Cử tri và vị trí của cử tri trong mối quan hệ với đại biểuHĐND

Một phần của tài liệu Quan hệ pháp lý giữa đại biểu hội đồng nhân dân với cử tri (Trang 25 - 28)

1.2.1. Khái niệm, đặc điểm của cử tri

Cử tri làcông dân của nước Việt Nam có đầyđủ những điều kiện tham gia thực hiện quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử các cơ quan đại biểu của nhân dân (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) và quyền bỏ phiếu bãi nhiệm các đại biểu do mình bầu ra khi các đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Theo Điều 27 Hiến pháp năm 2013, mọi công dân Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, tất cả các công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Trừ các trường hợp bị hạn chế quyền bầu cử theo

luật định (khoản 1 Điều 29). Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú (khoản 2 Điều 29).

Những trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri:Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; Người mất năng lực hành vi dân sự.

Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

1.2.2. Vị trí của cử tri trong mối quan hệ với đại biểu Hội đồng nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Nước ta là một nước dân chủ:“Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”,“Nước lấy dân làm gốc;

Gốc có vững, cây mới bền”, nên với mỗi đại biểu HĐND, cử tri chính là gốc. Cái gốc đó càng bền chặt sẽ giúp đại biểu HĐND phát huy được vai trò của mình, nắm bắt kịp thời và phân tích những vấn đề nổi cộm tại địa phương; tạo cơ sở để Hội đồng nhân dân các cấp quyết định đúng và trúng những vấn đề quan trọng; đồng thời, giám sát có hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật.

Thứ nhất, cử tri chính là chủ thể quyền lực nhà nước.Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và theo Điều 6 Hiến pháp năm 2013 “ Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của nhà nước”. Cả hai hình thức thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua các cơ quan dân cử là Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ra các quyết sách hoặc thực thi quyền lực, đều phải lưu ý, các công việc đang thực hiện đều phải là các công việc do Nhân dân ủy thác. Để đảm bảo yêu cầu đó, một trong những điều tiên quyết phải thực hiện là đảm bảo sự thiết lập một cơ chế bầu cử thực chất, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân khi bầu ra thành viên các cơ quan dân cử. Người đại biểu dân cử phải trung thành với lợi ích của Nhân dân và khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì sẽ bị bãi nhiệm.

Thứ hai, cử tri là đối tượng mà đại biểu HĐND đại diện.Trong Điều 115 Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, liên hệ chặt chẽ với cử tri”. Để đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, của cử tri mỗi người đại biểu dân cử phải tin ở cử tri, gần gũi cử tri và phải biết dựa vào cử tri, muốn đưa được đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống Nhân dân; thì đại biểu HĐND phải giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri tại địa phương đã bầu ra mình, gắn bó và phải lắng nghe cử tri.

Thứ ba, cử tri là chủ thể giám sát đại biểu HĐND thực hiện chức năng đại diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Người dân đã có quyền làm chủ thì người dân cũng phải có trách nhiệm của người chủ”. Trong mối quan hệ với đại biểu HĐND, trách nhiệm của người chủđó chính là phải thực hiện chức nănggiám sát hoạt động của người đại biểu dân cử. Nhằm đảm bảo, đại biểu HĐND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình với cử tri và Nhân dân.

Gần 75 năm qua, từ năm 1946 khi Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của nước Việt Nam mới ra đời đến nay, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri nước ta đã từng bước trở thành truyền thống, trở thành nếp sống văn hóa chính trị. Đại biểu HĐND và cử tri luôn đồng lòng, chung sức xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bên cạnh đó, mối quan hệ đại biểu và cử tri tốt sẽ là cơ sở để Hội đồng nhân dân thể hiện đầy đủ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, quyết định đúng những vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước và thực hiện giám sát có hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật đã có hiệu lực tại địa phương.

Vì thế, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri, đảm bảo đại biểu HĐND gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri là một trong những nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu, của Hội đồng nhân dân. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tạo niềm tin, sự gắn bó của cử tri với đại biểu.

Một phần của tài liệu Quan hệ pháp lý giữa đại biểu hội đồng nhân dân với cử tri (Trang 25 - 28)