III. Đề xuất tiếp tục phân cấp, phân quyền trong quản lý phát triển đô thị và nhà ở
1. Cơ sở pháp lý
Cùng với định hướng thay đổi phương pháp quản lý các trường, Đảng, Chính phủ và Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản, chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy và khẳng quyền quyền tự chủ của các trường. Có thể kể đến như:
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010 - 2012; Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đưa ra nhiệm vụ, giải pháp: “Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo… Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo”.
Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016: “Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa hội đồng trường với ban giám đốc (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên”.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đưa ra nhiệm vụ, giải pháp: “Đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu”.
Năm 2014, để cụ thể hoá các nội dung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học trong khung khổ pháp lý được quy định, đồng thời để thúc đẩy hoạt động tự chủ đại học tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết 77). Theo đó các trường công lập khi cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư thì được thí điểm thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt: đào tạo và NCKH; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm...
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học (2012) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018; Luật Giáo dục (2019), và các văn bản dưới luật đã có nhiều nội dung quy định quan trọng liên quan đến phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ đối với giáo dục đại học, các trường được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao phù hợp với năng lực trong tất cả các hoạt động quan trọng của trường đại học, trong đó có quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn, quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, quyền tự chủ về tài chính và tài sản và trong nhiều hoạt động chi tiết như tuyển sinh và đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng… Các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Có thể thấy rằng các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, Ban, ngành nêu trên đều thống nhất chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt Chính phủ đã phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.