Điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp

Một phần của tài liệu góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp việt nam năm 2005 những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ (Trang 30 - 33)

1.3.1.1. Điều kiện về chủ thể góp vốn

Việc góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh hay mua cổ phần vào CTCP xảy ra vào hai thời điểm: Góp vốn để thành lập công ty và góp thêm vốn vào khi công ty đang hoạt động. Đối với việc góp vốn khi thành lập công ty, những quy định về chủ thể góp vốn được quy định chặt chẽ hơn so với thời điểm khi công ty đang hoạt động. Bởi vì những cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn ban đầu để thành lập doanh nghiệp (trừ công ty TNHH MTV) và công ty tư nhân thì đều giữ vai trò rất quan trọng trong công ty như cổ đông sáng lập của CTCP, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, thành viên sáng lập của công ty TNHH hai thành viên trở lên. Những chủ thể này là người khai sinh ra doanh nghiệp, điều hành, quản lý và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong công việc kinh doanh. Cũng chính vì tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc nắm giữ quyền hành trong công ty mà những đối tượng trên là những đối tượng dễ lạm dụng chức quyền, hoạt động kinh doanh vì mục đích tư lợi nhất. Do vậy, chỉ có những chủ thể được phép theo Luật mới được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp. LDN năm 2005 cho phép tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp ngoại trừ các đối tượng sau:

Nhóm đối tượng nằm trong cơ quan Nhà nước mà việc thành lập doanh nghiệp có thể phát sinh những mục đích tư lợi, ảnh hưởng đến tài sản Quốc gia như: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình, Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam..

Nhóm đối tượng chưa có đủ, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như: Người chưa thành niên, người đang chấp hành hình phạt tù.

Nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo Luật phá sản.

1.3.1.2. Điều kiện về vốn Điều lệ

“Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty” theo Khoản 6 Điều 4 LDN. Vốn điều lệ là một khái niệm rất quan trọng vì nó là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần trong công ty, thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong công ty. Ngoài ra, vốn điều lệ cũng nói lên được phần nào quy mô cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, khi thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải tiến hành góp vốn điều lệ sao cho thỏa mãn một số điểu kiện như sau:

Thứ nhất, Vốn điều lệ phải được hình thành từ những nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật về nội dung cũng như hình thức. Cụ thể, nguồn vốn hình thành lên vốn điều lệ không được trái quy định của pháp luật. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 LDN về góp vốn. Ngoài ra, khi góp vốn hình thành lên vốn điều lệ, các nhà đầu tư cũng phải thực hiện những thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, đối với những ngành nghề có quy định về mức vốn pháp định thì mức vốn điều lệ mà các nhà thành viên góp vào ít nhất phải bằng vốn điều lệ.

Thứ ba, mức vốn điều lệ phải được thực góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định để tránh trường hợp khai khống vốn.

1.3.1.3. Điều kiện về vốn pháp định

Theo Khoản 7 Điều 4 LDN 2005 thì Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp”. Như vậy, khi các thành viên thực hiện việc góp vốn để thành lập doanh nghiệp thì tổng số vốn góp hoặc cam kết góp không được thấp hơn số vốn pháp định mà Nhà nước đưa ra hay nói cách khác, khi thành lập doanh nghiệp thì phải đảm bảo số vốn điều lệ do các thành viên góp tối thiểu phải bằng vốn pháp định. Trước đây, theo quy định của của Luật Công ty năm 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 thì vốn pháp định được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như các ngành nghề kinh doanh khác nhau do Hội đồng Bộ trưởng quy định. Sau đó, đến trước năm 2005, theo quy định LDN năm 1999 và luật Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn áp dụng quy định về vốn pháp định với bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào. Đối với các doanh nghiệp trong nước quy định về vốn pháp chỉ còn áp dụng cho một số ngành nghề kinh doanh nhất định. Mức vốn pháp định đối với các ngành nghề khác nhau thì được áp dụng theo các quy định khác nhau của pháp luật chuyên ngành. Đến nay, khi LDN 2005 ra đời thì vốn pháp định chỉ là điều kiện bắt buộc với một số ngành nghề kinh doanh đặc thù nhất định , bất kể đó là loại hình doanh nghiệp nào, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước. Việc tháo bỏ quy định về mức vốn pháp định đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp hay tất cả các ngành nghề là phù hơp với thực tế do:

LDN được xây dựng với mục đích mở rộng quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, trong đó có quyền tự do lựa chọn mô hình và xác định quy mô kinh doanh. Chính vì thế mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể kinh doanh với mức vốn, quy mô doanh nghiệp tùy theo năng lực tài chính của công ty.

Nhà nước không nên ấn định quy mô vốn và quy mô doanh nghiệp cho nhà đầu tư bởi vì chính họ mới biết được nhu cầu về vốn của mình là tới đâu, trừ những trường hợp đặc biệt hoặc những trường hợp kinh doanh ngành nghề có điều kiện về vốn.

Mục đích của Nhà nước khi quy định vốn pháp định là để ngăn cản sự xuất hiện của các công ty ma và các chủ thể tìm cách thành lập doanh nghiệp thực hiện những hành vi xảo trá, đòi hỏi về số vốn cần thiết nếu muốn tiến hành hoạt động

kinh doanh. Tuy nhiên, quy định này trên thực tế không phát huy được nhiều tác dụng do các doanh nghiệp vẫn tìm cách lách luật bằng cách lừa đảo, vay mượn tiền cho đủ số vốn pháp định để ký quỹ tại ngân hàng. Sau khi nhận được giấy Đăng ký kinh doanh thì rút ra ngay.

Hiện nay, chỉ có một số ngành nghề nhất định như kinh doanh ngân hàng, bảo lãnh chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ bảo vệ, kinh doanh bất động sản mới yêu cầu mức vốn pháp định. Đây là những lĩnh vực đòi hỏi một mức độ quy mô vốn cần thiết để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, đó là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tác động lây lan và có xác suất rủi ro cao. Các quy định này thể hiện trong pháp luật chuyên ngành.

Một phần của tài liệu góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp việt nam năm 2005 những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w