Đối với công ty hợp danh

Một phần của tài liệu góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp việt nam năm 2005 những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ (Trang 52 - 55)

2.2.2.1. Chủ thể góp vốn

Tài sản ban đầu của công ty hợp danh được tạo lập bởi vốn góp của các thành viên hợp danh và thành viên góp vốn ( nếu có). Đối với thành viên góp vốn, quyền góp vốn giống như việc góp vốn vào công ty TNHH. Tuy nhiên, đối với thành viên hợp danh, việc góp vốn, tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp phải tuân theo

những quy định chặt chẽ hơn. Đó là:

Thứ nhất, thành viên hợp danh phải là cá nhân. Khác với thành viên góp vốn có thể là cá nhân hay tổ chức, thành viên hợp danh chỉ có thể là cá nhân nhằm đảm bảo “chế độ trách nhiệm vô hạn” của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh là “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vu của công ty”theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 130 LDN năm 2005

Thứ hai, mỗi cá nhân chỉ được làm thành viên hợp danh của một công ty hợp danh. Có quy định này là do công ty hợp danh là công ty đối nhân, các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh cùng góp vốn, tham gia quản lý hoạt động kinh doanh của công ty và chịu trách nhiệm liên đới thanh toán hết số nợ của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trả nợ. Do đó, tất cả các thành viên hợp danh đều phải tin tưởng nhau tuyệt đối và làm việc theo lợi ích chung của tất cả các thành viên. Việc quy định thành viên hợp danh không được làm thành viên hợp danh của nhiều công ty để tránh hoạt động phát sinh tư lợi và phát huy chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh.

2.2.2.2. Tiến độ góp vốn

Cũng giống như công ty TNHH, công ty hợp danh cũng cho phép các thành viên, gồm cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn được phép góp vốn trong một thời hạn nhất định theo cam kết và phải “góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết”. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng của công ty hợp danh so với các loại hình khác nên quy định về góp vốn cũng có những đặc điểm khác biệt. Với loại hình công ty hợp danh, pháp luật đề cao tính tự thỏa thuận giữa các thành viên nên những quy định của pháp luật đối với công ty hợp danh không quá chi tiết và can thiệp sâu vào hoạt động quản lý, kinh doanh của công ty. Đối với hoạt động góp vốn, tuy rằng LDN cũng cho phép các thành viên không cần góp vốn ngay mà được cam kết một thời hạn nhất định nhưng LDN cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có những quy định về thời hạn tối đa để các thành viên phải hoàn thành nghĩa vụ góp vốn vào công ty. LDN chỉ quan tâm đến việc các thành viên góp vốn đúng theo cam kết trong Điều lệ thành lập công ty.

Do sự khác biệt về địa vị pháp lý của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn trong công ty hợp danh nên những quy định về xử lý vi phạm cam kết góp vốn thành lập công ty của hai đối tượng này cũng khác nhau.

Đối với thành viên hợp danh: Trách nhiệm góp vốn của thành viên hợp danh được quy định tại Khoản 2 Điều 131 LDN năm 2005Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty”. Quy định này của LDN chưa rõ ràng, và chưa mạnh khi chỉ yêu cầu thành viên hợp danh phải bồi thường thiệt hại cho công ty nếu không góp đủ hoặc đúng hạn số vốn đã cam kết. Như vậy, nếu công ty không xảy ra thiệt hại gì từ việc thành viên không hoàn thành nghĩa vụ góp vốn thì sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả?. Thắc mắc này đã được giải đáp tại Điều 138 có quy định về việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Theo đó, nếu thành viên hợp danh” không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai” theo điểm a Khoản 3 Điều 138 thành viên đó sẽ bị khai trừ khỏi công ty và bị chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. Quy định này, tuy đã có mức xử lý rõ ràng và mạnh là “bị khai trừ khỏi công ty” nếu không hoàn thành nghĩa vụ góp vốn nhưng thời gian vẫn không được quy định cụ thể mà chỉ là “sau khi công ty có yêu cầu lần thứ hai”. Quy định này theo đúng tinh thần của công ty hợp danh là đề cao quyền tự quyết cũng như sự thỏa thuận của các thành viên.

Đối với thành viên góp vốn: Theo quy định tại Điều 131 Khoản 3 thì “ thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.”. Việc xử lý đối với thành viên góp vốn khi không dóp đủ và đúng hạn vốn cam kết gớp gần giống như với thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên khi coi số vốn chưa góp là “nợ”. Quy định này làm cho các thành viên chưa góp đủ vốn có trách nhiệm hơn trong việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn vào thành lập công ty.

2.2.2.4. Sự chi phối của việc góp vốn đến quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty.

Từ đặc điểm của thành viên hợp danh là phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản về các nghĩa vụ của công ty nên nghĩa vụ của thành viên hợp danh lớn hơn của thành viên góp vốn, kể cả ở bất kỳ tỷ lệ góp vốn nào.

Thành viên hợp danh: Thành viên hợp danh là người quyết định sự tồn tại và phát triển của của công ti về cả mặt pháp lí và thực tế. Trong quá trình hoạt động, các thành viên hợp danh được hưởng những quyền cơ bản, quan trọng của thành viên công ti đồng thời phải thực hiện những nghĩa vụ tương xứng để bảo vệ quyền lợi của công ti và những người liên quan. Bất kỳ tỷ lệ góp vốn là bao nhiêu, mỗi thành viên hợp danh đều chỉ được 1 phiếu biểu quyết về các vấn đề của công ty trừ khi Điều lệ có quy định khác. Hơn nữa, tất cả các thành viên hợp danh đều có quyền Điều hành công ty, đại diện theo pháp luật của công ty như nhau. Các quyết định được đưa ra dựa theo đa số. Thành viên hợp danh sẽ được chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận tại Điều lệ. Tại Điểm e, Khoản 2 Điều 134 LDN cũng quy định thành viên hợp danh sẽ phải “chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thoả thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ”9. Nói chung, Luật vẫn coi sự thỏa thuận của các thành viên hợp danh là yếu tố quan trọng nhất. Chỉ trừ khi Điều lệ không quy định thì quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên hợp danh mới dựa vào tỷ lệ góp vốn. Nếu Điều lệ không có quy định gì khác thì việc phân chia lợi nhuận và chịu lỗ theo phần vốn góp. Tuy nhiên, khi tài sản công ty không đủ để trả nợ thì các thành viên hợp danh sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn là phải liên đới chị trách nhiệm bằng tài sản cá nhân để trả nợ.

Thành viên góp vốn: Trái ngược với chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn góp. Theo đó, thành viên góp vốn sẽ được chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn vào công ty và chịu trách nhiệm dựa vào phần vốn cam kết góp vào công ty. Và dù tỉ lệ góp vốn là bao nhiêu thì thành viên góp vốn cũng không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty.

Một phần của tài liệu góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp việt nam năm 2005 những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ (Trang 52 - 55)