3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.3.3. Đánh giá chung về tình hình hoạt động của VPĐKĐĐ
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013; Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của liên Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai một cấp theo quy định của Luật Đất đai và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong năm 2016 đã cùng với Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động của Văn phòng đăng ký tại 04 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Long và Đồng Nai).
1.3.3.1.Kết quảđạt được
Về tình hình thành lập, đến nay đã có 53/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và đi vào hoạt động. Còn 10 tỉnh, thành phố còn lại đã xây dựng Đề án, đang trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, bao gồm: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Để đẩy nhanh tiến độ thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Tổng cục đã tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo tại Công văn số 2726/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 08 tháng 7 năm 2016 về việc đẩy nhanh tiến độ thành lập văn phòng đăng ký đất đai, đến nay đã có 04 tỉnh có báo cáo. Trong đó thành lập theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành có tỉnh Ninh Bình, Hà Nam; tỉnh Quảng Bình đang trình đề án đã qua thẩm định lên Ủy ban nhân dân tỉnh; tỉnh Quảng Ninh đề nghị chưa thành lập.
Văn phòng Đăng ký đất đai thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng.
Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở một số địa phương đã tăng đáng kể như: Hà Nội (sau 20 tháng thành lập) tăng 665.000 Giấy; Thành phố Hồ Chí Minh (sau 11 tháng thành lập) tăng 299.000 Giấy.
Hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất. Chất lượng thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng đăng ký đất đai đã thường xuyên kiểm soát, phát hiện những sai sót để điều chỉnh, hướng dẫn các Chi nhánh. Thực hiện thủ tục giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã đảm bảo được tiến độ theo quy định,tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.
Về hiệu quả hoạt động, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại những
địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai được cắt giảm xuống từ 5 đến 25 ngày.
Theo bộ thủ tục hành chính về đất đai mà Bộ TNMT mới ban hành, thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính về đất đai mới đã được cắt giảm từ 1/3 đến 1/2. Lĩnh vực đất đai có 48 thủ tục đối với địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai; 70 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai.
Thời gian tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai đã giảm từ 25%-67% so với trước đây. Các thủ tục 2,3,4,5,8,10 giảm dưới 50% thời gian so với trước đây; các thủ tục 1,7 giảm 50% thời gian so với trước đây; đặc biệt các thủ tục 6, 11 giảm hơn 50% so với trước đây
Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới Chính phủ điện tử. Hiện nay đã có 7 tỉnh, thành phố liên thông và chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính với cơ quan thuế để thực hiện việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các Văn phòng đăng ký đất đai đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính theo quy định.
Nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai hiện nay hoạt động khá tốt với cơ cấu tổ chức lên đến hơn nghìn cán bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... một số Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện tốt hoạt động cung cấp dịch vụ công với doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng một năm như Đồng Nai, Đăk Lắk, Vĩnh Long.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có được, do mới thành lập nên hoạt động của Văn phòng đăng ký cũng có những khó khăn như như kinh phí hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh, trụ sở hoạt động của Chi nhánh, trang thiết bị, việc luân chuyển hồ sơ do còn có hạn chế về hạ tầng cơ sở dữ liệu chưa hoàn thiện, việc giải quyết khối lượng hồ sơ công việc lớn cũng tạo áp lực cho một số vị trí. Tuy nhiên các khó khăn này có thể khắc phục được trong thời gian tới nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
1.3.3.2. Các hạn chế
Việc thành lập hệ thống VPĐKĐĐ các cấp ở các địa phương còn rất chậm so với yêu cầu nhiệm vụ thi hành Luật đất đai.
Chức năng nhiệm vụ của các VPĐKĐĐ ở nhiều địa phương chưa được phân định rõ ràng, nhiều VPĐKĐĐ cấp tỉnh còn có sự chồng chéo với một số đơn vị khác của Sở, thậm chí một số tỉnh còn chồng chéo chức năng với VPĐKĐĐ cấp huyện.
Việc tổ chức bộ máy các VPĐKĐĐ ở các địa phương chưa thống nhất; chức năng nhiệm vụ của một số đơn vị trực thuộc VPĐKĐĐ cấp tỉnh chưa được phân định rõ ràng, đôi khi còn chồng chéo, thiếu tính chuyên nghiệp, thậm chí có nơi các phòng làm chung cùng một công việc.
Điều kiện nhân lực của hầu hết các VPĐKĐĐ còn rất thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mà Luật đất đai đã phân cấp; đây là nguyên nhân cơ bản của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm và hạn chế trong việc lập, chỉnh lý hồ sơ địa chính hiện nay.
Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của VPĐKĐĐ còn rất thiếu thốn, nhiều VPĐKĐĐ chưa có máy đo đạc để trích đo thửa đất, máy photocopy để sao hồ sơ; đặc biệt diện tích làm việc chật hẹp và không có trang thiết bị bảo quản để triển
khai việc lưu trữ hồ sơ địa chính phục vụ việc khai thác khi thẩm tra hồ sơ và cung cấp thông tin đất đai.
Không thống nhất về loại hình hoạt động giữa các địa phương: có địa phương VPĐKĐĐ phải tự bảo đảm kinh phí để tồn tại và hoạt động, có địa phương VPĐKĐĐ được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước cho một phần kinh phí hoạt động, cũng có địa phương VPĐKĐĐ được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước cho toàn bộ kinh phí để hoạt động.
Hoạt động của VPĐKĐĐ chưa triển khai thực hiện hết các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ địa chính; việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của VPĐKĐĐ các cấp ở nhiều địa phương còn một số điểm chưa thực hiện đúng quy định.