Nhân tố bên trong

Một phần của tài liệu 1278_234315 (Trang 40 - 45)

2.3. Các yếu tố tác động đến hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp tạ

2.3.2 Nhân tố bên trong

Nhân tố bên trong là các nhân tố thuộc về bản thân, nội tại của ngân hàng liên quan đến sự phát triển ngân hàng và tác động trực tiếp đến hoạt động cho vay KHDN.

- Nguồn vốn ngân hàng:

Mỗi loại vốn trong cơ cấu nguồn vốn của NHTM đều có tầm quan trọng riêng và không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và sự tồn tại của ngân hàng. Đối với hoạt động cho vay tại NHTM thì hai loại nguồn vốn có vai trò quan trọng là:

Vốn tự có của ngân hàng gồm các khoản mục là vốn điều lệ, vốn tự có bổ sung và các quỹ ngân hàng. Với tầm quan trọng trong việc chống đỡ những rủi ro ngân hàng, NHNN thường quyết định mức vốn tự có tối thiểu khi thành lập hoặc NHTM chỉ được huy động vốn không quá bội số nhất định của vốn tự có. Vốn tự có có vai trò bảo vệ người gửi tiền, tạo lập tư cách pháp nhân, duy trì và điều chỉnh hoạt động của ngân hàng.

Vốn huy động là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân hàng. Nguồn vốn huy động là những giá trị tiền tệ mà ngân hàng huy động được từ các tổ chức kinh tế và các cá nhân trong xã hội. Vốn này luôn biến động nên ngân hàng không được sử dụng hết mà phải có dự trữ với một tỷ lệ hợp lý để đảm bảo khả năng thanh toán. Một phần nguồn vốn huy động được phải giữ lại theo tỷ lệ quy định của NHNN, các khoản tiền này bao gồm tiền dự trữ bắt buộc và các khoản tiền dự trữ thanh toán. Phần nguồn vốn huy động còn lại, NHTM cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân để đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Vốn huy động là chủ yếu trong nguồn vốn ngân hàng nên thu hút càng nhiều vốn thì NHTM càng có khả năng đạt lợi nhuận cao hơn vì có vốn mạnh thì ngân hàng dễ dàng đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay và mở rộng thêm các hoạt động sinh lời khác.

Ngoài ra, nguồn vốn tiếp nhận là số vốn NHTM tiếp nhận từ NHNN do tài trợ, uỷ thác đầu tư, làm đại lý, để cấp phát và cho vay các công trình tập trung trọng điểm của Nhà nước.

Nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân hàng và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng thông qua hoạt động cho vay là nguồn vốn huy động. Hay nói cách khác, nguồn vốn cho vay tại các NHTM chủ yếu là nguồn vốn huy động.

- Chính sách cho vay:

Chính sách cho vay là tổng thể các quy định của ngân hàng về hoạt động cho vay nhằm đưa ra định hướng và hướng dẫn hoạt động của cán bộ ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho khách hàng. Tổng thể các quy định này bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến cấp tín dụng như quy mô, lãi suất, kỳ hạn, đảm bảo, phạm vi, các khoản tín dụng có vấn đề và các nội dung khác…

Chính sách cho vay xác định những giới hạn áp dụng cho các hoạt động cho vay. Đồng thời cũng thiết lập môi trường nhằm giảm bớt rủi ro trong hoạt động cho vay. Chính sách cho vay được đưa ra nhằm bảo đảm rằng mỗi quyết định cho vay đều khách quan, tuân thủ quy định của NHNN và phù hợp thông lệ chung của quốc tế.

Chính sách cho vay điều hành hoạt động cho vay của mỗi ngân hàng, được thể hiện bằng các định hướng, tư tưởng chỉ đạo, cho đến các quy chế, quy trình cấp tín dụng, quản lý khoản tín dụng, danh mục tín dụng, phân cấp thẩm quyền, chính vì thế chính sách cho vay có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động cho vay của từng ngân hàng.

Chính sách cho vay cụ thể là để xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ liên quan nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như tạo điều kiện để các cán bộ liên quan biết rõ những việc cần phải làm khi tham gia một khoản vay.

Chính sách cho vay nhằm đảm bảo tính chuyên môn cao và tăng cường khả năng giám sát giữa các phòng chức năng, theo đó chức năng nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách tín dụng được tách biệt với chức năng quản lý khách hàng, thẩm định và đề xuất tín dụng; thẩm định rủi ro và quản lý danh mục tín dụng; theo dõi, quản lý các khoản nợ bị suy giảm khả năng trả nợ; kiểm tra, giám sát tín dụng độc lập. Chính sách cho vay giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cho vay để đảm bảo tăng trưởng dư nợ của hoạt động cho vay hiệu quả, bền vững.

- Năng lực cạnh tranh cho vay trong lĩnh vực ngân hàng

Vì NHTM cũng là doanh nghiệp đặc biệt nên trong hoạt động cho vay thì NHTM cũng tìm đủ mọi biện pháp để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho vay có chất lượng cao đến khách hàng, với mức lãi suất và phí cho vay cạnh tranh nhất, bên

cạnh sự đảm bảo về tính chính xác, độ tin cậy và sự tiện lợi nhất nhằm thu hút khách hàng, mở rộng thị phần cho vay để đạt được lợi nhuận cao nhất cho ngân hàng. Do đó, cạnh tranh trong hoạt động cho vay NHTM là sự tranh đua, giành khách hàng và chiếm thị phần dựa trên tất cả những khả năng mà ngân hàng có được để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về việc cung cấp những sản phẩm dịch vụ cho vay, giá cả cho vay có sự đặc trưng riêng so với các NHTM khác, tạo ra lợi thế cạnh tranh, làm tăng lợi nhuận từ hoạt động cho vay tạo được uy tín, thương hiệu và vị thế trong ngành ngân hàng.

- Nhân viên ngân hàng

Nhân viên ngân hàng là cầu nối chính giữa khách hàng và ngân hàng, thực hiện các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến vay vốn của khách hàng. Vì là cầu nối chính giữa khách hàng và ngân hàng, nhân viên ngân hàng thường xuyên liên hệ với khách hàng nên nắm được các thông tin của khách hàng thông qua báo cáo tài chính khách hàng, thông tin tín dụng của khách hàng, đối tác làm ăn,... Nhân viên ngân hàng có một vai trò quan trọng trong suốt quá trình cho vay từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi hợp đồng vay vốn được thanh lý. Chính vì vai trò quan trọng làm cầu nối chính trong quá trình cho vay, nên trình độ, đạo đức nhân viên ngân hàng luôn được NHTM quan tâm hàng đầu. Vì mọi thông tin về doanh nghiệp đều là do ý kiến chủ quan của nhân viên ngân hàng, điều này có thể dẫn đến việc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay theo quy định và sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trong hoạt động cho vay.

- Quy trình cho vay

Quy trình cho vay là bảng tổng hợp mô tả công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của một khách hàng cho đến khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng.

Quy trình cho vay được soạn thảo với mục đích giúp cho quá trình cho vay diễn ra một cách thống nhất, khoa học; hạn chế, phòng ngừa rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng. Quy trình này cũng xác định người thực hiện công việc và trách nhiệm của các cán bộ có liên quan trong quá trình cho vay.

Việc thiết lập quy trình cho vay và không ngừng hoàn thiện quy trình có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động cho vay ngân hàng.

Về mặt hiệu quả, việc xây dựng quy trình tín dụng hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay.

Về mặt quản lý, quy trình cho vay sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm của từng thành viên, tạo điều kiện cho từng nhân viên nhận thức đúng vai trò, vị trí, công việc, giúp ngân hàng thiết lập các thủ tục cho vay phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như thích ứng với từng nhóm khách hàng, từng loại cho vay.

Mặt khác, quy trình cho vay còn là cơ sở để kiểm soát quá trình cho vay, từ đó điều chỉnh chính sách cho vay phù hợp với thực tế, loại bỏ những quy định bất hợp lý nhằm tạo ra những thay đổi tích cực góp phần phát triển hoạt động cho vay.

Trong quy trình cho vay, công tác thẩm định là một trong những bước quan trọng nhằm đưa ra những đánh giá về tính khả thi, khả năng trả nợ và những rủi ro có thể xảy ra khi quyết định cho vay. Công tác thẩm định có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cho vay của ngân hàng, nếu công tác thẩm định được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, cẩn thận với thông tin đầy đủ, chính xác, quy trình thẩm định cụ thể và nhân viên thẩm định đầy đủ trình độ chuyên môn, đạo đức, sẽ mang lại quyết định chính xác, hạn chế rủi ro, đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cho ngân hàng.

- Kiểm tra kiểm soát nội bộ

Việc kiểm tra kiểm soát hoạt động cho vay thường xuyên giúp phát hiện ra những sai sót trong quá trình cho vay từ đó có những biện pháp kịp thời để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Bên cạnh đó, thông qua kiểm soát nội bộ, giúp nhà lãnh đạo ngân hàng nắm bắt được tình hình hoạt động cho vay, những thuận lợi khó khăn trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục, chính sách cho vay, từ đó giúp nhà lãnh đạo đưa ra những chủ trương chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát huy những thuận lợi nhằm phát triển hoạt động cho vay

- Các nhân tố bên trong khác:

Thông tin tín dụng: Trong hoạt động cho vay tại NHTM chủ yếu dựa trên sự tin tưởng đối với khách hàng. Mức độ chính xác của sự tin tưởng lại phụ thuộc vào

chất lượng thông tin mà ngân hàng có. Để ngày càng tăng cường hoạt động cho vay đạt hiệu quả, chất lượng cao, NHTM phải nắm bắt kịp thời những thông tin về kinh tế, xã hội, thị trường để đưa ra những phương hướng hoạt động kinh doanh và hoạt động cho vay phù hợp. Những thông tin về khách hàng chính xác thì hoạt động cho vay của NHTM đối với từng khách hàng sẽ hợp lý hơn và chủ động hơn.

Nghiên cứu của Hoggarth. G (2012) đã cho rằng thông tin tín dụng khách hàng từ các công ty chuyên cung cấp thông tin tín dụng ảnh hưởng đến quyết định cho vay của ngân hàng.

Cơ sở vật chất thiết bị: Cơ sở vật chất thiết bị cũng ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của NHTM. Nếu cơ sở vật chất thiết bị lạc hậu thì công việc của ngân hàng sẽ được xử lý kém, chậm chạp, các hoạt động của ngân hàng được thực hiện khó khăn. Điều đó làm cho ngân hàng tụt hậu, kém phát triển, không thu hút được nhiều khách hàng sẽ làm hạn chế hoạt động cho vay. Ngược lại việc trang bị đầy đủ các thiết bị tiên tiến phù hợp với phạm vi và quy mô hoạt động, phục vụ kịp thời các nhu cầu khách hàng sẽ giúp ngân hàng tăng cường khả năng cạnh tranh, thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng hoạt động cho vay.

Nghiên cứu Liran Einav và cộng sự (2009) đã kết luận rằng khi ngân hàng áp dụng điểm tín dụng trong cho vay thì công nghệ thông tin có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cho vay KHDN vừa và nhỏ.

Chiến lược kinh doanh của ngân hàng: ngân hàng muốn tồn tại, phát triển phải có phương hướng, chiến lược kinh doanh. Chiến lược kinh doanh phù hợp thì hoạt động cho vay được mở rộng. Trên cơ sở các quyết định, chính sách, thông tin về khách hàng, về đối thủ khách hàng, xác định vị thế, ngân hàng phải xác định nên tăng cường hoạt động cho vay, chú trọng hơn vào những hướng nào có hiệu quả, tìm hiểu thêm những lĩnh vực mới tiềm năng giúp mở rộng hoạt động cho vay của ngân hàng. Nghiên cứu Luca Martini (2011), Grodzicki, M. J., & Skrzypek, J. (2020) đã cho rằng chiến lược kinh doanh của ngân hàng ảnh hưởng đến việc mở rộng hay thu hẹp nguồn cung tín dụng của ngân hàng.

Một phần của tài liệu 1278_234315 (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w