Văn hóa pháp luật trong cử tri là kết quả của quá trình nhận thức, hiểu biết pháp luật và hình thành nên thái độ, niềm tin đúng đắn đối với pháp luật của mỗi
người. Đổi mới và nâng cao trình độ văn hóa pháp luật cho cử tri trước tiên phải bắt đầu từ vấn đề nhận thức, để mỗi cá nhân đều hiểu về pháp luật và những nguyên tắc vận dụng vào trong cuộc sống. Khi cử tri không nhận thức, không hiểu biết đầy đủ về pháp luật gây trở ngại lớn trong việc nêu ý kiến, kiến nghị và đặc biệt việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình; đồng thời tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của đại biểu HĐND.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật phải gắn liền với giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Phải có sự lồng ghép giữa tuyên truyền, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức nghề nghiệp để có thể đạt được hiệu quả giáo dục toàn diện. Điều đó xuất phát từ “sự thống nhất về nguyên tắc giữa pháp luật, đạo đức và văn hóa được thể hiện trong mỗi hành vi pháp luật của cá nhân, tổ chức, trong mọi lĩnh vực đời sống nhà nước và pháp luật”. [20, tr.79]
Để có thể nâng cao văn hóa pháp luật trong mỗi cử tri, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, chủ động giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là giai đoạn đầu cho việc hình thành nhân cách, trong đó hiểu biết pháp luật là một vốn văn hóa sống, làm hành trang bước vào đời là những công dân tốt của xã hội; nên công tác giáo dục từ giai đoạn này rất quan trọng.
Thay vì giáo dục pháp luật theo lối mòn gây sự ép buộc, không tạo hứng thú tiếp thu, người giảng dạy cần thực hiện với nội dung, hình thức đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tủ sách pháp luật tại các nhà trường. Đặc biệt, biên soạn và nâng cao chất lượng dạy và học môn giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhà trường cùng các cơ quan chuyên môn trên địa phương, tổ chức các “Ngày Pháp luật”, các tiết học ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ví dụ: cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường”,… theo hướng đa dạng, phong phú, thiết thực.
Thứ hai, cần nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để làm tốt công tác này, cần có sự vào cuộc của Sở Tư pháp mỗi địa phương nghiên cứu và tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh mới được Quốc hội
thông qua, ban hành. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác phổ biến pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh tại địa phương, chú trọng đến các vấn đề khởi nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trên toàn địa bàn mình quản lý và cả những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng của từng địa phương tìm hiểu từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực để lên kế hoạch biên soạn những tài liệu phổ biến pháp luật phù hợp. Sở Tư pháp phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến hướng tới trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu thông tin về pháp luật của đại biểu, cử tri từng địa phương và toàn Nhân dân. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân phối hợp mở các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trên các trang thông tin trực tuyến của tỉnh như Báo, Đài Phát thanh và truyền hình, và tổ chức phổ biến pháp luật dưới dạng sân khấu hóa nhằm thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia.
Nội dung phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cần thực hiện đa dạng, không chỉ dừng lại ở phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành mà còn cần phổ biến cả những thông tin về pháp luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị, kết quả về việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, các ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp về vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật và cả những ý kiến đánh giá, đóng góp của người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, nhằm giúp hình thành ý thức pháp luật của mỗi đại biểu và cử tri nói riêng và văn hóa pháp luật nói chung. Giúp cho mỗi người nắm bắt được các tri thức pháp luật, các vấn đề thực tiễn pháp luật nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, từ đó giúp cho họ có nhận định, đánh giá và hình thành hành vi pháp luật đúng đắn. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật góp phần vào quá trình giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao trách nhiệm cho cử tri.
Thứ ba, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân.
Đối với công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, trước và sau các kỳ họp thường lệ, Đảng đoàn HĐND lãnh đạo Thường trực HĐND các cấp xây dựng lịch tiếp công dân và phân công trong Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND và chỉ đạo Văn phòng thực hiện tiếp công dân định kỳ hàng tháng tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh theo quy định của pháp luật. Qua đó kết hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới cử tri và Nhân dân trong địa phương. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến cần tập trung và các quy định có liên quan đến đời sống của nhân dân như: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; các Thông tư, Thông tư liên tịch của các bộ, ngành Trung ương; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân,…
Việc lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật với công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cả cán bộ, công chức viên chức và nhân dân trong toàn tỉnh. Ngăn chặn kịp thời và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; đồng thời nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư thuộc địa bàn quản lý, cũng như thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an, và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền trên địa bàn.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật.
Về công tác ban hành Nghị quyết, phải nâng cao vai trò của Đảng đoàn HĐND các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND và các Ban HĐND thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động thẩm tra, thảo luận, biểu quyết để ban hành nghị quyết bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng đoàn các cấp cần tiến hành khảo sát, giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên đối với các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Để qua đó kịp thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất với UBND các cấp, các ngành về những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
3.2.7. Tạo các điều kiện tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri