7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Bối cảnh lịch sử thành phố Tam Kỳ
Ngày 15-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết về việc chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng thành 02 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tỉnh Quảng Nam có 14 đơn vị hành chính trực thuộc và tỉnh lỵ đóng tại thị xã Tam Kỳ. Ngày 30-12-1996, Tỉnh uỷ Quảng Nam- Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 6, công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Nam và Đảng bộ lâm thời thành phố Đà Nẵng. Đây là Hội nghị của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn tất mọi mặt cho việc chia tách, tạo điều kiện cho địa phương phát huy được nội lực và khai thác được tiềm năng, thế mạnh để đưa đất Quảng đi lên theo nhịp điệu phát triển chung của đất nước [2, tr.100].
Gần hai tháng sau, ngày 21-02-1997, tại Quảng trường 24-3, thị xã Tam Kỳ, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam và Thị ủy Tam Kỳ tổ chức lễ đón tiếp các cơ quan của tỉnh Quảng Nam từ thành phố Đà Nẵng vào làm việc ở thị xã Tam Kỳ. Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Thị Minh Chiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Tam Kỳ đọc diễn văn chào mừng, nêu quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh nhà [2, tr.102].
“Trở thành thị xã tỉnh lỵ Quảng Nam, đây là bước khởi đầu cho một chặng đường phát triển mạnh mẽ của Tam Kỳ. Với vị thế mới, Tam Kỳ có những thời cơ và điều kiện để nhanh chóng phát triển đồng thời cũng phải đảm đương một trọng trách hết sức nặng nề là phải vươn lên đáp ứng yêu cầu, tầm vóc của một thị xã tỉnh lỵ, xứng đáng với niềm tin, mong đợi của Đảng bộ, của nhân dân, sánh vai cùng cả nước. Trước hết, với vị thế thị xã tỉnh lỵ, Tam Kỳ sẽ nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các ngành của tỉnh, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nơi đây cũng sẽ là nơi tập trung đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đội ngũ trí thức, lao động lành nghề, đầu mối giao lưu kinh tế sẽ góp phần mở ra khả năng mới cho thị xã phát triển toàn diện” [2, tr.103-104].
Nằm trên trục Quốc lộ 1A, có đường sắt Bắc-Nam đi qua, ở vị trí trung độ giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Tam Kỳ có điều kiện để mở rộng giao lưu với các vùng trong cả nước, là đầu mối giao lưu với các huyện trong tỉnh. Đặc biệt, sự hình thành Khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), cùng với khu công nghiệp tập trung của thành phố Đà Nẵng và của tỉnh sẽ tạo thế và lực mới cho ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch Tam Kỳ phát triển nhanh hơn trong
thời gian đến. Đó cũng là những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững và có chiều sâu hơn trong tương lai.
Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ vốn có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, có tinh thần hiếu học, lao động cần cù và sáng tạo, được rèn luyện thử thách trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, trưởng thành nhanh trong xây dựng với quyết tâm nỗ lực phấn đấu vươn lên; cùng với đó, những thành tựu đạt được trong những năm qua trên các lĩnh vực đã tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật nhất định. Đây sẽ là sức mạnh tổng hợp khi thị xã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, thị xã còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Bức tranh kinh tế-xã hội chưa khởi sắc, có khoảng cách tụt hậu so với các thị xã, tỉnh bạn. Tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế- kỹ thuật và xã hội còn yếu và thiếu, qua nhiều năm chưa tập trung đầu tư xây dựng, có mặt đã và đang xuống cấp. Vùng nội thị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là môi trường, vệ sinh đô thị còn lạc hậu, trình độ dân trí, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó để phục vụ cho quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, có hàng trăm hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở, hàng nghìn lao động phải chuyển nghề, đại bộ phận sống bằng nghề nông nghiệp, buôn bán nhỏ nếu không tập trung giải quyết tốt sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề về kinh tế, xã hội.
Tuy là một thị xã nhưng còn xen kẽ vùng nông nghiệp, lại có xã vùng núi, vùng trung du, vùng cát; thu nhập của nhân dân còn thấp, hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Đối tượng chính sách còn nhiều khó khăn; vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo là vấn đề bức xúc chưa được giải quyết tốt. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ năng lực còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đội ngũ cán bộ cơ sở phần đông chưa qua đào tạo.
Về thiên tai, trong năm 1999, trận lũ lụt lũ lụt lớn đã xảy ra trên diện rộng ở thị xã, đặc biệt ở những vùng trũng thấp có nơi bị ngập trên 2m như Tam An, Tam Đàn, Tam Phú, Tam Thanh, Phước Hòa, Hòa Hương và một số vùng nội thị…làm chết 04 người, bị thương 12 người, 10.477 hộ bị ngập nặng dẫn đến 7.210 hộ bị thiếu đói; gần 2.000ha lúa, hoa màu bị cuốn trôi...gây thiệt hại hơn 25 tỷ đồng [2, tr.115].
Giai đoạn 1997-2004: Tam Kỳ là một trong những địa phương có số đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh (21 xã, phường), phân bố trên nhiều địa bàn khác nhau, từ vùng cát, đồng bằng, vùng giáp ranh, vùng núi; trình độ dân trí, tiềm năng phát triển kinh tế và sự phân bố cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng không đồng đều. Lao động và việc làm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp là chính, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ nhỏ lẻ.
Đến năm 2005, trước yêu cầu phát triển và chủ trương của Chính phủ ban về thành lập phường, xã thuộc thị xã Tam Kỳ và điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ để thành lập huyện Phú Ninh tách khỏi thị xã Tam Kỳ trực thuộc tỉnh Quảng
Nam; theo đó, Tam Kỳ có 13 xã, phường trực thuộc.
Như vậy, từ bối cảnh nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó có những khó khăn, thử thách gay gắt đặt ra, đòi hỏi Tam Kỳ phải nỗ lực vượt bậc để khắc phục qua, từng bước phát triển để thành phố xứng đáng vai trò là tỉnh lỵ của Quảng Nam.