Thứ nhất, về quá trình điều hành cơ chế tỷ giá của NHNN chưa thể thả nổi tỷ giá bởi có thể gây nên những tác hại khôn lường đến nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, nếu thả nổi hoàn toàn, tỷ giá có thể bị thị trường đẩy lên 5%, thậm chí 10% thì hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Thứ hai, tại Việt Nam, tỷ giá phụ thuộc vào điều kiện kinh tế bên ngoài, cán cân thương mại và chính sách điều hành của NHNN. Nghĩa là, thị trường ngoại hối Việt Nam khá nhạy cảm với các thông tin thị trường, do các yếu tố tâm lý và một phần do bất cân xứng cung cầu ngoại tệ tạm thời. Cụ thể, một số diễn biến khác trên thị trường tài chính đã dẫn đến những thay đổi trong hành vi cũng như tâm lý kinh doanh của các chủ thể trên thị trường, tạo ra những áp lực đối với tỷ giá như: Lạm phát, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng... Diễn biến này có thể được lý giải theo thuyết ngang giá sức mua cũng như tâm lý của các thành viên trên thị trường khi lạm phát tăng, làm giảm lòng tin của công chúng đối với giá trị nội tệ.
Thứ ba, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá, đó là lãi suất liên ngân hàng được duy trì khá thấp trên thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có xu hướng giảm mạnh trên tất cả các kỳ hạn và duy trì dao động trong khoảng từ 1 - 2%. Từ đó, giá trị đồng nội tệ không còn đủ
sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chính vì vậy, các nhà đầu tư có tổ chức (chủ yếu là các NHTM) có xu hướng nắm giữ ngoại tệ thay vì nội tệ, đẩy tỷ giá tăng. Điều này dẫn đến đầu cơ, dự trữ ngoại tệ tăng cao.
Thứ tư, NHNN chỉ cho các DN có nguồn thu ngoại tệ vay nhưng sự cân xứng các dòng tiền ngoại tệ vào ra tại một số thời điểm nhất định (cuối năm) cũng có thể khiến cho thị trường thiếu hụt lượng ngoại tệ để thanh toán.
Thứ năm, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển dịch chưa hợp lý và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2008 là 30,63%, đến năm 2017 giảm xuống 21,70%; bình quân cả giai đoạn là 27,89%), tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp (năm 2008 là 14,86%, đến năm 2017 tăng lên 72,28%, bình quân cả giai đoạn là 54,52%) đối với một nước thực hiện chiến lược CNH, HĐH hướng về xuất khẩu như Việt Nam trong vòng 30 năm qua. Tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế và hàng công nghiệp gia công trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, chiếm bình quân 72,42% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này giai đoạn 2008 - 2017, năm cao nhất là 2009 với 79,32%, năm thấp nhất là 2017 với 64,10%. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giữa các nhóm hàng còn chậm và chưa ổn định, thể hiện ở tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, nhưng vẫn còn ở mức thấp khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN (từ 14,86% năm 2008 tăng lên 72,28% năm 2017), tỷ trọng nhóm hàng này của Thái Lan năm 2017 là 83,6%. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản giảm xuống, nhưng tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản vẫn còn ở mức cao (30,63% năm 2008 giảm xuống 21,70% năm 2017), trong khi đó tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Malaysia và Thái Lan sang Trung Quốc năm 2017 là 6,70% và 8,90%. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thể hiện tính thiếu bền vững và bất lợi cho Việt Nam vì xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa nhưng hiệu
quả thu được thấp, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (hàng dệt may, da giầy, máy vi tính sản phẩm điện tử, điện thoại...) đều phải dựa vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, phụ kiện và thiết bị từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này, Việt Nam đã buộc phải gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu.