Ngoài công ty TNHH một thành viên và doanh nghiệp tư nhân thì việc thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải huy động nguồn vốn kinh doanh từ nhiều chủ thể khác nhau. Theo đó, các chủ thể có thể góp vốn vào công ty nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng kinh tế. Tỷ lệ phần trăm số vốn mà họ góp trong tổng số vốn điều lệ là phần vốn góp của mỗi thành viên. Nó có vai trò rất quan trọng đối với chủ thể góp vốn, đồng thời, là cơ sở cho nhiểu hoạt động quản lý trong doanh nghiệp.Bởi vì phần vốn góp của thành viên là cơ sở để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên trong công ty.
1.3.2.1. Quyền lợi của thành viên góp vốn
Thông thường, nếu Điều lệ công ty không có quy định gì khác thì thành viên góp vốn sẽ được hưởng quyền lợi dựa theo phần góp vốn. Theo đó, thành viên có tỷ lệ phần trăm vốn góp cao hơn sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn. Quyền lợi của thành viên trong công ty bao gồm quyền tài chính và quyền phi tài chính. Với quyền tài chính, các thành viên góp vốn sẽ được phân chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp vào công ty khi công ty đang hoạt động và được nhận một phần tài sản còn lại theo phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản. Với quyền phi tài chính như quyền biểu quyết, các thành viên thông thường sẽ có phiếu biểu quyết tương ứng với tỷ lệ góp vốn ( ngoại trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong CTCP có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không mang tới cho chủ sở hữu quyền tham dự họp Đại hội
đồng cổ đông và quyền biểu quyết). Từ phần vốn góp của mình, các thành viên sẽ có quyền tham gia biểu quyết quyết định những vấn đề hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong các cuộc họp Hội đồng Thành viên, Hội đồng quản trị.
1.3.2.2. Nghĩa vụ của thành viên góp vốn
Các thành viên sẽ có những nghĩa vụ tương xứng với quyền lợi được hưởng. Ví dụ như khi công ty làm ăn thua lỗ, chủ sở hữu phần vốn góp cũng phải chấp nhận gánh vác phần lỗ đó tương ứng với tỷ lệ giá trị phần vốn góp vào công ty, khi công ty đang hoạt động cũng như khi công ty kết thúc hoạt động.
Ngoài ra, đối với một vài trường hợp đặc biệt thì pháp luật có yêu cầu thành viên cụ thể phải có một tỷ lệ góp vốn nhất định nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Ví dụ như trong công ty TNHH, tại Điều 57 LDN năm 2005 quy định về tiêu chuẩn của Giám đốc/ Tổng giám đốc công ty thì Giám đốc/ Tổng giám đốc “Là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty hoặc người không phải là thành viên, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.”. Hay đối với CTCP thì “ Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” theo Điều 84 LDN 2005. Những quy định naỳ thưởng dành cho người điều hành, quản lý doanh nghiệp để gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích chung của doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích chung.