CHƯƠNG 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.2 Thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gia
đoạn 2014 - 2019
4.2.1 Thực trạng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, cùng với sự gia tăng của tổng giá trị nhập khẩu, nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam tăng mạnh dần qua các năm, đặc biệt bắt đầu từ năm 2007. Giá trị nhập khẩu gấp khoảng 2-3 lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp. Cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc luôn âm, đặc biệt năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là lớn nhất với 28,78 tỷ USD. Trong lịch sử quan hệ ngoại thương của Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD. Dấu mốc này được thiết lập vào năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,268 tỷ USD tăng 5,864 tỷ USD so với năm 2017, với tốc độ tăng trưởng 16,6%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này là 65,438 tỷ USD tăng 6,846 tỷ USD, tương đương tăng trưởng gần 11,7%. Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất và là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch giữa 2 nước đạt trên 100 tỷ USD. Đặc biệt, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tuy
nhiên, kim ngạch tăng thêm chủ yếu từ nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang nước trong khu vực này tăng không đáng kể.
Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất cao trong một số sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam, như máy móc, thiết bị, sản phẩm và linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may giày da, điện thoại các loại và linh kiện,... Các sản phẩm này đồng thời cũng nằm trong 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (các nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam gần như không thay đổi). Nhập khẩu từ Trung Quốc của một số ngành nghề có thể được dịch chuyển sang Việt Nam với 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến & giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Giai đoạn 2014 -2019 việc tăng trưởng nhập khẩu của hầu hết cách ngành đều tỏ ra vượt trội so với cùng kỳ các năm trước. Với điều kiện sản xuất hiện tại của Việt Nam, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc để sản xuất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một số nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam trở thành quốc gia nhập siêu của Trung Quốc gồm:
Thứ nhất, liên quan đến chi phí nhập khẩu. Chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhiều nhờ vị trí địa lý gần kề. Mặt khác, hàng Trung Quốc nhìn chung có giá cả rẻ hơn so với hàng nhập khẩu cùng loại khác do lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tính đa dạng của nền kinh tế, tuy thời hạn sử dụng thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu sử dụng của người Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/20016. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm, linh hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018, tập trung vào các nhóm mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Do đó, chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm đi đáng kể.
Thứ hai, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu kém, do đó phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp phụ trợ. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80 - 85% nguyên liệu như sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, dệt may, da giày.
Thứ ba, có thể nói hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có chủng loại đa dạng nhất, trong đó chỉ có một số mặt hàng nước này mới có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu thụ ở Việt Nam như đồ chơi Trung thu, đồ Tết, đồ thờ cúng và phong thủy v.v. Đây là những nhân tố khiến cho nền kinh tế Việt Nam - Trung Quốc ngày càng gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau.
4.2.2 Thực trạng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ (không tính khối nước). Giai đoạn 2008 - 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng rất cao, từ
4.535,7 triệu USD vào năm 2008 lên 35.403,9 triệu USD vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 26,57%/năm.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng đa dạng, phong phú. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gồm: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, điện thoại các loại và linh kiện. Mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 15,40%), tiếp đến là cao su (8,18%), điện thoại các loại và linh kiện (6,78%), xơ sợi dệt các loại (6,14%), gỗ và sản phẩm gỗ (4,97%). Những kết quả đạt được như sau:
Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giữa các nhóm hàng chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu
của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017 có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: Giảm tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản giảm từ 29,68% và 30,63% năm 2008 xuống 6,44% và 28,46% năm 2015, xuống còn 3,72% và 21,70% năm 2017; tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 14,86% năm 2008 lên 60,52% năm 2015, lên tới 72,28% năm 2017.
Hình 4.1: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giữa các nhóm hàng giai đoạn 2008 - 2017
Nguồn: Tổng Cục hải quan
Vị trí của các nhóm hàng thay đổi trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc: Năm 2008, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ở vị trí cuối cùng (với tỷ trọng thấp nhất 14,86%) đã vươn lên vị trí đầu tiên vào năm 2017 (với tỷ trọng áp đảo 72,28%), đẩy nhóm hàng nông lâm thủy sản, nhiên liệu kháng sản và hàng hóa khác xuống vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Chất lượng các nhóm hàng được cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu hàng
hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017 phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và tiến trình CNH, HĐH.
Thứ hai, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong nội bộ từng nhóm hàng về cơ bản chuyển dịch theo hướng tích cực.
Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khoáng sản thô, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến trên cơ sở đầu tư công nghệ, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Cụ thể, tỷ trọng khoáng sản thô giảm từ 100% năm 2008 xuống 83,49% năm 2017, tỷ trọng xăng dầu tăng từ 7,29% năm 2009 lên 16,51% năm 2017. Nhóm hàng nông lâm thủy sản đã hướng vào các sản phẩm chế biến, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, từ 95,93% năm 2008 xuống 80,13% năm 2017; tăng tỷ trọng hàng chế biến từ 4,07% năm 2008 lên 19,87% năm 2017, tăng tỷ trọng thủy sản, rau quả và gạo (ba mặt hàng này đang gia tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, giảm tỷ trọng hàng có giá trị gia tăng thấp và hàng gia công, từ 72,55% và 80,04% năm 2008 xuống 55,64% và 60,34% năm 2017, tăng tỷ trọng hàng có giá trị gia tăng cao và hàng tự sản xuất từ 27,45% và 19,96% năm 2008 lên 44,36% và 39,66% năm 2017. Một số sản phẩm dệt may, da giầy... do doanh nghiệp Việt Nam tự thiết kế mẫu mã, sản xuất và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch từ các mặt hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế sang các mặt hàng có hàm lượng chế biến. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, tăng tỷ trọng
hàng chế biến, chế tạo (gồm cả hàng nhiên liệu chế biến, hàng nông thủy sản chế biến và hàng công nghiệp chế biến chế tạo). Cụ thể, tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế giảm từ 63,86% năm 2009 xuống 33,22% năm 2014 và xuống còn 20,49% năm 2017; tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo tăng từ 36,14% năm 2009 lên 66,78% năm 2014 và 79,51% năm 2017.
Hình 4.2: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc theo hàm lượng chế biến giai đoạn 2008 - 2017
Nguồn: Tổng Cục hải quan