việc Phê duyệt quy hoạch và ban hành quy định quản lý xây dựng kèm theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”. Theo quyết định này, thành phố Tam Kỳ được định hướng phát triển thành “đô thị xanh”, với vai trò là thủ phủ của tỉnh và là một đầu mối phát triển trong tuyến kinh tế ven biển Đà Nẵng-Quảng Nam-
Quảng Ngãi, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Từ những chủ trương đó, tại Hội thảo tăng cường hợp tác hướng tới chiến lược phát triển thành phố Tam Kỳ “xanh” và “thông minh” do Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ phối hợp với tổ chức UN-Habitat và thành phố Fukuoka (Nhật Bản) tổ chức, hội thảo đã khẳng định thành phố Tam Kỳ có đầy đủ các điều kiện để quy hoạch và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và thông minh trong tương lai.
Chính lợi thế đó trong bản ghi nhớ “Chương trình thung lũng đô thị thông minh miền Trung Việt Nam” tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã thống nhất chọn các dự án hỗ trợ chính thức cho Quảng Nam với giá trị 9 triệu USD. Chương trình sẽ triển khai tập trung ở thành phố Tam Kỳ trong phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính, hạ tầng và dịch vụ đô thị Tam Kỳ theo hướng đô thị thông minh.
Như vậy, từ vị trí địa lý thuận lợi kết hợp với chiến lược phát triển có định hướng rõ ràng về chính sách như trên, thành phố Tam Kỳ có đầy đủ điều kiện để trở thành một đô thị xanh, không gian mở hiện đại trong tương lai.