Sự chuyển biến trong lĩnh vực giáo dục

Một phần của tài liệu Đô thị hóa thành phố tam kỳ tỉnh quảng nam (1997–2017) 1 (Trang 66 - 68)

7. Kết cấu của luận văn

2.4.3. Sự chuyển biến trong lĩnh vực giáo dục

Trong quá trình đô thị hóa, một trong những thành tựu tiêu biểu là sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Điều này tạo ra thế và lực cho sự chuyển biến trong các lĩnh vực khác.

Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và học được giữ vững. Năm học 1998-1999, số lượng học sinh các cấp tăng 2,7% so thời điểm chưa chia tách, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 99,97%. Phong trào học sinh giỏi được duy trì, toàn thị xã có 126 em học sinh giỏi các cấp. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở các xã, phường đạt 100%, phổ cập THCS và bổ túc THCS đạt khá. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng.

Thành tích của ngành giáo dục thị xã trong giai đoạn này có đóng góp quan trọng của công tác khuyến học. Tính đến năm 2002, đã xây dựng được hội khuyến học ở 20/20 xã, phường, 42 chi hội ở các trường học, 15 chi hội tộc họ, 120 chi hội ở thôn, tổ dân phố. Với số lượng hội, chi hội và hội viên rộng khắp, hoạt động năng nổ, tích cực đã đưa phong trào khuyến học trên địa bàn thị xã trở thành phong trào lớn mạnh, kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của thị xã-một nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân Tam Kỳ. Trong 10 năm (1992-2002), hội khuyến học các cấp đã cấp 1.891 suất học bổng với gần 387 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 5.737 giải với số tiền hơn 592 triệu đồng cho học sinh giỏi các cấp. Ở cơ sở, phong trào khuyến học phát triển mạnh ở các xã Tam An, Tam Thành, Tam Lộc, Tam Ngọc, An Sơn được các cấp đánh giá cao, nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng. Đặc biệt, ngày 21-8-2001, Ủy ban nhân dân thị xã ban hành Quyết định số 05/2001/UBND về việc ban hành Giải thưởng Phan Châu Trinh, đối tượng xét giải mở rộng cho con em thị xã là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nghiên cứu sinh bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ. Giải thưởng ra đời thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thị xã đối với công tác khuyến học, góp phần vào công tác xây dựng nguồn lực con người, đào tạo nhân tài phục vụ cho sự phát triển của thị xã trong những năm tiếp theo [2, tr.147].

Giáo dục và đào tạo được đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp. Đến năm học 2009- 2010, toàn thành phố đã có 46 trường (từ mầm non đến trung học phổ thông) và 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên, bên cạnh đó thành phố đã hình thành 13 Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã phường, tầng hóa 25 trường, xây dựng 21 trường chuẩn quốc gia (01 trường đạt mức II). Thành phố đã ban hành nhiều đề án để góp phần nâng cao chất lượng dạy, học và phổ cập giáo dục ở các cấp học như Đề án phổ cập giáo dục bậc trung học; Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non, mẫu giáo bán công sang trường mầm non, mẫu giáo công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ một phần tài chính giai đoạn 2009- 2010; Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học giai đoạn 2008-2015 [2, tr.148]...Nhờ đó, đến năm 2010 có 8/13 xã, phường đạt chuẩn phổ

cập giáo dục bậc trung học theo khảo sát đánh giá của thành phố. Phẩm chất, trình độ đội ngũ nhà giáo được nâng cao, tỷ lệ đảng viên đạt trên 30%, trên chuẩn đào tạo đạt 60%. Xã hội hóa giáo dục tiếp tục được thực hiện, các tổ chức khuyến học từ thành phố đến cơ sở hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.

Đặc biệt khi thành phố Tam Kỳ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 02- NQ/TU về phát triển giáo dục thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015 và Đề án phát triển giáo dục của Thành phố giai đoạn 2011-2015 đạt nhiều kết quả [2, tr.148].

Chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày được nâng cao, cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường đầu tư theo hướng tầng hóa, kiên cố hóa, chuẩn hóa. Kết quả dạy học đại trà và mũi nhọn có nhiều chuyển biến tốt, luôn cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Trong 5 năm qua, công tác phổ cập giáo dục các bậc học được tập trung triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2015, có 30 trường đạt chuẩn quốc gia; 13 xã, phường đạt phổ cập giáo dục bậc Trung học, 32 trường MN-MG, Tiểu học, THCS được tầng hóa, kiên cố hóa (Trường tầng hóa, kiên cố hóa: THCS:10/10 trường, tiểu học:14/14 trường, mầm non: 8/14 trường) [118, tr.5].

Bậc học THPT có 01 trường đạt chuẩn quốc gia (trường THPT Trần Cao Vân). Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt trên 97%, trong đó bình quân có trên 30% học sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được quan tâm, các tổ chức khuyến học từ thành phố đến cơ sở hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng có chuyển biến khá tốt. Câu lạc bộ, lớp năng khiếu tại Nhà Văn hóa thiếu nhi đã góp phần việc bồi dưỡng, phát huy năng khiếu cho các em thiếu nhi trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2011-2015, đã đầu tư xây dựng mới 10 trường, nâng cấp 14 trường. Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất trang thiết bị, chất lượng đội ngũ và hoạt động ngành giáo dục ngày càng phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhiều năm liền luôn là tốp đầu của tỉnh về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng nâng cao theo hướng thực chất, bền vững, học sinh THCS thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và học sinh THPT thi đỗ vào các trường đại học không ngừng tăng. Thông qua hoạt động khuyến học các cấp sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước, các trường học ở Tam Kỳ được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được khen thưởng, học sinh nghèo, khó khăn được cấp học bổng tiếp sức đến trường. Giải thưởng Phan Châu Trinh thực sự phát huy tác dụng tích cực để biểu dương học sinh, sinh viên, cán bộ thành phố đạt thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra trên địa bàn thành phố Tam Kỳ có các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường Quân sự địa phương, trường Chính trị tỉnh...đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chất lượng, đào tạo nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho công nghiệp hóa phát triển thành phố Tam Kỳ.

Như vậy, có thể thấy rằng quá trình đô thị hóa gắn liền với phát triển toàn diện thành phố Tam Kỳ, thì lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm đúng mức. Nhờ đó sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ qua các giai đoạn góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố.

Một phần của tài liệu Đô thị hóa thành phố tam kỳ tỉnh quảng nam (1997–2017) 1 (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)