6. Kết cấu của đề tài
2.3.1. Pháp luật về công ty
Tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp (từ Luật Doanh nghiệp năm 2005, 2014 và hiện tại là luật số 59/2020/QH14) đã quy định một số trường hợp thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ đông công ty cổ phần phải chịu trách nhiệm trước các khoản nợ của công ty. Ví dụ, theo khoản 4 điều 47, khoản 3 điều 75 và khoản 4 điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong trường hợp các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông công ty cổ phần chưa góp đủ số vốn đã cam kết vào vốn điều lệ hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết hoặc với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn hay thanh toán tiền mua cổ phần. Hay theo quy định tại khoản 5 điều 77, khoản 2 điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong trường hợp chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc cổ đông
công ty cổ phần rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty một cách trực tiếp mà không thông qua việc chuyển nhượng cho người khác thì chủ sở hữu hoặc cổ đông đó liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Còn theo quy định tại các khoản 3 và 5 điều 196 thì trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó; trường hợp không đền bù thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty. Như vậy, Luật Doanh nghiệp của Việt Nam đã bước đầu có quy định về một số trường hợp cổ đông, thành viên hay công ty mẹ phải có trách nhiệm đối với công ty con và các chủ nợ của công ty con. Tuy nhiên, việc cổ đông hay thành viên của công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong trường hợp chưa góp đủ vốn thực chất vẫn nằm trong khuôn khổ của trách nhiệm hữu hạn, nghĩa là vẫn được giới hạn ở số vốn cam kết góp. Còn việc chịu trách nhiệm khi can thiệp quá thẩm quyền và buộc công ty con thực hiện các hoạt động kinh doanh trái thông lệ thì còn quá chung chung nên khó áp dụng. Hơn nữa, trách nhiệm của công ty mẹ trong trường hợp này cũng chỉ là trách nhiệm đối với công ty con chứ chưa phải trách nhiệm đối với các bên thứ ba có thiệt hại từ hành vi của công ty con.
Ngoài các quy định trên, Việt Nam không có thuật ngữ riêng để chỉ hiện tượng chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông của một công ty phải chịu trách nhiệm đối với những nghĩa vụ của công ty như thuật ngữ “vén màn công ty” ở các nước theo hệ thống thông luật. Thực tiễn xét xử của tòa án cũng chưa có trường hợp nào công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ hay các nghĩa vụ của công ty con theo cơ chế “vén màn công ty”. Đến nay, đây vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với chúng ta, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về cách hiểu cơ chế này.