6. Kết cấu của đề tài
1.5.2. Cơ sở trách nhiệm của công ty mẹ
Tỷ lệ sở hữu đóng vai trò quan trọng quyết định sự kiểm soát và chi phối của công ty mẹ đối với công ty con. Đây cũng là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất khi phân tích về trách nhiệm liên đới của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con. Sự kiểm soát của công ty mẹ phản ánh mối quan hệ giữa hai chủ thể chịu trách nhiệm, chính là yếu tố cấu thành thứ hai trong trách nhiệm liên đới của công ty mẹ đã trình bày ở phần 3.1 trên đây. Chính vì lẽ đó, để có thể quy trách nhiệm cho công ty mẹ, tỷ lệ sở hữu vốn ở mức kiểm soát sẽ là cơ sở đầu tiên và không thể thiếu.
Cơ sở lý luận thứ hai về trách nhiệm của công ty mẹ chính là quan điểm công ty mẹ luôn có khả năng thanh toán tốt hơn công ty con. Điểm này được lý giải rằng: nếu một công ty là thành viên của một nhóm công ty, theo thông lệ chung, “người chơi” chính trong nhóm công ty này là công ty mẹ sẽ thực hiện tích lũy tư bản, làm giàu các nguồn lực cho mình thông qua việc thu cổ tức từ các công ty con và đương nhiên là các công ty con buộc phải thực hiện điều này mặc dù nó có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tài chính của công ty con. Trong khi đó, công ty mẹ lại có thể cố tình cấp ít vốn cho công ty con để giới hạn phạm vi chịu trách nhiệm pháp lý của công ty con ở một mức thấp, nhưng lại vẫn tác động để công ty con tham gia vào các hoạt động kinh doanh rủi ro cao nhằm mang về lợi nhuận tối đa cho công ty mẹ33. Tương tự, công ty mẹ có thể sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với công ty con để chuyển tài sản cho chính mình bằng cách chia cổ tức quá mức, giảm vốn, bán hàng giá cao cho công ty con hoặc mua hàng của công ty con với giá thấp... Kết quả là tình hình tài chính của công ty con luôn kém hơn công ty mẹ, công ty mẹ luôn luôn có khả năng thanh toán cao hơn công ty con. Việc công ty con mất khả năng thanh toán do đó có một phần trách nhiệm từ công ty mẹ và vì vậy, mối tương quan về khả năng
33 Anderson H. (2011), Parent Company Liability for Asbestos Claims: Some International Insights, Legal Studies, Vol. 31 No.4, trang 547 đến trang 551
thanh toán này cũng là một cơ sở để yêu cầu công ty mẹ có trách nhiệm một phần đối với những khoản nợ mà công ty con không thể chi trả.
Ở một góc độ khác, công ty con trong nhóm công ty được thành lập ra để phối hợp cùng công ty mẹ trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì một mục tiêu chung là lợi ích của cả nhóm công ty. Do vậy, mặc dù là các pháp nhân độc lập về địa vị pháp lý song thực tế công ty con luôn phụ thuộc vào công ty mẹ ở một mức độ nào đó. Công ty mẹ, với tư cách là một cổ đông, có quyền quyết định hoặc chi phối quyết định bổ nhiệm hay miễn nhiệm người quản lý của công ty con. Điều đó có nghĩa là người đứng đầu công ty con trong đa phần các trường hợp sẽ là người của công ty mẹ, hành động theo sự chỉ đạo và vì lợi ích của công ty mẹ. Đây chính là cách mà công ty mẹ thực hiện quyền và khả năng kiểm soát của mình lên các hoạt động của công ty con. Vì vậy, chắc chắn là một hành vi nào đó của công ty con luôn luôn có ít nhiều yếu tố tác động từ công ty mẹ và đó là cơ sở giải thích cho việc công ty mẹ phải có trách nhiệm liên đới với các hành vi của công ty con.
Cuối cùng, lý thuyết về sự có đi có lại giữa lợi ích và trách nhiệm34 cũng là một cách lập luận về trách nhiệm liên đới của công ty mẹ khi các luật gia tìm kiếm cơ cơ sở cho việc buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm đối với hành vi của công ty con. Theo lý thuyết này, mục tiêu chính của công ty là để mang lại lợi nhuận cho các cổ đông. Cổ tức hay lợi nhuận mà công ty mẹ được chia từ công ty con có thể được coi là lợi ích. Đổi lại, gánh nặng đặt lên vai công ty mẹ chính là trách nhiệm liên đới của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con.
1.6. Tiểu kết Chương 1
Tổng kết lại những vấn đề lý luận đã được phân tích trong Chương 1 này, có thể thấy rằng pháp luật công ty đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển khá dài, đủ để có một sự hoàn thiện tương đối, góp phần thúc đẩy nền kinh tế bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý của nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Các nhà đầu tư khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua một công ty sẽ không phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với những nghĩa vụ tài sản của công ty đó.
34 Keating G.C. (1997), The Idea of Fairness in the Law of Enterprise Liability, Michigan Law Review, Vol.95 No.2, trang 1266 - 1360.
Rủi ro cũng vì thế mà được giới hạn trong phạm vi số vốn mà họ đầu tư vào công ty. Đó chính là những ưu điểm của nguyên lý trách nhiệm hữu hạn, giúp cho nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào nền kinh tế, góp phần gia tăng của cải và việc làm cho xã hội. Cũng chính từ đó mà các nhóm công ty được hình thành và dần trở thành một mô hình hữu ích để tối đa hóa lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tiễn luôn đi trước và đặt ra những vấn đề cần phải được phản ánh, tiếp thu và cải tiến trong các quy định của pháp luật, cụ thể là trong vấn đề trách nhiệm của pháp nhân nói chung và trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con nói riêng. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được pháp luật của các quốc gia quy định, trong hầu hết các trường hợp là trách nhiệm tài sản của pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân khác hay đối với nhà nước khi vi phạm các quy định của pháp luật. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân cũng như trách nhiệm pháp lý của thể nhân, bao gồm: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và cả trách nhiệm hình sự. Ngoài việc giới thiệu về trách nhiệm pháp lý của pháp nhân, Chương 1 cũng đã đề cập đến các quan điểm lý luận về trách nhiệm của pháp nhân với tư cách là công ty mẹ của một công ty con, để từ đó đi vào nghiên cứu pháp luật cũng như thực tiễn về vấn đề này tại Chương 2. Từ những quan điểm lý luận của những nhà nghiên cứu trên thế giới, có thể thấy rằng các quan điểm trái ngược nhau vẫn đang cùng tồn tại, bên thì ủng hộ còn bên thì phản đối việc suy xét trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con. Mặc dù tiếp cận từ góc độ nào, những quan điểm lý luận này cũng đã cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với việc nên hay không nên và làm thế nào để buộc một công ty mẹ phải có trách nhiệm khi nó gián tiếp gây ra những thiệt hại cho bên thứ ba thông qua công ty con của mình.
CHƯƠNG 2 – BẤT CẬP TỪ MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ - CÔNG TY CON VÀ QUY ĐỊNH CỦA CÁC QUỐC GIA VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY MẸ