2.1.4.1. Cơ chế chính sách
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì vấn đề môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng càng được quan tâm hơn để hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, công tác quản lý rác thải đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện bằng các văn bản chính sách, pháp luật quản lý rác thải, chính sách xã hội hóa công tác quản lý rác thải nilon thân thiện môi trường… đã được khuyến khích phát triển. Các chiến lược, chính sách này đã đặt ra các mục tiêu cụ thể có ý nghĩa định hướng cho công tác quản lý rác thải hiện nay.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế so với yêu cầu của kế hoạch đề ra, các mục tiêu quản lý rác thải đặt ra còn gặp nhiều khó khăn trong công việc triển khai thực hiện cũng như hoàn thành mục tiêu. Nguyên nhân là do một số chính sách được ban hành nhưng thiếu cơ chế triển khai cũng như vận hành hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc triển khai không hiệu quả hoặc không thể phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật quy định về một số vấn đề then chốt đối với quản lý rác thải như nhân lực, bộ máy tổ chức, trình độ, các hướng dẫn kỹ thuật… vẫn còn thiếu, dẫn đến các hoạt động khó khăn khi triển khai, đặc biệt đối với công tác quản lý chất thải nguy hại (Hoàng Thị Phương, 2018).
2.1.4.2. Ý thức của người dân
Ở mỗi một địa phương, một vùng miền lại có những tập quán sinh hạt khác nhau. Vì vậy việc nhận định được đặc điểm của người dân để vận dụng trong quá trình quản lý vấn đề môi trường là điều cần thiết. Khi triển khai thực hiện chính sách ở địa phương cần nghiên cứu đặc điểm của dân cư địa phương. Đặc điểm của người dân bao gồm trình độ dân trí, độ tuổi, giới tính,... Trình độ dân trí, tuổi thể hiện hiểu biết của người dân quản lý chất thải rắn sinh hoạt, lợi ích của quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc phân tích và nắm rõ đặc điểm của dân cư là điều kiện cần thiết ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý (Nguyễn Xuân Nguyên, 2014).
2.1.4.3 Kinh phí cho hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Để cho bộ máy vận hành, cho máy móc công nghệ trong xử lý rác, kinh phí cho công nhân thu gom thì vấn đề kinh phí là yếu tố quyết định trực tiếp. Kinh phí cho hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt đóng vai trò quan trọng cho quá trình thực hiện các hoạt động quản lý rác thải diễn ra nhanh, hiệu quả. Hàng năm ngân sách nhà nước phân bổ cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội không thể thiếu ngân sách cho vấn đề môi trường. Kinh phí hoạt động trong lĩnh vực môi trường quyết định tính hiệu quả, kịp thời của việc xử lý vấn đề môi trường nói chung (Nguyễn Thị Minh Ngọc, 2015).
2.1.4.4 Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực trong công tác môi trường bao gồm cán bộ quản lý, công nhân lao động trong đó năng lực của cán bộ các cơ quan điều hành quản lý chất thải rắn sinh hoạt có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động. Nếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý tốt thì tiến độ thực hiện sẽ dễ dàng, chất lượng công việc cao. Ngược lại, nếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn thấp, thiếu năng lực quản lý thì sẽ làm chậm tiến độ công việc và chất lượng của công việc sẽ không cao. Chính vì vậy nghiên cứu quản lý chất thải rắn sinh hoạt cần nghiên cứu đến trình độ, năng lực của cán bộ địa phương từ cơ sở đến các ban nghành xã, huyện, tỉnh (Nguyễn Thị Minh Ngọc, 2015).
2.1.4.5 Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về quản lý rác thải, các ứng dụng từ nước ngoài cũng như việc đầu tư cho các mô hình xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, hoạt động quản lý chất thải sinh hoạt vẫn còn đang là vấn đề quan tâm của nhiều nhà khoa học và của Nhà nước. Do nguồn lực có hạn nên việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt diễn ra chậm, chủ yếu là áp dụng các biện pháp phổ thông nên hiệu quả vẫn chưa cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là điều cần thiết và quyết định đến hiệu quả trong công tác môi trường (Lưu Đức Hải, 2009).