tiếp công dân
Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử, là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố niềm tin của nhân dân vào đại biểu mình bầu ra, đồng thời cũng là phương thức hữu hiệu để công dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham gia đóng góp ý kiến vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Do vậy, tiếp công dân là trách nhiệm của mỗi đại biểu dân cử nói chung, đại biểu HĐND nói riêng. Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi đại biểu phải có kỹ năng và tri thức, khi tiếp công dân phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, cẩn trọng trong giao tiếp với dân, biết đặt mình vào vị trí của người khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu HĐND thời gian qua chủ yếu do Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu chuyên trách thực hiện, các đại biểu khác hầu hết chưa thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân. Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND chưa hoàn thiện. Các quy định về hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND (đặc biệt là đại biểu kiêm nhiệm) chưa cụ thể, chưa mang tính bắt buộc. Theo quy định hiện hành thì Thường trực HĐND có trách nhiệm tổ chức và đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất cho việc tiếp công dân của đại biểu HĐND khi đại biểu yêu cầu (Điều 48, Quy chế hoạt động của HĐND), nhưng thực tế ít có đại biểu yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này. Cơ sở pháp lý cho đại biểu HĐND thực hiện việc xử lý đơn, thư và theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn, thư của các cơ quan có thẩm quyền chưa đầy đủ (chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động tiếp công dân của cơ
quan dân cử, đại biểu dân cử, Quy trình về xử lý đơn, thư đối với đại biểu HĐND các cấp; chưa có biểu mẫu cụ thể cho đại biểu kiêm nhiệm trong việc chuyển đơn…).
Nhằm khắc phục bất cập trên, căn cứ theo khoản 1 Điều 2 và Chương 5 Luật tiếp công dân 2013 (có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2014) quy định cụ thể hoạt động tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, Thường trực HĐND (hoặc Chủ tịch HĐND cấp xã) có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND cấp mình tiếp công dân; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân; cử công chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử. Đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân theo lịch đã được phân công. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu HĐND trực tiếp hoặc thông qua Thường trực HĐND cùng cấp, ở cấp xã thì thông qua Chủ tịch HĐND chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Để triển khai chi tiết hoạt động tiếp công dân của cơ quan dân cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2014). Trong đó quy định cụ thể hoạt động tiếp công dân của HĐND và đại biểu HĐND các cấp (Từ Điều 8 đến Điều 13, Mục 2, Chương I) gồm các quy định về trách nhiệm tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân, về nơi tiếp công dân, việc tiếp công dân của đại biểu, của HĐND các cấp, quan hệ phối hợp trong việc tiếp công dân của HĐND cấp tỉnh. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định quy trình tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm thông báo; trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền (Từ Điều 13 đến Điều 16, Mục 3, Chương I). Ngoài ra, trong Nghị quyết có quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thông báo việc tiếp nhận đơn, thông báo kết quả giải quyết đến cơ quan (hoặc đại biểu) chuyển đơn; trách nhiệm của cơ quan dân
cử, của đại biểu dân cử, người tiếp dân (Ban tiếp công dân) trong việc báo tin với người khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận đơn, về kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết cũng mở rộng hơn, trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của người có thẩm quyền, thì đại biểu HĐND báo cáo với HĐND cùng cấp để giám sát theo quy định pháp luật.
Cùng với đó, thực hiện theo Chỉ thị số 35 – CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nội dung cơ bản của chỉ thị đó là phải nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp công dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa công dân với Đảng và Nhà nước nói chung, giữa đại biểu HĐND với cử tri nói riêng. Thông qua công tác tiếp công dân, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội.Khi đại biểu làm tốt công tác này thì quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm; tạo điều kiện để công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả hoạt động của đại biểu nói riêng và công tác cán bộ nói chung.
Ngoài ra, theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp, thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến. Cụ thể, khiếu nại, tố cáo của công dân không thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của quy chế này, việc xem xét, giải quyết thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại và Luật tố cáo. Theo nguyên tắc, kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến phải được các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình giải quyết. Đối với các kiến nghị có nội dung trùng lặp (cử tri ở các địa phương khác nhau có nội dung kiến nghị tương tự nhau hoặc kiến nghị ở cùng một địa phương
nhưng trùng lặp nội dung) thì bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết, trả lời và thông báo kết quả giải quyết bằng một văn bản đồng thời gửi đến tất cả Đoàn Đại biểu Quốc hội có kiến nghị trùng lặp và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định. Đối với kiến nghị liên quan đến việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các chính sách, pháp luật cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, tuân thủ các quy trình, thủ tục xây dựng văn bản hoặc kiến nghị khi thực hiện giải quyết cần phải có nguồn lực phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, chưa xác định được thời gian giải quyết thì các bộ, cơ quan phải giải trình, nêu rõ lý do, dự kiến lộ trình, phương hướng giải quyết, trả lời để cử tri biết.
Đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế tiếp công dân của đại biểu HĐND cấp tỉnh tại một số địa phương còn ít đơn thư của người dân. Vì hiện nay, đa số người dân liên hệ trực tiếp với bộ phận tiếp công dân tại các xã, phường và ban tiếp công dân của Ủy ban nhân dân các quận, huyện. Đặc biệt, đại biểu HĐND các cấp tiếp công dân còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao. Đại biểu có thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã phân công, nhưng ít có công dân đến để tiếp.
Tại các kỳ họp, đại biểu HĐND các cấp đã tích cực xem xét báo cáo và tiến hành chất vấn những lĩnh vực có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực nổi cộm như: Tài nguyên – Môi trường, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự, Lao động – Thương binh xã hội, Nội vụ… Để qua đó, giúp Hội đồng nhân dân kịp thời ban hành chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị và các cá nhân trong quá trình giải quyết kiến nghị, tố cáo, khiếu nại của cử tri.
Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cá nhân là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đại biểu HĐND đã phát huy được trách nhiệm, quyền hạn của mình đóng góp được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, khi đại biểu HĐND giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, không đúng thời gian quy định, nhiều vụ quá thời hạn giải quyết nhưng không được xem xét gia hạn theo các quy định của pháp luật, đại biểu HĐND đùn đẩy trách nhiệm, chưa
thực hiện tiếp công dân theo quy định,…
Bên cạnh đó, đội ngũ được bố trí, sắp xếp làm công tác tiếp dân còn thiếu và hạn chế về trình độ, năng lực. Trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả tiếp công dân, đó là đại biểu tiếp công dân phải có trình độ, năng lực trong việc tiếp nhận, phân loại các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hướng dẫn xử lý, trả lời với dân phải cụ thể, rõ ràng, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, qua loa, đại khái. Quá trình tiếp công dân, đại biểu tiếp dân cần giải thích rõ trên cơ sở các quy định của pháp luật một cách đầy đủ, chính xác liên quan đến nội dung mà người dân trình bày. Ngoài ra, do yếu tố địa lý tác động, nhiều cử tri ở xa địa điểm tiếp công dân, sẽ khó khăn trong việc di chuyển để có thể kịp thời chuyển khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đến đại biểu. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của mỗi công dân. Vì vậy, cần phải có những giải pháp để khắc phục và rút ngắn khoảng cách địa lý đó lại.