Đánh giá, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND trong thời gian qua đã đạt được nhiều đổi mới và cải tiến nhất định, tuy nhiên hoạt động TXCT vẫn chưa tạo được bước đột phá, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết, đòi hỏi phải có những cơ chế đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động TXCT, cần phải thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, cần phải thay đổi nhận thức về hoạt động tiếp xúc cử tri.
Cần phải đổi mới nhận thức về hoạt động tiếp xúc cử tri là trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND và cử tri. Để mỗi người hiểu được hoạt động TXCT được coi là quyền lợi, là nghĩa vụ và là trách nhiệm của mình. Đặc biệt, trong thời kỳ 4.0 tiếp xúc cử tri không chỉ giới hạn ở việc tổ chức gặp gỡ trực tiếp theo định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp, mà phải mở rộng ra các hình thức tiếp xúc gián tiếp thông qua các phương tiện, công cụ hỗ trợ khác. Và cần có sự tham gia, phối hợp chuẩn bị của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Ngoài việc cử tri tìm hiểu về đại biểu HĐND do mình bầu ra thì mỗi đại biểu HĐND cũng cần chủ động hơn trong tìm hiểu tình hình địa phương mình đại diện và cả cử tri của mình. Không chỉ đến trực tiếp, mà thông qua kênh thông tin, các đại biểu cũng có thể nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội từng địa phương, tình hình cử tri tại cơ sở xã, phường, thị trấn; cử tri ở các địa bàn trung tâm, cử tri ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bằng; cử tri là người dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, thành thị; nắm bắt những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri địa phương, qua đó tập trung lên dự kiến những vấn đề cử tri quan tâm đưa ý kiến, kiến nghị khi đại biểu đến tiếp xúc.
Thứ hai, cần phải đổi mới tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri.
Nếu như thời gian tiếp xúc cử tri trước đây tổ chức vào giờ hành chính, trùng với thời gian học tập và làm việc của nhiều cử tri là công nhân, cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên. Chính bởi vậy, việc sắp xếp thời gian TXCT
vào cả buổi tối, góp phần tạo điều kiện gặp gỡ các cử tri làm việc vào ban ngày và không bỏ lỡ bất kỳ một ý kiến kiến nghị từ bất cứ cử tri nào. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để từng cá nhân đại biểu có thời gian tiếp xúc cử tri thay vì tổ chức tiếp xúc cử tri theo đoàn hoặc nhóm đại biểu.
Thứ ba, tăng cường các buổi tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
Nhằm tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của cử tri về chính những vấn đề, lĩnh vực, hoạt động mà đại biểu đang quan tâm. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề cũng mang lại thông tin có chất lượng phục vụ trực tiếp cho hoạt động giám sát, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Thứ tư, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri gắn với đối thoại giữa Đảng ủy và Ủy ban nhân dân các cấp, để nghe nhân dân đóng góp ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đây cũng là phương thức để kịp thời nắm bắt và giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân.