Tài sản của doanh nghiệp ban đầu được tạo lập là do các thành viên góp vào vốn Điều lệ để thành lập doanh nghiệp. Có nhiều loại tài sản được góp như tài sản hữu hình, tài sản vô hình hay động sản hoặc bất động sản. Nhìn tổng quát, tài sản được hiểu là tất cả các nguồn lực hữu hình hoặc vô hình, bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản của một chủ thể nhất định, có khả năng mang lại lợi ích cho các chủ thể đó. Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật dân sự năm 2005, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Trong đó:
Vật: gồm cả vật đang có và vật sẽ được hình thành trong tương lai. Ví dụ công trình đang được xây dựng, tàu thuyền đang đóng hoặc sẽ đóng, hoa quả sẽ có,…
Tiền, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, công trái, séc, giấy ủy nhiệm chi, tín phiếu, sổ tiết kiệm,…
Các quyền tài sản như quyền sử dụng đất, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ,… Các chủ thể góp vốn có thể góp vốn thành lập doanh nghiệp dưới nhiều hình thức do có nhiều loại tài sản. Theo đó, nhà đầu tư được góp vốn bằng những tài sản mà pháp luật không cấm. Trong kinh doanh, quyền tự quyết của doanh nghiệp là một yếu tố rất quan trọng và được pháp luật bảo đảm. Việc ghi nhận quyền tự do trong kinh doanh của các chủ thể bằng việc đa dạng các hình thức góp vốn là một sự cần thiết trong các quy định của pháp luật. Bởi vi doanh nghiệp hoạt động không chỉ cần tiền mặt mà còn cần nhiều loại tài sản khác như máy móc, thiết bị, sáng chế…Hơn thế nữa, các chủ thể tham gia góp vốn có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, mà những tài sản mang đi góp đó sẽ được định giá để quy ra giá trị. Việc này đã tạo nên sự linh động trong việc góp vốn, thuận lợi cho cả người góp vốn và cả doanh nghiệp. Những thành viên, cổ đông sáng lập có thể thỏa thuận những loại tài sản được phép góp vốn vào công ty và được ghi trong Điều lệ của doanh nghiệp.
1.3.4. Nguyên tắc và thủ tục góp vốn
Khi góp vốn để thành lập doanh nghiệp, điều quan trọng là phải xác định phần vốn góp của từng thành viên. Để xác định được chính xác phần vốn góp, tỷ lệ góp vốn của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, về nguyên tắc pháp luật cần phải có sự định giá tài sản góp vốn. Như vậy, định giá tài sản góp vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phần đóng góp của từng thành viên.