Thứ nhất, về quá trình điều hành cơ chế tỷ giá của NHNN, cần sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...).
Thứ hai, cải thiện các thủ tục hành chính trong hoạt động điều hành cơ chế tỷ giá nhằm gia tăng được tốc độ ra chính sách và áp dụng khi có bất kì những diễn biến ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cần thiết lập ban cố vấn chính sách, để có thể phản ứng nhanh, đưa ra được hướng chính sách phù hợp cho từng vấn đề kinh tế cụ thể, xử lý tốt mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá. Giữa lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ nên NHNN có thể can thiệp điều hành tỷ giá thông qua chính sách lãi suất. Khi đồng tiền trong nước bị mất giá, NHNH có thể nâng lãi suất. Lãi suất tăng làm cho lợi tức dự tính về đồng nội tệ cao hơn. Vốn, ngoại tệ nước ngoài sẽ tràn vào nước ta, giảm sự căng thẳng của khan hiếm ngoại tệ, đồng nội tệ khó có khả năng giảm giá. Tuy nhiên không nên cô lập chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất mà chúng phải được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau.
Thứ ba, cần tập trung các giải pháp chống đầu cơ ngoại tệ, gắn với các giải pháp chống đô la hóa. NHNN nên tiếp tục các giải pháp chống đô la hóa bằng giải pháp kinh tế như giữ mức lãi suất huy động tiền gửi đối với ngoại tệ ở mức 0% hoặc
áp dụng lãi suất âm; thắt chặt hơn nữa trạng thái ngoại tệ nhằm ngăn chặn các NHTM găm giữ ngoại tệ.
Thứ tư, tăng dự trữ ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, với chế độ tỷ giá linh hoạt có điều tiết ở nước ta, cơ chế tỷ giá mới đòi hỏi khi cung, cầu ngoại tệ trên thị trường thay đổi tỷ giá trên thị trường cũng thay đổi theo. Nếu NHNN muốn giữ tỷ giá hối đoái ổn định thì buộc phải can thịêp. Tuy nhiên, sự can thiệp ở đây không phải là mệnh lệnh hành chính, ấn định trực tiếp vào tỷ giá mà nó được tiến hành trên cơ sở NHNN bán hoặc mua ngoại tệ, sử dụng quỹ dự trữ bình ổn hối đoái. Nếu cung ngoại tệ lớn hơn cầu ngoại tệ, NHNN chỉ việc tung VND ra mua ngoại tệ làm tăng nguồn dự trữ ngoại tệ bán ra để giữ tỷ giá. Yêu cầu đặt ra là NHNN phải có dự trữ đủ mạnh để sẵn sàng đối phó với âm mưu kích động, yếu tố đầu cơ.
Thứ năm, không dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại. NHNN sẽ không dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tương ứng với lượng lớn ngoại hối mua được, NHNN cung ứng tiền đồng đưa vào lưu thông, bổ sung thanh khoản VND cho toàn hệ thống, chuyển hoá nguồn lực ngoại tệ thành nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Với việc NHNN tiếp tục điều hành chủ động linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá cơ bản ổn định, phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới nhiều biến động (đồng Nhân dân tệ giảm giá, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, lộ trình chính sách của Fed...).
Thứ sáu, Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN; Tăng cường dịch vụ công trực tuyến, triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
Đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng sản xuất có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.